Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với nhà phân phối khu vực đồng bằng sông Cửu Long
Trong khuôn khổ Festival Gạch gốm đỏ - kinh tế xanh Vĩnh Long, chiều 20.11, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long tổ chức 'Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp phân phối'.
Thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021- 2025, Hội nghị nhằm đẩy mạnh liên kết, trao đổi và tiêu thụ hàng hóa giữa các doanh nghiệp với các nhà phân phối trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và các tỉnh, thành trong cả nước nói chung; tạo kênh tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam một cách ổn định, bền vững.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã tích cực thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện cho sản phẩm địa phương ngày càng có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời đưa ra các giải pháp thâm nhập vào các kênh phân phối truyền thống và hiện đại, khơi dậy sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, khắc phục khó khăn để cùng nhau đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa.
Có hơn 100 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất và kinh doanh phân phối trong và ngoài tỉnh và 12 đơn vị là các nhà phân phối hệ thống siêu thị, các chợ đầu mối, các sàn thương mại điện tử tham gia hội nghị. Các doanh nghiệp tham gia hội nghị thuộc các lĩnh vực nông nghiệp với các cơ sở sản xuất và chế biến các sản phẩm đặc trưng từ đồng bằng sông Cửu Long như trái cây, thủy sản, và các sản phẩm nông sản chế biến sẵn; các sản phẩm công nghiệp và thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là gạch gốm đỏ- sản phẩm đặc trưng của Vĩnh Long và khu vực; các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn và các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch gắn với làng nghề truyền thống; các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chế biến, đặc sản vùng miền và đồ uống.
Thời gian qua, thông qua các chương trình, đề án hỗ trợ hàng năm, sản phẩm của tỉnh Vĩnh Long ngày càng được cải tiến, nâng cao chất lượng, ngày càng đáp ứng như cầu thị trường hiện nay. Đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã công nhận trên 200 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, trong đó có 155 sản phẩm đạt cấp tỉnh, trên 50 sản phẩm đạt cấp khu vực và 6 sản phẩm đạt cấp quốc gia và gần 200 sản phẩm OCOP trong đó trên 100 sản phẩm đạt 3 sao, còn lại đạt 4 sao với hơn 100 chủ thể.
Hội nghị góp phần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại mở ra nhiều cơ hội giao thương, liên doanh, liên kết, phát triển mở rộng thị trường của các tổ chức và doanh nghiệp. Đây cũng là dịp để nhà đầu tư đến Vĩnh Long khảo sát và đầu tư vào hạ tầng thương mại dịch vụ của tỉnh.