Kéo dài việc giảm 2% thuế GTGT đến hết năm 2026: Ngân sách giảm khoảng 121 nghìn tỉ
Để giảm thuế giá trị gia tăng, dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 khoảng 121,74 nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, điều này giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận…
Tiếp tục kỳ họp thứ 9, ngày 13.5, Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng được áp dụng và kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) nhằm thể chế hóa mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết Dự thảo Nghị quyết quy định phạm vi áp dụng gồm: Giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng).
Thời gian áp dụng quy định tại khoản 1 Điều này, từ ngày 1.7.2025 đến hết ngày 31.12.2026.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng
Theo ông Thắng, trong giai đoạn từ năm 2022 đến những tháng đầu năm 2025, Quốc hội đã quyết nghị giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (còn 8%), trong đó trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. Việc giảm thuế GTGT cùng với các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu.
Để góp phần tạo động lực thúc đẩy, phát triển cho nền kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, Chính phủ cho rằng cần tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT.
Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 khoảng 121,74 nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết trong báo cáo thẩm tra, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết theo đề nghị của Chính phủ.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc tiếp tục đề xuất ban hành chính sách là chưa thật sự phù hợp và khó đạt được mục tiêu đã đặt ra về kích cầu tiêu dùng vì khả năng kích cầu của chính sách đã bão hòa qua một thời gian dài thực hiện.
Ngoài ra, việc liên tục gia hạn và kéo dài việc thực hiện chính sách giảm thuế tạo tiền lệ không tốt, khiến chính sách thuế trở nên thiếu tính ổn định và không nhất quán; dư địa tài khóa, chính sách bị thu hẹp sẽ làm giảm khả năng ứng phó khi có khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng hơn trong tương lai.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi
Với tác động dự kiến giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 39,54 nghìn tỉ đồng từ việc thực hiện chính sách giảm thuế GTGT nhưng chưa được tính trong dự toán NSNN năm 2025, cùng các khoản chi NSNN mới phát sinh và các chính sách giảm thu khác trong các nghị quyết mới sẽ được ban hành, các dự án mới được thông qua có thể tác động đến việc bảo đảm dự toán thu và bội chi NSNN năm 2025 cũng như việc xây dựng dự toán của năm 2026.
Về phạm vi điều chỉnh của chính sách, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ có giải pháp hiệu quả để bảo đảm khắc phục được các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách do vẫn có các hàng hóa, lĩnh vực loại trừ, không được giảm thuế, bảo đảm mục tiêu dễ thực hiện và tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Thêm nữa, cần đánh giá kỹ hơn về tác động đối với nguồn thu NSNN, bảo đảm việc thực hiện chính sách giảm thuế gắn với mục tiêu ổn định tài khóa trung hạn và an toàn nợ công, bảo đảm nhất quán với các chính sách thuế khác như thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt…
Một số ý kiến đề nghị rà soát để xem xét đối với một số mặt hàng chịu tác động của chiến tranh thương mại và chính sách thuế đối ứng của Mỹ; có ý kiến cho rằng, chỉ còn 3 nhóm hàng hóa, dịch vụ đề xuất không giảm thuế…, do đó đề nghị Bộ Tài chính rà soát, trường hợp chênh lệch thu 2% thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ này không quá lớn; có thể cân nhắc giảm thuế đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ, đảm bảo tính công bằng.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục cho phép áp dụng chính sách cho 6 tháng cuối năm 2025 và năm 2026, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.