Kết nối vùng, thúc đẩy du lịch Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ

Chương trình liên kết phát triển du lịch giữa các thành phố vùng Tây Nguyên và thành phố biển Tuy Hòa (Phú Yên) giai đoạn 2022 – 2024 đã mở ra nhiều hướng đi mới, góp phần hình thành các sản phẩm du lịch liên vùng hấp dẫn.

Trên cơ sở phát huy tiềm năng đặc trưng của từng địa phương, hoạt động liên kết không chỉ giúp lan tỏa bản sắc văn hóa – thiên nhiên mà còn tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế du lịch bền vững.

Từ biên bản đến hành trình trải nghiệm “lên rừng – xuống biển”

Ngày 25.6.2022, tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), năm thành phố gồm Pleiku (Gia Lai), Kon Tum (Kon Tum), Gia Nghĩa (Đắk Nông), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và Tuy Hòa (Phú Yên) đã chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ liên kết phát triển du lịch giai đoạn 2022 – 2025.

Đây là dấu mốc quan trọng, thể hiện quyết tâm của các địa phương trong việc đẩy mạnh hợp tác khu vực, phát triển du lịch theo hướng đa trung tâm và khai thác hiệu quả lợi thế của từng vùng.

Đông đảo du khách tới tham dự Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9, năm 2025

Đông đảo du khách tới tham dự Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9, năm 2025

Với vị trí địa lý đặc thù, 5 thành phố này nằm trên trục kết nối giữa đại ngàn Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ. Vùng đất này được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan đặc sắc như sông Sêrêpốk, Krông Ana, hồ Lắk, Biển Hồ, các vườn quốc gia Chư Yang Sin, Yok Don, Chư Mom Rây…

Bên cạnh đó là bờ biển Tuy Hòa dài hơn 30 km mang vẻ đẹp nguyên sơ, cùng hệ thống di tích lịch sử, văn hóa phong phú, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên – Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận và nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc như lễ hội đua voi, đua thuyền độc mộc, lễ hội mừng lúa mới…

Chương trình liên kết được triển khai với các nội dung cụ thể như: xây dựng và quảng bá sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương trên các phương tiện truyền thông; phối hợp tổ chức hội chợ, sự kiện xúc tiến du lịch; khuyến khích doanh nghiệp mở tour, tuyến liên kết giữa các thành phố trong hệ thống.

Đặc biệt, các sự kiện văn hóa – du lịch diễn ra luân phiên tại các địa phương đã tạo điều kiện để du khách tiếp cận gần hơn với những giá trị bản địa, góp phần làm phong phú trải nghiệm du lịch vùng.

Chỉ trong vòng 3 năm triển khai, chương trình liên kết đã đem lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Từ 12 tour, tuyến kết nối năm 2022, đến năm 2024, con số này đã tăng lên hơn 30 tour, tuyến, bao gồm các sản phẩm du lịch đặc trưng như “Biển xanh – Rừng đại ngàn”, “Con đường xanh Tây Nguyên”, “Con đường di sản miền Trung”, du lịch cộng đồng, sinh thái, du lịch gắn với di sản văn hóa.

Kết nối không chỉ là địa lý, mà là văn hóa và chiến lược

Tỉ lệ khách du lịch nội vùng giữa các thành phố trong hệ thống đạt mức 6 – 10% tổng lượt khách mỗi năm, cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc khai thác thị trường lân cận. Cùng với đó, số lượng khách du lịch và doanh thu tại các địa phương đều tăng trưởng mạnh mẽ.

TP. Tuy Hòa có đường bờ biển dài 30 km

TP. Tuy Hòa có đường bờ biển dài 30 km

Cụ thể, TP. Pleiku (Gia Lai) năm 2022 đón hơn 625.000 lượt khách, đạt doanh thu 447,7 tỷ đồng; năm 2023 đạt 825.000 lượt khách và 625 tỷ đồng doanh thu; năm 2024 tăng lên hơn 1 triệu lượt khách, doanh thu hơn 778 tỷ đồng.

Tại TP. Tuy Hòa – cửa ngõ kết nối biển và cao nguyên, lượng khách tăng trưởng ấn tượng: năm 2022 đạt 1,8 triệu lượt khách (doanh thu 2.270 tỷ đồng), năm 2023 đạt 2,7 triệu lượt khách (doanh thu 3.890 tỷ đồng), và năm 2024 lên tới gần 3,5 triệu lượt khách (doanh thu 6.500 tỷ đồng).

TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), trung tâm của Tây Nguyên, giai đoạn 2021 – 2023 đón hơn 2,1 triệu lượt khách, doanh thu khoảng 1.781 tỷ đồng; riêng năm 2024, đón trên 1 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 920 tỷ đồng.

Những con số này cho thấy tác động tích cực của hoạt động liên kết vùng không chỉ về lượng khách mà còn về giá trị kinh tế đem lại.

Ông Nguyễn Hữu Sung, Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku nhấn mạnh, liên kết giữa các thành phố không đơn thuần là hợp tác về mặt địa lý hay sản phẩm, mà là sự cộng hưởng tiềm năng, văn hóa và tầm nhìn chiến lược.

Thực tế, chương trình liên kết đã tạo điều kiện cho các địa phương học hỏi mô hình, kinh nghiệm trong quản lý và phát triển sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, bản sắc văn hóa Tây Nguyên đã được quảng bá rộng rãi tới du khách vùng biển và ngược lại, mở ra nhiều cơ hội hợp tác toàn diện.

Không chỉ dừng lại ở hoạt động du lịch, các chương trình hội chợ thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng địa phương cũng được tổ chức đồng bộ. Nhiều doanh nghiệp đã ký kết hợp tác phân phối, mở rộng thị trường tại các tỉnh bạn.

Theo bà Trần Thị Bích Liên, Thư ký Hội Doanh nghiệp TP. Tuy Hòa, các hoạt động trưng bày, bán hàng, giao lưu đã góp phần gia tăng doanh thu, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương. Bà kiến nghị tiếp tục hỗ trợ chi phí gian hàng, vận chuyển, đẩy mạnh số hóa sản phẩm OCOP và bán hàng trực tuyến (livestream) để kết nối hiệu quả hơn giữa các tỉnh thành.

Hướng tới liên kết cấp phường trung tâm

Theo ông Phạm Tiến , Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Buôn Ma Thuột, thực hiện các kết luận của Trung ương về tổ chức lại bộ máy chính quyền, trong đó có chủ trương không tổ chức chính quyền cấp huyện, việc kết nối giữa 5 thành phố tạm thời dừng lại.

Tuy nhiên, ông khẳng định việc tham gia chương trình trong 3 năm qua đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, mở ra cơ hội học hỏi, đầu tư và quảng bá du lịch hiệu quả.

TP. Tuy Hòa có vẻ đẹp nguyên sơ, cùng hệ thống di tích lịch sử, văn hóa phong phú

TP. Tuy Hòa có vẻ đẹp nguyên sơ, cùng hệ thống di tích lịch sử, văn hóa phong phú

Do đó, ông kiến nghị tiếp tục duy trì mô hình liên kết nhưng chuyển sang cấp “phường trung tâm”, tức là các đơn vị hành chính chủ lực trong mỗi thành phố. Cách làm này sẽ góp phần duy trì đà phát triển du lịch vùng, đảm bảo tính linh hoạt và phù hợp với tổ chức hành chính mới.

Giai đoạn 2026 – 2030 được kỳ vọng sẽ là thời kỳ tăng tốc, bứt phá của du lịch Tây Nguyên – duyên hải. Với nền tảng từ chương trình liên kết giai đoạn 2022 – 2024, các địa phương đang xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh.

Việc tăng cường đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển nguồn nhân lực, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa sẽ là những trụ cột để phát triển du lịch vùng theo hướng xanh – thông minh – bền vững.

Chương trình liên kết giữa 5 thành phố trong 3 năm qua đã chứng minh một điều: khi địa phương biết “bắt tay” đúng lúc, đúng cách, thì du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn mà còn là cầu nối văn hóa, là động lực cho phát triển toàn diện.

HƯƠNG TRÀ

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/du-lich/ket-noi-vung-thuc-day-du-lich-tay-nguyen-va-duyen-hai-nam-trung-bo-134139.html
Zalo