Địa phương nào được giao chỉ tiêu tăng trưởng cao nhất năm 2025?
Năm 2025, Bắc Giang là tỉnh được Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước 13,6%; đứng thứ hai là Ninh Thuận 13%...
7/12 chỉ tiêu kinh tế năm 2025 thuộc lĩnh vực Bộ Công Thương
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025 về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.
Trong Nghị quyết số 25/NQ-CP, Chính phủ đã giao chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể của các ngành, các lĩnh vực; cũng như của các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Liên quan đến Bộ Công Thương, tại Nghị quyết số 25/NQ-CP, Chính phủ cũng giao cụ thể các chỉ tiêu tăng trưởng của năm 2025 đối với các lĩnh vực của Bộ. Trong số 12 chỉ tiêu tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực đưa ra tại Nghị quyết số 25/NQ-CP, có đến 7/12 ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành Công Thương.
7 mục tiêu tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực năm 2025 thuộc Bộ Công Thương nêu tại Nghị quyết số 25/NQ-CP bao gồm: Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 12%; thặng dư thương mại hàng hóa đạt 30 tỷ USD, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng 9,5%; tốc độ bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng khoảng 12%; tăng trưởng thị trường thương mại điện tử B2C từ 20-22%; tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử tăng từ 60-62%; tốc độ tăng tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt từ 12,5-13%...
Ngoài ra, Chính phủ cũng giao chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể đối với nhiều ngành, lĩnh vực khác như: Tỷ trọng chi thường xuyên/tổng chi ngân sách nhà nước dưới 60%, tỷ trọng chi đầu tư phát triển/tổng chi ngân sách nhà nước 31%, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội so với GDP 33,5%; khách du lịch quốc tế tăng từ 22-23 triệu lượt khách, khách nội địa 120 -130 triệu lượt khách nội địa...
18 địa phương giao chỉ tiêu tăng trưởng trên 10%
Cũng tại Nghị quyết số 25/NQ-CP, Chính phủ đã giao chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) cụ thể cho từng tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đối với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng: Hà Nội 8%; Vĩnh Phúc 9%; Bắc Ninh 8%; Quảng Ninh 12%; Hải Dương 10,2%; Hải Phòng 12,5%; Hưng Yên 8%; Thái Bình 9%; Nam Định 10,5%; Hà Nam 10,5% và Ninh Bình 12%.
Đối với các tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc: Hà Giang 8%; Cao Bằng 8%; Bắc Kạn 8,5%; Tuyên Quang 9%; Lào Cai 9,5%; Yên Bái 8,2%; Thái Nguyên 8,5%; Lạng Sơn 8%; Bắc Giang 13,6%; Phú Thọ 8%; Điện Biên 10,5%; Lai Châu 8%; Sơn La 8% và Hòa Bình 9%.
Các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ: Thanh Hóa 11%; Nghệ An 10,5%; Hà Tĩnh 8%; Quảng Bình 8%; Quảng Trị 8%; Thừa Thiên - Huế 8,5%; Đà Nẵng 10%; Quảng Nam 10%; Quảng Ngãi 8,5%; Bình Định 8,5%; Phú Yên 8%; Khánh Hòa 10%; Ninh Thuận 13% và Bình Thuận 8%.
Các tỉnh vùng Tây Nguyên: Kon Tum 10%; Gia Lai 8%; Đắk Lắk 8%; Đắk Nông 8%; Lâm Đồng 9%.
Các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ: TP. Hồ Chí Minh 8,5%; tỉnh Bình Phước 8,8%; Tây Ninh 8%; Bình Dương 10%; Đồng Nai 10% và Bà Rịa-Vũng Tàu 10% (trừ dầu thô và khí đốt).
Các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Long An 8,7%; Tiền Giang 8%; Bến Tre 8%; Trà Vinh 8%; Vĩnh Long 8%; Đồng Tháp 8%; An Giang 8,5%; Kiên Giang 8%; Cần Thơ 9,5%; Hậu Giang 8,8%; Sóc Trăng 8%; Bạc Liêu 9%; Cà Mau 8%.
Trong đó, có đến 18/63 tỉnh, thành phố được giao chỉ tiêu tăng trưởng trên 10%.
Đặc biệt, năm 2025, Bắc Giang là tỉnh được giao chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước với mục tiêu tăng trưởng lên đến 13,6%; đứng thứ hai là Ninh Thuận 13%; tiếp sau là thành phố Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Ninh 12%...
Ngày 6/12, tại hội nghị thông tin báo chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2025, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cả năm ước đạt 13,85%, dẫn đầu cả nước.
Nhiều chỉ tiêu chủ yếu cao hơn bình quân chung cả nước. Sản xuất công nghiệp là động lực chính cho tăng trưởng, dịch vụ phát triển mạnh mẽ. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 19,1 nghìn tỷ đồng, vượt 22,2% dự toán trung ương giao. Công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được chú trọng; thu hút FDI xếp thứ 9 cả nước…
Năm 2025, tỉnh Bắc Giang đề ra 18 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó có 9 chỉ tiêu về kinh tế, 5 chỉ tiêu về xã hội, 4 chỉ tiêu về môi trường. Phấn đấu tốc độ tăng GRDP đạt 13,6%; GRDP bình quân đầu người đạt 4.900 USD; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,9%…