Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Đề tài lớn, xuyên suốt của điện ảnh Việt Nam

Kể từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất (30.4.1975), nửa thế kỷ đã trôi qua, là thời gian đủ dài để nhìn lại một cách thấu đáo những thước phim truyện đề tài chiến tranh được các nhà điện ảnh Việt Nam dày công xây dựng trong những năm tháng kháng chiến gian khổ. Theo GS.TS. Trần Thanh Hiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, phim về chiến tranh không chỉ là một đề tài lớn, xuyên suốt mà còn là dòng chảy liên tục trong sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, cả trong và sau chiến tranh.

 Phim về đề tài chiến tranh - di sản quý giá của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Ảnh: TL

Phim về đề tài chiến tranh - di sản quý giá của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Ảnh: TL

Thời kỳ đầu cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, phim truyện Việt Nam được sản xuất là các phim truyện ngắn, phù hợp với điều kiện sản xuất thiếu thốn, khắc nghiệt trong chiến tranh, phù hợp điều kiện tiếp nhận của người xem. Nhưng các bộ phim đều mang tính xung kích, trọn vẹn, đầy đủ thông điệp về vẻ đẹp, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng của con người Việt Nam.

Tiếp nối khí thế đó, dù còn nhiều khó khăn, điện ảnh Việt Nam đã mạnh dạn xây dựng những bộ phim truyện dài, tập trung khắc họa hình tượng anh hùng đại diện cho tinh thần quật cường của cả dân tộc trong thời đại bão táp cách mạng. Các tác phẩm như: "Nổi gió", "Nguyễn Văn Trỗi", "Đường về quê mẹ", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Em bé Hà Nội"... đã trở thành những dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử điện ảnh cách mạng nước ta.

Những bộ phim truyện đề tài chiến tranh thời kỳ này đã nhận được sự đánh giá cao của khán giả và dư luận đương thời, trở thành món ăn tinh thần vô giá, chỗ dựa vững chắc cho những người con đất Việt đang chiến đấu. Như trường hợp bộ phim "Nguyễn Văn Trỗi" của đạo diễn Bùi Đình Hạc lan tỏa mạnh mẽ từ hệ thống phát hành đến các rạp chiếu bóng, tất cả đồng lòng đưa tác phẩm đến với khán giả một cách nhanh nhất, coi đó là một nhiệm vụ thiêng liêng. Theo cuốn sơ thảo “Lịch sử Điện ảnh Việt Nam”, có một làng ở khu Bốn, nhân dân trống giong cờ mở, mọi người đi đón phim về anh Trỗi như đón anh Trỗi về làng!

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đề tài chiến tranh vẫn luôn là "món nợ tinh thần" đối với các nhà làm phim Việt Nam. Độ lùi thời gian, sự thay đổi của bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội, cùng với sự giao lưu văn hóa, điện ảnh quốc tế và sự biến đổi trong quan điểm thẩm mỹ đã mang đến những dấu ấn mới cho các tác phẩm điện ảnh về chiến tranh. Những góc khuất, số phận cá nhân của con người trong và sau cuộc chiến đã được quan tâm khai thác sâu sắc hơn qua các phim như: "Mùa gió chướng", "Bến không chồng", "Cây bạch đàn vô danh", "Không có đường chân trời"... Điện ảnh Việt Nam không chỉ có những khúc tráng ca ra trận mà còn khắc họa những nỗi đau, mất mát của từng phận người và khát vọng hòa bình.

Vươn xa hơn qua không gian mạng

PGS.TS. Trần Luân Kim, nguyên Viện trưởng Viện Phim Việt Nam khẳng định, phim đề tài chiến tranh đã và đang đóng vai trò quan trọng trong lịch sử cận đại của dân tộc, trở thành di sản quý giá của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Những tác phẩm như: "Chung một dòng sông", "Nổi gió", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Em bé Hà Nội", "Cánh đồng hoang", "Biệt động Sài Gòn", "Hà Nội 12 ngày đêm", "Giải phóng Sài Gòn", "Đừng đốt", "Mùi cỏ cháy"... đã truyền tải mạnh mẽ thông điệp về tình yêu quê hương, đất nước, lòng dũng cảm và tinh thần bất khuất của dân tộc; đồng thời giúp khán giả hiểu rõ hơn về những sự kiện lịch sử quan trọng và hy sinh, mất mát mà dân tộc ta đã trải qua.

Những năm gần đây, việc lưu trữ, khai thác và phổ biến các tác phẩm điện ảnh về đề tài chiến tranh được quan tâm; bà Tạ Hoàng Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu và Quay tư liệu, Viện Phim Việt Nam cho biết, Viện Phim Việt Nam nỗ lực khai thác và phổ biến khối lượng tư liệu điện ảnh quý hiếm về đề tài chiến tranh, góp phần nâng cao lòng tự hào dân tộc và bồi đắp tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ thông qua các đợt chiếu phim; tổ chức triển lãm và giới thiệu phim ra nước ngoài...

Không chỉ ghi dấu một giai đoạn lịch sử hào hùng, các bộ phim còn chứa đựng giá trị văn hóa, nghệ thuật và nhân văn sâu sắc. Để phát huy giá trị, các chuyên gia cho rằng, trước hết cần đẩy mạnh công tác bảo tồn và số hóa các tác phẩm điện ảnh, đặc biệt là những thước phim quý hiếm. Việc này giúp lưu giữ nguyên vẹn giá trị lịch sử, nghệ thuật của phim; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu, khai thác và phổ biến. Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức các hoạt động chiếu phim chuyên đề, tuần phim kỷ niệm sự kiện lịch sử quan trọng tại rạp chiếu, trung tâm văn hóa, trường học và cộng đồng. Lồng ghép giao lưu, tọa đàm với các nhà làm phim, nghệ sĩ, nhân chứng lịch sử sẽ tăng thêm tính tương tác và sự hấp dẫn cho khán giả, đặc biệt là giới trẻ.

Trước “cơn bão” công nghệ thời đại 4.0, cần tạo điều kiện hợp pháp cho việc tiếp cận và mở rộng quyền khai thác, phổ biến đối với tư liệu điện ảnh, nhất là tư liệu điện ảnh chiến tranh cách mạng Việt Nam. Từ đó, hàng trăm tác phẩm trong kho lưu trữ sẽ được giới thiệu thường xuyên và vươn xa hơn qua không gian mạng... Tận dụng các nền tảng trực tuyến là kênh hiệu quả để giới thiệu những tác phẩm điện ảnh giá trị đến bạn bè quốc tế. Qua đó, không chỉ lan tỏa những câu chuyện về cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc mà còn góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình.

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ket-noi-ky-uc-hao-hung-post411359.html
Zalo