Kết nối văn hóa - thương mại để thúc đẩy kinh tế Hà Nội tăng trưởng 2 con số

Việc xây dựng Dự thảo Nghị quyết về Khu phát triển thương mại và văn hóa Dự thảo Nghị quyết về Khu phát triển thương mại và văn hóa đang được TP Hà Nội lấy ý kiến rộng rãi. Đây là bước đi chiến lược cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024, kết nối bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Luật Thủ đô 2024:

Tiến sĩ Lê Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội. Ảnh: Mộc Miên

Tiến sĩ Lê Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội. Ảnh: Mộc Miên

Phân vùng và thiết kế mô hình phù hợp từng khu vực

Theo TS Lê Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, dự thảo Nghị quyết về Khu phát triển thương mại và văn hóa là một chiến lược tổng thể nhằm tạo lập không gian sáng tạo, thúc đẩy giao lưu văn hóa, đồng thời kết nối với các hoạt động thương mại, dịch vụ. Đây chính là chìa khóa để phát triển công nghiệp văn hóa - một ngành kinh tế mới đầy tiềm năng mà Hà Nội đang nỗ lực đầu tư và hiện thực hóa.

Dự thảo Nghị quyết về Khu phát triển thương mại và văn hóa được xây dựng trên cơ sở thực hiện khoản 8, Điều 21 của Luật Thủ đô 2024, hiện đang trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi của người dân trước khi trình Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội thông qua.

Điểm nổi bật của dự thảo là việc xác định rõ các khu vực ưu tiên để phát triển khu thương mại và văn hóa, bao gồm: các tuyến phố, làng nghề, khu phố đi bộ, điểm dân cư nông thôn hiện hữu – những nơi có lợi thế về vị trí, giá trị văn hóa và khả năng thu hút du khách. Đồng thời, dự thảo đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn so với quy định hiện hành về văn hóa kinh doanh, an ninh, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, tạo nền tảng cho hoạt động thương mại gắn với trải nghiệm văn hóa và du lịch chất lượng cao.

TS Lê Ngọc Anh nhận định, mô hình Khu phát triển thương mại và văn hóa không thể áp dụng đại trà mà cần xây dựng theo đặc thù từng khu vực. Mỗi tuyến phố, làng nghề, khu dân cư có điều kiện hạ tầng, bản sắc và tiềm năng phát triển khác nhau, do đó phải có các mô hình điều hành và quản lý phù hợp, có sự phối hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Để vận hành hiệu quả, cần thực hiện quy hoạch đồng bộ về hạ tầng: giao thông thuận lợi, có bãi đỗ xe, khu vực ăn uống, nghỉ dưỡng, không gian trải nghiệm, quảng bá sản phẩm, hệ thống cảnh quan, nhà vệ sinh công cộng, biển hiệu và không gian xanh... Tất cả các yếu tố này phải tạo thành một tổng thể hài hòa, vừa đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương, vừa hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Về cơ chế vận hành, TS Lê Ngọc Anh kiến nghị nên giao trách nhiệm quản lý các khu phát triển thương mại và văn hóa cho cấp cơ sở, nơi hiểu rõ nhất đặc thù địa phương. Cụ thể, chính quyền cấp xã, phường có thể đề xuất mô hình, trình lên UBND TP phê duyệt. Việc này đảm bảo tính linh hoạt, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế.

Việc phân quyền hợp lý sẽ giúp rút ngắn quy trình, đồng thời tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức nghề nghiệp tại địa phương. Dự thảo cũng cần làm rõ các tiêu chí lựa chọn địa điểm, tiêu chuẩn hoạt động, cơ chế ưu đãi và hỗ trợ tài chính để thu hút nhà đầu tư tư nhân cùng tham gia.

Ngoài ra, để đảm bảo hiệu quả lâu dài, cần xác lập rõ vai trò của từng bên liên quan trong việc điều hành Khu phát triển thương mại và văn hóa. Nhà nước ban hành quy định, hỗ trợ quy hoạch; doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức hoạt động thương mại và văn hóa; cộng đồng dân cư là lực lượng tham gia trực tiếp, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Khi triển khai mô hình khu thương mại và văn hóa, Hà Nội có lợi thế lớn từ mạng lưới làng nghề lâu đời, vốn là những cái nôi văn hóa đặc sắc của dân tộc. Tại huyện Gia Lâm, mô hình kết hợp du lịch – văn hóa – thương mại đã bước đầu phát huy hiệu quả. Đại diện Hiệp hội Quảng cáo Hà Nội cho biết, bảo tàng Gốm Bát Tràng và khu Ocean Park 1 là ví dụ tiêu biểu cần nhân rộng. Đây là minh chứng cho tiềm năng phát triển kinh tế văn hóa thông qua việc gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống kết hợp với các hoạt động thương mại hiện đại.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch Hội làng nghề mây tre đan Phú Vinh (Hà Nội) đề xuất phát triển các xưởng gia công thành điểm du lịch trải nghiệm tại làng nghề. Ảnh: Mộc Miên

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch Hội làng nghề mây tre đan Phú Vinh (Hà Nội) đề xuất phát triển các xưởng gia công thành điểm du lịch trải nghiệm tại làng nghề. Ảnh: Mộc Miên

Từ làng nghề truyền thống trở thành điểm đến du lịch

Từ góc nhìn của làng nghề, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch Hội làng nghề mây tre đan Phú Vinh bày tỏ sự ủng hộ với Nghị quyết: “Thông qua các sự kiện, các nghệ nhân truyền tải thông điệp gìn giữ văn hóa đến thế hệ sau”.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh cho biết, hiện khách du lịch tham quan tăng gấp đôi so với hai năm trước. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý về tình trạng phát triển tự phát, thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu quy hoạch, những yếu tố cần được giải quyết thông qua việc thành lập chính thức các Khu phát triển thương mại và văn hóa.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh đề xuất phát triển các xưởng gia công thành điểm du lịch trải nghiệm, cụ thể mỗi hộ có thể xây dựng không gian trưng bày theo phong cách riêng, tạo điểm nhấn độc đáo. Tuy nhiên, hiện nay sự phát triển còn manh mún, thiếu quy hoạch bài bản. Do đó, rất cần chủ trương chính thức về việc gắn biển du lịch làng nghề, đầu tư hạ tầng, bãi đỗ xe, hệ thống chỉ dẫn…

Cùng chung quan điểm, nghệ nhân Tạ Thu Hương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Mây Tre Nón Lá, người đang vận hành mô hình du lịch cộng đồng tại làng Chuông cho biết, mỗi cuối tuần, nhà chị đón hàng trăm lượt khách. Tuy nhiên, làng Chuông vẫn thiếu không gian trưng bày và điểm đỗ xe du lịch cho đoàn khách tham quan.

Nghệ nhân Tạ Thu Hương trng một sự kiện quảng bá, giới thiệu nghề nón làng Chuông. Ảnh: M.Miên

Nghệ nhân Tạ Thu Hương trng một sự kiện quảng bá, giới thiệu nghề nón làng Chuông. Ảnh: M.Miên

Nghệ nhân Tạ Thu Hương chia sẻ: “Đình làng hiện là nơi duy nhất có thể tổ chức sự kiện, nhưng hệ thống đường sá, điểm dừng xe khách không thuận lợi, làm hạn chế tiềm năng du lịch địa phương”.

Nghệ nhân Tạ Thu Hương mong muốn thành lập “con đường nón” – nơi trưng bày sản phẩm của hơn 4.000 hộ dân, trở thành biểu tượng văn hóa độc đáo không chỉ của làng Chuông mà của cả Hà Nội.

Tầm quan trọng của việc phát triển các Khu thương mại và văn hóa không chỉ dừng ở giá trị bảo tồn văn hóa, mà còn mở ra cơ hội tăng trưởng kinh tế rõ rệt. Khi các làng nghề được tổ chức bài bản, kết nối với hoạt động du lịch, thương mại và quảng bá sản phẩm, chúng không chỉ giữ được bản sắc văn hóa mà còn tạo ra hàng nghìn việc làm, nguồn thu cho người dân, và nguồn thu ngân sách ổn định cho TP.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mô hình Khu phát triển thương mại và văn hóa, nếu được triển khai đồng bộ, có thể đóng góp trực tiếp vào mục tiêu tăng trưởng hai con số của Hà Nội trong giai đoạn 5 năm tới.

Đồng thời, đây cũng là bước đệm giúp Thủ đô vươn tới danh hiệu "Thành phố sáng tạo" mà UNESCO đề xuất, trở thành trung tâm văn hóa - du lịch hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Dự thảo Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa là một chiến lược quan trọng để kết nối phát triển kinh tế và văn hóa, tạo ra không gian sáng tạo, tăng cường giao lưu văn hóa, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế đô thị bền vững.

TS Lê Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ket-noi-van-hoa-thuong-mai-de-thuc-day-kinh-te-ha-noi-tang-truong-2-con-so-419485.html
Zalo