Kênh đào Panama: Hành trình từ quyền kiểm soát của Mỹ về lại Panama - Kỳ 1
Vào đúng trưa ngày 31/12/1999, quốc kỳ Panama đã được kéo lên trên kênh đào cùng tên, báo hiệu sự chuyển giao cuối cùng của tuyến đường thủy nhân tạo dài 82km nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Tàu thuyền di chuyển qua Kênh đào Panama tại Panama City. Ảnh: AFP/TTXVN
Sự kiện quan trọng này đã chấm dứt gần một thế kỷ căng thẳng trong quan hệ cũng như sự phản đối dữ dội về quyền sở hữu và quản lý của chính quyền Mỹ đối với một nguồn tài nguyên kinh tế quan trọng ở khu vực Mỹ Latinh.
Mối quan hệ Mỹ - Panama dường như đã “chạm đáy” vào năm 1964 khi xảy ra các cuộc đụng độ tại Khu vực kênh đào Panama do Mỹ kiểm soát. Nguyên nhân được cho là liên quan đến việc treo cờ Panama bên cạnh cờ Mỹ tại một trường trung học địa phương.
Năm 1962, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy và Tổng thống Panama Roberto Chiari đã đồng ý cho phép treo cờ của cả hai quốc gia tại các khu vực dân sự do Mỹ kiểm soát. Tuy nhiên đầu năm 1964, học sinh Mỹ ở trường trung học Balboa và những người Mỹ sống trong khu vực kênh đào không chấp nhận việc tiếp tục treo cờ Panama như thỏa thuận cách đó hai năm. Sau sự kiện trên, các cuộc bạo loạn lan rộng khắp đất nước khiến 22 người Panama thiệt mạng. Sự kiện này đã châm ngòi cho mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước dẫn tới việc Panama cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ.
Trong suốt thập kỷ tiếp theo, nhiều chính quyền của các đời tổng thống Mỹ, mà bắt đầu là từ ông Lyndon Johnson, đã cố gắng đàm phán một thỏa thuận chuyển giao quyền kiểm soát lại kênh đào cho phía Panama. Tuy nhiên, phải đến năm 1977, Tổng thống khi đó là ông Jimmy Carter đã vượt qua sự phản đối chính trị để ký các hiệp ước chấm dứt sự kiểm soát của Mỹ tại kênh đào Panama từ năm 1999.
Theo Giáo sư Noel Maurer từ Trường Kinh doanh thuộc Đại học George Washington, quyết định trao trả kênh đào Panama không chỉ mang ý nghĩa chính trị mà còn mang cả lý do về mặt kinh tế. Ông Noel Maurer là tác giả của cuốn sách “Con kênh lớn: Cách Mỹ chiếm, xây dựng, vận hành và cuối cùng trao trả kênh đào Panama”.
“Về mặt kinh tế, kênh đào Panama cực kỳ quan trọng đối với Mỹ trước Chiến tranh thế giới thứ 2, nhưng sau đó tầm quan trọng về kinh tế của nó đã giảm nhanh chóng. Và vào thời điểm (Tổng thống Mỹ) Jimmy Carter quyết định chấp nhận rủi ro chính trị để trả lại cho Panama, tầm quan trọng về kinh tế của nó đối với Mỹ gần như không còn đáng kể nữa”.
Mỹ ủng hộ nền độc lập của Panama để đổi lấy kênh đào
Khi Tổng thống Mỹ Teddy Roosevelt ký Hiệp ước Hay–Bunau-Varilla năm 1903, đất nước Panama mới chỉ được thành lập được 15 ngày. Trước đó, eo đất này thuộc quyền kiểm soát của Colombia, nhưng chính phủ Colombia khi đó đang phải vật lộn với một cuộc nội chiến đẫm máu. Chính quyền của Tổng thống Roosevelt đã nhìn thấy một cơ hội và đã cam kết sẽ nỗ lực hỗ trợ Panama giành độc lập để đổi lấy quyền xây dựng kênh đào cùng tên và vận hành nó trong một khu vực do Mỹ kiểm soát.
Kênh đào Panama được hoàn thành vào năm 1914, là một kỳ quan kỹ thuật với hệ thống những âu thuyền có thể nâng tàu thuyền lên độ cao gần 26m so với mực nước biển khi chúng đi từ biển Caribe đến Thái Bình Dương.
Tuy nhiên ngay từ đầu, việc chính phủ Mỹ kiểm soát một nguồn tài nguyên có giá trị kinh tế như vậy đã vấp phải sự bất mãn tại Panama cũng như trên khắp khu vực Mỹ Latinh. Ý tưởng đào một lối tắt qua eo đất Panama lần đầu tiên được đề xuất vào thế kỷ 16. Từ lâu, trước khi người Mỹ xây dựng kênh đào này, nơi đây đã là một tuyến đường quen thuộc cho các chuyến hàng đường bộ và đường sông của người dân.
Nhà sử học Marixa Lasso cho biết rằng một điều quan trọng là kênh đào này đã đóng vai trò kết nối hai đại dương theo các cách thức khác nhau trong suốt 500 năm qua. "Đó là lý do tại sao người Panama rất gắn bó và nói rằng đây là vùng đất của chúng tôi và đây là tuyến đường của chúng tôi", ông Lasso nói.
Khu vực kênh đào Panama do người Mỹ được thiết lập
Hiệp ước năm 1903 tạo ra một vùng gọi là Khu vực kênh đào dài 82km, rộng 16km cho phép phía Mỹ nắm giữ quyền lực tại đây vĩnh viễn. Chính quyền Mỹ không sở hữu kênh đào Panama nhưng có mọi quyền hạn để quản lý và bảo vệ khu vực này như thể đây là lãnh thổ có chủ quyền của Mỹ. Để tạo ra Khu vực kênh đào, Mỹ đã di dời khoảng 62.000 người Panama đang sinh sống tại hơn 40 thị trấn và làng mạc.
“Nếu bạn đọc các báo cáo của Mỹ vào thời điểm đó, họ khẳng định rằng không có gì ở đó ngoài rừng rậm. Nhưng điều đó không đúng. Đây là nơi có nhiều thị trấn, và cư dân địa phương đã quản lý tuyến đường thương mại này suốt 400 năm”, ông Lasso - tác giả cuốn “Đã bị xóa bỏ: Câu chuyện chưa kể về kênh đào Panama” – cho biết.
Sau khi kênh đào được xây dựng, Khu vực kênh đào trở thành “thị trấn công ty” do chính phủ Mỹ điều hành với hệ thống nhà ở, trường học và doanh nghiệp chỉ dành riêng cho công dân Mỹ. Cho đến năm 1954, khu vực này còn duy trì chế độ phân biệt chủng tộc, trong đó người da trắng và người da màu được phân chia công việc riêng biệt. Gia đình của những người này theo học tại các trường riêng cũng như được bố trí riêng biệt tại các nơi dịch vụ phòng tắm và cơ sở giải trí.
Ông Maurer nói rằng Khu vực kênh đào không phải là một nơi bình thường. Về cơ bản, nó được điều hành như một căn cứ quân sự khổng lồ. Mọi thứ đều do chính phủ Mỹ điều hành, ngay cả các cửa hàng nhượng quyền như McDonald's.
Người dân Mỹ sống tại Khu vực kênh đào được gọi là “Zonians.” Nhiều gia đình đã sinh sống, làm việc tại khu vực này qua nhiều thế hệ. Nhiều người Zonians đã hình thành một tâm lý nghi ngờ hoặc thậm chí là ác cảm với chính người Panama - những người không được phép vào Khu vực kênh đào trừ khi làm việc ở đó. Ngược lại, người dân Panama cũng có thái độ thù địch với Zonians.
Ông Maurer cho biết rằng mâu thuẫn cốt lõi ở chỗ là người Panama đã thực sự tức giận về những gì người Mỹ đang thực hiện tại đây. Người Mỹ xây dựng kênh đào và tạo ra Khu vực kênh đào và làm mọi cách để Panama không nhận được bất kỳ lợi ích kinh tế nào từ kênh đào.