Kết nối chuyên gia, doanh nghiệp đầu tư cho cộng đồng startup
Sự kiện 'Khởi nghiệp và Đầu tư' nhằm kết nối chuyên gia, doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp (startup), qua đó nâng cao năng lực nghiên cứu, tạo ra giá trị thiết thực cho sự phát triển bền vững.

Diễn giả tham gia phiên tọa đàm trong khuôn khổ sự kiện. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN
Ngày 24/5, sự kiện “Khởi nghiệp và Đầu tư” do Trung tâm Ươm tạo công nghệ và Hỗ trợ đổi mới sáng tạo (ISC), Viện Đổi mới sáng tạo UEH (UII), Trường Công nghệ và Thiết kế UEH (CTD) đồng tổ chức, đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Hùng, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH), vai trò của khởi nghiệp và đầu tư không chỉ nằm ở tăng trưởng kinh tế, còn là chất xúc tác để thúc đẩy sự gắn kết giữa các chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới, đặc biệt là mô hình 4P: Public – Private – People - Partnership. Trong đó, trường đại học với tư cách là đơn vị thuộc khu vực công (Public), đóng vai trò kết nối tri thức, chính sách và cộng đồng. Sự cam kết đồng hành chiến lược giữa UEH, CTD và ISC trong năm 2025 không nằm ngoài mục tiêu cùng kiến tạo môi trường thuận lợi cho các startup, doanh nghiệp và cộng đồng đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ và bền vững.

PGS.TS. Bùi Quang Hùng, Phó Giám đốc UEH chia sẻ về chương trình kết nối chuyên gia, doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp (startup) tại sự kiện. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN
Một số chuyên gia chỉ ra rằng, khởi nghiệp không chỉ là câu chuyện cá nhân, còn là hành trình hội tụ, kết nối giữa tri thức học thuật, công nghệ tiên tiến, cũng như dòng vốn đầu tư chiến lược. Với hơn 40 năm kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp tại nhiều quốc gia, ông Thụy Mai – Chủ tịch RainScales, Thành viên Hội đồng quản trị tại FreightVerify Inc, Thành viên Quỹ đầu tư thiên thần tại GOOSE Captipal cho hay, xây dựng mô hình kinh doanh bền vững, chuẩn bị đội ngũ sẵn sàng mở rộng quốc tế và kết nối mạng lưới nhà đầu tư toàn cầu ngay từ giai đoạn đầu của các startup là những yếu tố có tầm quan trọng đối với khởi nghiệp và đầu tư. Bên cạnh đó, việc kết nối sớm mạng lưới nhà đầu tư quốc tế, xây dựng nền tảng pháp lý và tài chính minh bạch… cũng là các yếu tố cốt lõi để startup Việt có thể bứt phá, vươn ra toàn cầu.
Dẫn chứng từ câu chuyện thành công của DiCentral – một startup công nghệ khởi nguồn tại Việt Nam đã vươn ra thị trường toàn cầu, ông Thụy Mai phân tích thêm, một số yếu tố then chốt giúp startup sẵn sàng gọi vốn và mở rộng chính là đội ngũ, thị trường, quản trị rủi ro và chiến lược tài chính. Riêng lợi thế và thách thức khi tái cấu trúc doanh nghiệp theo chuẩn quốc tế để thu hút đầu tư xuyên biên giới, đòi hỏi tuân thủ chuẩn kế toán GAAP (Mỹ), giảm rủi ro pháp lý và tối ưu hóa định giá doanh nghiệp.
Trong phiên tọa đàm của sự kiện, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp nhận định: Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để vươn mình trên bản đồ khởi nghiệp toàn cầu. Để làm được điều này, startup cần thay đổi tư duy không chỉ dừng lại ở giải quyết vấn đề nội địa, phải nghĩ đến việc tạo ra giá trị toàn cầu, vận dụng đa dạng xu hướng mới như trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và phát triển bền vững để dẫn dắt cuộc chơi.
Ngoài ra, chuyên gia, doanh nghiệp cũng chia sẻ về cách tận dụng AI trong công nghệ, trong tối ưu vận hành, giúp startup tiết kiệm chi phí, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Điển hình, nhiều vấn đề đang được quan tâm liên quan đến ứng dụng công nghệ vào quy trình vận hành mô hình khởi nghiệp, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp phải thích ứng nhanh với thị trường toàn cầu. Cùng với đó, các đại biểu cũng thảo luận về việc tích hợp các tiêu chí ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) vào mô hình kinh doanh, tạo lợi thế cạnh tranh dài hạn, nhằm giúp startup sẵn sàng bước vào thị trường quốc tế với nhiều yêu cầu khắt khe về trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững.