Kết hợp chặt chẽ cơ sở giáo dục với doanh nghiệp trong đào tạo
Để thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo với thực tế, chuyên gia cho rằng cần sự kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp với nhà trường để tạo ra đội ngũ lao động chất lượng, đáp ứng nhu cầu đất nước.
Phải tận dụng tốt thời kỳ dân số vàng
Sáng 15/7, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) phối hợp với Hiệp hội thang máy Việt Nam tổ chức tọa đàm "Kỹ năng thanh niên vì hòa bình và phát triển". Đây là chương trình do Liên Hợp Quốc phát động hằng năm từ ngày 15/7/2014.
Bà Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho hay, việc nâng cao chất lượng luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Hiện nay, chúng ta có đội ngũ nhân lực dồi dào nhưng chất lượng, kỹ năng tay nghề vẫn chưa thực sự đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng.
Tọa đàm cùng thảo luận những điều thiết thực, những suy nghĩ thực tiễn và trách nhiệm về những hoạt động cơ quan, tố chức có thể làm gì để nâng cao ý nghĩa và tầm quan trọng của Ngày Kỹ năng Thanh niên thế giới. Phải làm gì để phát triển kỹ năng, nâng cao năng suất chất lượng cho đội ngũ lao động là những vấn đề quan trọng đặt ra.
Ông Lê Văn Chương - Phó Vụ trưởng Vụ kỹ năng nghề, Tổng Cục GDNN cho hay, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng hơn hơn 50% trong độ tuổi lao động. Trong khi thực tiễn chất lượng lao động, năng suất lao động của nước ta còn thấp so với nhiều nước trong khu vực và quốc tế.
Do đó, việc nâng cao chất lượng lao động luôn là mục tiêu quan trọng được quan tâm và trú trọng. "Đặc biệt khi nước ta đang trong giai đoạn dân số vàng, một giai đoạn quan trọng về nhân lực của Việt Nam, nếu không tận dụng được sẽ gặp khó khăn để bứt phá đi lên", ông Chương nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tai nạn lao động cướp đi hàng triệu người mỗi năm trên toàn thế giới, con số còn lớn những cuộc chiến tranh đang diễn ra.
"Như vậy, để ta thấy được mọi kỹ năng nghề phải dựa trên kỹ năng an toàn - kỹ năng quan trọng nhất. Nâng cao năng suất lao động không phải là làm nhanh, mà là làm đúng, làm an toàn. Chúng ta cần những người tham gia giao thông đi đúng, chỉ cần một người đi không đúng có thể khiến tất cả ùn tắc", ông Thơ dẫn chứng.
Ngoài ra, vị Viện trưởng cho rằng, đối với thanh niên, ngoài hai yếu tố quan trọng là sức khỏe và tri thức thì yếu tố quan trọng nhất là tâm đức trong sáng, cần coi trọng việc bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, cái tâm làm nghề.
Rút ngắn khoảng cách đào tạo với thực tiễn
Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Thanh Bình – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội cho hay, thời gian qua nhà trường luôn cố gắng "rút ngắn khoảng cách" giữa đào tạo trong trường học với nhu cầu của doanh nghiệp.
Để làm được điều này, nhà trường đã triển khai nhiều kế hoạch như: cứ cán bộ, giảng viên học đến thực tế tại doanh nghiệp để học tập và đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp.
"Không hợp tác với doanh nghiệp thì khó đào tạo ra nguồn lao động chất lượng cao và không đáp ứng được nhu cầu thực tế", ông Bình khẳng định.
Đồng ý với quan điểm trên, ông Hoàng Đức Long – Phó Trưởng khoa điện tử, Trường Cao đẳng nghệ Công nghệ cao Hà Nội cho rằng, kỹ năng nghề với thanh niên, sinh viên quyết định sự thành công của nhà trường và tương lai của các em. Ông Long nói: "Kỹ năng của chúng ta là tương lai của chúng ta".
Tuy nhiên, ông Long cho rằng, đề tạo đạo đội ngũ lao động "bắt kịp" xu thế quốc tế cũng là thách thức rất lớn đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay.
Ông Long lý giải, những năm gần đây chúng ta nói nhiều đến công nghệ bán dẫn. Công nghệ này được khẳng định là xu thế phát triển toàn cầu hiện nay. Nhà tường đã nhận thấy cũng đã có bước đi nhất định để phát triển lĩnh vực này và tổ chức sang Singapore để làm việc với một số trường học và doanh nghiệp.
"Tuy nhiên, những công nghệ sản xuất thử nghiệm được họ đầu tư chi phí hàng chục triệu USD thì chúng ta không thể làm được. Ban giám hiệu nhận thấy không thể đầu tư, nhưng có thể đào tạo một khâu về nhân sự như kỹ thuật viên sử dụng phần mềm trong chuỗi công nghệ đó", ông Long cho hay.
Trong khi đó, ông Tạ Đức Phòng – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Quốc tế Hà Nội cho rằng, các cơ sở GDNN cần có những phát hiện mới, đón đầu xu thế đào tạo.
Ông Phòng ví dụ, nhà trường đã phát hiện ra tiềm năng rất lớn của ngành kỹ thuật thang máy. Đây là ngành kỹ thuật đặc thù vì liên quan đến an toàn của con người. Hiện nhu cầu rất cao và ngày càng cao theo sự phát triển của đô thị hóa, nhưng hiện chưa có cơ sở nào đào tạo về lĩnh vực này.
Đồng ý với nhận định trên, ông Nguyễn Hải Đức - Chủ tịch Hiệp hội thang máy Việt Nam cho biết, thang máy là sản phẩm hàng hóa thuộc Nhóm 2 có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe của người sử dụng và kỹ thuật thang máy là một nghề nguy hiểm, độc hại, kỹ thuật phức tạp,...
Thang máy toàn cầu vận chuyển tới 325 triệu lượt hành mỗi ngày và chỉ mất 3 ngày để các thang máy chở toàn bộ dân số trên trái đất. Thế nhưng, hiện chưa có sự quan tâm đúng mực về người làm nghề thang máy.
Bên cạnh đó, kỹ thuật thang máy cũng là nghề xương sống đáp ứng lưu thông cho quá trình đô thị hóa đất nước. Do đó, Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã chọn ngày 16/7 hằng năm là ngày kỷ niệm chính thức của ngành. Thực tế, qua làm việc với nhiều cơ sở đào tạo, Hiệp hội cũng nhận được nhiều đề nghị hợp tác.
Trả lời về băn khoăn trên, bà Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đánh giá cao ý kiến trên và cho rằng, nhu cầu thực tế thay đổi đòi hỏi các trường nhạy bén nhận diện mã ngành đào tạo mới.
"Vấn đề này không phức tạp và các trường có thể làm được. Sau khi có đề xuất, thuyết minh về tính thực tiễn. Các mã ngành không nằm trong danh mục đào tạo cấp 4 thì đều rất linh loạt và dễ dàng được cấp", bà Hương cho hay.
Ông Lê Văn Chương - Phó Vụ trưởng Vụ kỹ năng nghề, Tổng Cục GDNN khẳng định, các cơ sở đào tạo không nên chạy đua mà phải chọn góc tiếp cận hợp lý, phù hợp với năng lực cạnh tranh, tuyệt đối không phải đưa ra mục tiêu to lớn nhưng triển khai thực tế lại không khả thi.
Ông cho rằng, kỹ năng, kiến thức được cập nhật và thay đổi liên tục, nhà trường cùng doanh nghiệp phải có sự đồng hành sát sao. Chỉ khi có sự vào cuộc của doanh nghiệp thì sinh viên trường nghề sẽ được tiếp cận và thích ứng.