Kết luận của Bộ Chính trị: Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.

Bộ Chính trị đã có kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" (Nghị quyết 29-NQ/TW).

Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW, Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết khác của Đảng về giáo dục và đào tạo. Theo đó, việc đầu tiên là các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu địa phương, đơn vị tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thực hiện đầy đủ, sâu sắc quan điểm coi giáo dục và đào tạo là "quốc sách hàng đầu", là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; bảo đảm vai trò chủ đạo của Nhà nước, đồng thời thu hút sự tham gia tích cực của xã hội trong phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Chú trọng công tác xây dựng Đảng trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo; phát huy vai trò của các cấp ủy cơ sở giáo dục, đào tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo. Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng và việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu rộng và hiệu quả hơn về mục tiêu, yêu cầu, nội dung đổi mới giáo dục và đào tạo, trước hết là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và đội ngũ nhà giáo trong cả nước nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện, tạo sự tin tưởng, đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, tháo gỡ những điểm nghẽn, trong đó, cần sớm xây dựng Luật về nhà giáo, Luật về học tập suốt đời, Chiến lược phát triển giáo dục và các quy định về đổi mới công tác quản lý giáo dục và đào tạo, quản trị nhà trường theo hướng khoa học, hiện đại, đồng bộ, liên thông, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế và thực tiễn ở nước ta.

Thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa và xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm. Phát triển giáo dục thường xuyên đa dạng về nội dung và hình thức, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Giảm tỷ lệ mù chữ ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục quốc phòng, an ninh gắn với việc xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Đẩy mạnh triển khai xây dựng văn hóa học đường, quan tâm giáo dục cho học sinh, sinh viên lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng cống hiến phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tăng cường định hướng nghề nghiệp cho thanh thiếu niên ngay từ bậc học phổ thông; đẩy mạnh phân luồng, tăng số lượng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp; thực hiện đào tạo nghề, dạy văn hóa, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; quan tâm đầu tư, phát triển một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ngành, nghề đào tạo đạt trình độ tương đương với khu vực và thế giới.

Tập trung đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học công lập ở một số ngành, nghề, lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Cho phép các cơ sở giáo dục thuộc khối Quân đội, Công an đào tạo hệ dân sự đối với các ngành lưỡng dụng một cách phù hợp để khai thác hiệu quả các nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đầu tư nâng cao tiềm lực, hoàn thiện các quy định liên quan đến nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học theo hướng tạo thuận lợi, tháo gỡ các nút thắt, rào cản, tính đến đặc thù về độ trễ và rủi ro trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và hợp tác nghiên cứu, triển khai giữa các cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp. Khuyến khích phát triển các mô hình trường học mới như trường học số, trường học thông minh, trường học hạnh phúc. Phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo định mức quy định; nghiên cứu cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên giữa các địa phương để giải quyết căn bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và nâng cao chất lượng giáo dục cho các vùng khó khăn.

Đổi mới quản lý nhà nước đối với nhà giáo một cách đồng bộ, gắn với quản lý chuyên môn và chất lượng. Nhà nước bảo đảm kinh phí cho giáo dục bắt buộc, giáo dục phổ cập, miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi và thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm trong lĩnh vực giáo dục; ưu tiên đầu tư cho giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo trên tinh thần Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động sự tham gia hiệu quả của toàn xã hội vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo Hoàn thiện chính sách hỗ trợ người học từ ngân sách nhà nước thông qua cấp học bổng hoặc hỗ trợ miễn giảm học phí đối với các ngành, nghề Nhà nước cần ưu tiên phát triển ở các trình độ đào tạo, mở rộng đối tượng và nâng mức ưu đãi cho vay tín dụng. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, nhất là đào tạo giảng viên trình độ tiến sĩ và chuyên gia các ngành kỹ thuật, công nghệ mũi nhọn. Tăng cường đưa tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.

Một trong những nội dung quan trọng của Kết luận là: “Triển khai chương trình đầu tư kiên cố hóa trường học, xóa phòng học tạm, xây dựng trường chuẩn quốc gia và bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu, nhất là ở các vùng nông thôn, đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo, phấn đấu đến năm 2030 tỉ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt 100%; xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chương trình đầu tư công hiện đại hóa giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, sư phạm và cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…”.

P.V

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/ket-luan-cua-bo-chinh-tri-tiep-tuc-doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-va-dao-tao-123654.html
Zalo