Kết nối truyền thống và khát vọng tương lai

Ngày cuối tháng Tư lịch sử, không khí tự hào và xúc động tràn ngập khắp các nẻo đường đất nước, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh - nơi ghi dấu chiến thắng vĩ đại trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - trở thành điểm đến thiêng liêng của hàng triệu trái tim Việt Nam.

Dịp đại lễ 30-4, Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là thời khắc để người dân từ khắp mọi miền tụ hội về đây, không chỉ để tưởng nhớ quá khứ hào hùng, mà còn để cảm nhận niềm tự hào dân tộc đang bừng cháy trong từng bước chuyển mình mạnh mẽ của thành phố năng động bậc nhất cả nước.

Thành phố mang biểu tượng chiến thắng

Ngày 30-4-1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi. Chiến thắng của quân và dân ta đã chấm dứt khói lửa chiến tranh, khép lại những đau thương, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hòa bình, thống nhất và phát triển. Thành phố Sài Gòn - Gia Định khi ấy được vinh dự mang tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành biểu tượng bất diệt của lòng yêu nước, của ý chí quật cường và khát vọng độc lập, tự do của cả dân tộc Việt Nam.

Đối với người dân trong nước đến Thành phố Hồ Chí Minh trong dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam là một hành trình trở về với cội nguồn lịch sử. Từ Dinh Độc Lập - nơi chứng kiến khoảnh khắc xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng chính, đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh hay đường phố Lê Duẩn, Lý Tự Trọng - tất cả đều gợi lại ký ức hào hùng, sống động về những ngày tháng gian lao nhưng đầy khí phách của cha ông.

Người dân hạnh phúc lưu lại những hình ảnh cho mình và người thân trong dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Người dân hạnh phúc lưu lại những hình ảnh cho mình và người thân trong dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Bà Lê Thị Lý đến từ tỉnh Thái Bình cho biết: Những nơi đến khiến tôi không khỏi xúc động. Là người lính Trường Sơn, góp sức mình trong công cuộc giải phóng dân tộc, tôi đã chuẩn bị cho chuyến đi này từ mấy tháng trước. Tôi thấy chuyến đi của tôi thật ý nghĩa.

Còn bà Đinh Thị Liệu ở thành phố Hải Phòng thì bùi ngùi: Tôi tự hào được đến Thành phố Hồ Chí Minh tham dự lễ kỷ niệm. Tôi mong rằng thế hệ trẻ sẽ phát huy tốt truyền thống ông cha, luôn mang tinh thần tự hào và trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ quê hương.

Sức hút từ những đổi thay vượt bậc

Không chỉ là điểm đến lịch sử, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay còn là minh chứng cho sự hồi sinh và phát triển vượt bậc sau chiến tranh. Từ một đô thị bị tàn phá, thành phố đã vươn mình trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục lớn nhất cả nước, đóng vai trò đầu tàu trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.

Dịp đại lễ 30-4 cũng là thời điểm để người dân khắp nơi cảm nhận sự đổi thay mạnh mẽ ấy: Những tuyến metro đang dần hoàn thiện, các công trình cao tầng vươn lên trên bầu trời, hệ thống giao thông hiện đại, khu đô thị mới Thủ Thiêm - biểu tượng của một đô thị sáng tạo trong tương lai.

Những hình ảnh diễu binh ấn tượng tại đại lễ

Những hình ảnh diễu binh ấn tượng tại đại lễ

Người dân khi đến đây không chỉ cảm nhận khí thế hào hùng từ quá khứ, mà còn thấy rõ quyết tâm vươn lên của một thành phố dám nghĩ, dám làm, không ngừng đổi mới để phục vụ cuộc sống người dân tốt đẹp hơn. Chính điều đó làm dấy lên niềm tự hào sâu sắc không chỉ về lịch sử, mà còn về hiện tại và tương lai. Đối với người dân Thành phố Hồ Chí Minh như bà Vương Thị Loan chia sẻ: Tôi cảm nhận thành phố thay đổi từng ngày, rất năng động và sáng tạo. Tôi tự hào về điều đó.

Ông Trịnh Công Lục đã có gần 35 năm sống tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Những ngày này, cả gia đình tôi đều vô cùng hãnh diện, tự hào vì mảnh đất mình sinh sống, lập nghiệp luôn không ngừng đổi thay và chắc chắn trong thời gian tới sẽ còn đổi thay hơn nhiều”.

Tình cảm gắn bó và tự hào

Người dân các tỉnh, thành khi về với Thành phố Hồ Chí Minh dịp đại lễ đều mang theo niềm tự hào sâu sắc. Với họ, đây là nơi thiêng liêng, là chứng nhân lịch sử, là đại diện cho sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Những gia đình đưa con trẻ về thăm Dinh Độc Lập. Những cụ già xúc động khi thấy cảnh tượng xưa được tái hiện. Những bạn trẻ hào hứng chụp ảnh với cờ đỏ sao vàng. Tất cả đều cho thấy tình yêu và sự gắn bó của người dân với thành phố mang tên Bác.

Cùng với đó, chính quyền thành phố luôn nỗ lực đảm bảo trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường và các dịch vụ công cộng, để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân vui lễ. Hệ thống giao thông được tổ chức linh hoạt, các điểm tham quan được bố trí khoa học, lực lượng chức năng túc trực xuyên suốt… góp phần làm nên một kỳ nghỉ lễ vừa ý nghĩa, vừa văn minh, an toàn.

Màu đỏ của cờ Đảng, cờ Tổ quốc rực rỡ khắp nơi ở Thành phố Hồ Chí Minh

Màu đỏ của cờ Đảng, cờ Tổ quốc rực rỡ khắp nơi ở Thành phố Hồ Chí Minh

“Chương trình lễ kỷ niệm thật ấn tượng, khiến mỗi người dân Việt Nam nói chung, bản thân tôi nói riêng thấy hòa bình thật quý giá và tự hào” - chị Nguyễn Thanh Hà ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xúc động chia sẻ.

Với sinh viên Phan Thị Mỹ Tiên, Trường Đại học Sài Gòn, người góp sức trong chương trình nghệ thuật của lễ kỷ niệm bày tỏ: “Em tự hào vì được tham gia vào hoạt động chào mừng lễ kỷ niệm. Em đã có một thanh xuân đáng nhớ và em tin rằng các bạn sinh viên như em cũng vậy. Thật hạnh phúc là những người trẻ của Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay”.

Những chùm bong bóng bay lên trên bầu trời hòa bình, thịnh vượng của Thành phố Hồ Chí Minh

Những chùm bong bóng bay lên trên bầu trời hòa bình, thịnh vượng của Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay năng động, sáng tạo, hội nhập đang từng ngày viết tiếp trang sử vẻ vang với niềm tin vào một tương lai phồn thịnh, bền vững. Chính trong dòng chảy sôi động ấy, người dân từ mọi miền đất nước đến với thành phố vào dịp đại lễ 30-4 đều thêm phần tự hào, không chỉ tự hào về chiến thắng năm xưa, mà còn tự hào vì được là một phần của dân tộc Việt Nam kiên cường, bất khuất, đang từng ngày vươn lên mạnh mẽ.

Lệ Quyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/172233/ket-noi-truyen-thong-va-khat-vong-tuong-lai
Zalo