Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật

Tại phiên họp ngày 3/1/2025, sau khi nghe Đảng đoàn Quốc hội báo cáo về Đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả và ý kiến của các cơ quan có liên quan, Bộ Chính trị có kết luận như sau:

Những năm qua, kế thừa thành tựu của các giai đoạn trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hệ thống pháp luật của nước ta không ngừng được hoàn thiện, bảo đảm khuôn khổ pháp lý để tiến hành công cuộc đổi mới, góp phần đưa nước ta đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển của đất nước thì hệ thống pháp luật và quy trình xây dựng pháp luật vẫn còn không ít bất cập. Hệ thống văn bản cồng kềnh, nhiều tầng nấc; chưa phân định rõ ràng, hợp lý thẩm quyền lập pháp và lập quy; sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác xây dựng pháp luật có lúc, có nơi chưa thực sự sâu sát, quyết liệt; việc đổi mới trình xây dựng, ban hành pháp luật chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu kiến tạo phát triển và hiện đại hóa phương thức xây dựng pháp luật.

Mục tiêu hàng đầu của công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới là tạo lập hệ thống pháp luật hoàn thiện, bảo đảm nền tảng pháp lý vững chắc, tạo động lực mạnh mẽ, bứt phá cho phát triển, góp phần hoàn thành thắng lợi tiêu chiến lược mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra đưa đất nước vững bước tiến vào "kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc". Để thực hiện thành công mục tiêu này, đòi hỏi phải đổi mới tư duy về xây dựng pháp luật, đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật theo hướng chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả.

Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị tập trung làm tốt các nhiệm vụ sau đây:

Một là, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; xác định rõ việc lãnh đạo công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng. Thực hiện nghiêm túc Quy định số 178-QĐ/TW, ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật.

Hai là, đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Công tác xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, nâng cao năng lực phản ứng chính sách và giải quyết hiệu quả, kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; bảo đảm cơ sở pháp lý và các điều kiện để đẩy mạnh thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền; cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm", không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong ban hành và tổ chức thi hành pháp luật. Các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài. Bên cạnh một số bộ luật, luật quy định về quyền con người, quyền công dân, tố tụng tư pháp cần cụ thể, về cơ bản các luật khác, nhất là luật điều chỉnh các nội dung về kiến tạo phát triển chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội, còn những vấn đề thực tiễn thường xuyên biến động thì giao Chính phủ, bộ, ngành, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn. Bảo đảm tính kịp thời của việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội.

Ba là, tiếp tục đơn giản hóa, giảm tầng nấc, loại hình văn bản quy phạm pháp luật theo hướng nghiên cứu không quy định thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương cấp xã, thu hẹp phạm vi nội dung ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương cấp huyện. Mở rộng tối đa các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội phải ban hành bằng hình thức luật và giới hạn các nội dung được ban hành bằng hình thức nghị quyết; hạn chế đến mức thấp nhất việc ban hành pháp lệnh. Phân định rõ thẩm quyền lập pháp và thẩm quyền lập quy, luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, không luật hóa các nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của văn bản dưới luật; cơ bản không quy định thủ tục hành chính, trình tự, hồ sơ trong luật mà giao Chính phủ, các bộ quy định theo thẩm quyền nhưng không được đặt thêm thủ tục hành chính, phát sinh thêm giấy phép con so với hiện hành. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp tăng cường giám sát công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các bộ, ủy ban nhân dân các cấp theo thẩm quyền.

Bốn là, đổi mới mạnh mẽ việc xây dựng Chương trình lập pháp của Quốc hội theo hướng vừa có chiến lược, định hướng dài hạn, vừa có chương trình hằng năm linh hoạt, bám sát thực tiễn cuộc sống. Xây dựng Định hướng chương trình lập pháp cho mỗi nhiệm kỳ Quốc hội trình Bộ Chính trị xem xét quyết định, trên cơ sở đó lập Chương trình lập pháp hằng năm. Chuyển thẩm quyền quyết định Chương trình lập pháp hằng năm từ Quốc hội sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giảm tối đa thời gian, đơn giản hóa thủ tục trong việc lập, điều chỉnh Chương trình lập pháp hằng năm; tách quy trình xây dựng chính sách ra khỏi việc lập Chương trình lập pháp. Hoàn thiện cơ chế "một luật sửa nhiều luật" để kịp thời sửa đổi, khắc phục ngay các quy định sơ hở, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Năm là, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm dân chủ, chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả, minh bạch, dễ tiếp cận, dễ áp dụng trên thực tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong đó, cần lưu ý:

- Quy định rõ Bộ Chính trị cho ý kiến đối với chính sách trong đề nghị xây dựng một số dự án luật lớn, quan trọng; cho ý kiến đối với một số vấn đề lớn, quan trọng còn có ý kiến khác nhau của một số dự án luật trong quá trình soạn thảo.

- Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng chính sách, nhất là đối với các dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phân định rõ quy trình chính sách và quy trình soạn thảo (quy phạm hóa chính sách); chính sách phải cụ thể, rõ ràng, đánh giá tác động phải thực chất. Chính phủ, cơ quan trình dự án quyết định chính sách làm cơ sở cho việc soạn thảo, Quốc hội quyết định dự thảo luật.

- Phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực, trách nhiệm của các chủ thể trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là của Chính phủ trong quy trình lập pháp, lập quy. Chính phủ và các cơ quan trình dự án luật chịu trách nhiệm đến cùng đối với dự án luật do cơ quan mình trình. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, đồng bộ, kịp thời trong xây dựng chính sách, pháp luật giữa Quốc hội và Chính phủ, giữa các bộ, ngành và giữa Trung ương với địa phương; gắn với phát huy trách nhiệm của các cơ quan trong từng khâu của quy trình.

- Bổ sung hình thức nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật; Chính phủ ban hành văn bản để quy định thí điểm đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ. Mở rộng các chủ thể có thẩm quyền quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Quy định phù hợp, thiết thực, hiệu quả việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; bảo đảm cơ chế tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo văn bản.

Hoàn thiện cơ chế Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích Hiến pháp, luật, nghị quyết và mở rộng thẩm quyền hướng dẫn áp dụng pháp luật của các chủ thể có quyền ban hành văn bản dưới luật theo hướng ban hành nguyên tắc, tiêu chí, cơ sở giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật để bảo đảm sức sống của văn bản quy phạm pháp luật thay vì thường xuyên phải sửa đổi, điều chỉnh.

Gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật. Xây dựng cơ chế thường xuyên đánh giá hiệu quả thực thi của văn bản quy phạm pháp luật sau ban hành để kịp thời nhận diện, xử lý hiệu quả những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, những "điểm nghẽn" có nguyên nhân từ quy định của pháp luật.

- Nghiên cứu sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng chỉ quy định cụ thể trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với các văn bản dưới luật, luật quy định một số nguyên tắc chung nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và giao các chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản quy định trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền.

Sáu là, tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong việc chủ động, tích cực tham gia xây dựng pháp luật. Hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, giải trình và tiếp thu ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Bảy là, phát triển nguồn nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, thành thạo chuyên môn. Quan tâm bố trí đủ nguồn lực, có cơ chế tài chính và chế độ, chính sách đặc thù cho công tác và cán bộ làm công tác pháp chế, xây dựng pháp luật, xác định đầu tư cho xây dựng pháp luật là đầu tư cho phát triển; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong xây dựng pháp luật.

Về tổ chức thực hiện, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện Kết luận này; khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) để trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường trung tuần tháng 02/2025. Giao Ban Nội chính Trung ương theo dõi việc thực hiện Kết luận này; thường xuyên theo dõi, đôn đốc và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị.

PLVN

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ket-luan-cua-bo-chinh-tri-ve-dinh-huong-doi-moi-hoan-thien-quy-trinh-xay-dung-phap-luat-post539112.html
Zalo