Kết nối khán giả trẻ gần hơn với nghệ thuật rối nước
Làm sao để bảo tồn, phát triển và thu hút khán giả trẻ đến gần hơn với với những loại hình nghệ thuật dân gian như xiếc, kịch và múa rối nước đang là sự trăn trở của những người hoạt động trong lĩnh vực này.
Rối nước một thời từng thu hút đông đảo khán giả và có lẽ nghệ thuật truyền thống này đang dần được đón nhận trở lại khi đã được cải tiến về chất lượng. Khán giả trẻ đã bắt đầu hứng thú với rối nước và những dự án quảng bá về múa rối nước của các bạn trẻ đã được nhân rộng.
Nhiều vở diễn được các nghệ nhân mang đi trình diễn trên thế giới, tạo nên tiếng vang cho rối nước.
NSƯT Hoàng Trìu chia sẻ: "Những năm gần đây có một tín hiệu mừng đó là thế hệ trẻ đang đến với nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật múa rối nước nói riêng. Tại Nhà hát múa rối Bông Sen, mỗi ngày đều có rất nhiều show diễn múa rối nước, đặc biệt là vào dịp Tết Trung thu hoặc là mùng 1/6, thu hút rất đông các bạn nhỏ".
Bên cạnh việc diễn lại những câu chuyện truyền thống, múa rối nước đang đưa vào những đề tài mới, những tích trò mới. Cốt truyện không chỉ dừng lại ở yếu tố giải trí mà còn có giá trị nhân văn đọng lại trong lòng khán giả.
Diễn viên Phạm Hà My cho biết: "Ngoài việc giữ những tiết mục trò cổ truyền thống do ông cha đã để lại thì chúng tôi, đặc biệt là đạo diễn sẽ phải có những nghiên cứu, sáng tạo để tạo ra những trò rối mới theo hiện đại nhằm thu hút khán giả trong nước cũng như quốc tế".
Nỗ lực làm mới nghệ thuật rối nước không chỉ dừng lại ở việc thu hút khán giả trẻ mà còn nhằm mục đích truyền tải những giá trị văn hóa truyền thống một cách sinh động và hấp dẫn. Thông qua những câu chuyện được kể bằng ngôn ngữ rối nước, thế hệ trẻ có thể hiểu thêm về lịch sử, phong tục, tập quán và những bài học nhân văn sâu sắc của dân tộc.