Kế thừa, phát huy bản sắc văn hóa trong xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới không chỉ dừng lại ở những công trình hạ tầng được đầu tư khang trang, hiện đại, sản xuất phát triển, mà còn hướng đến nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.

Thời gian qua, gắn với xây dựng nông thôn mới, nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của các làng quê đã được khôi phục, gìn giữ… Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển mạnh mẽ, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.

Đồng bào dân tộc Mường tại xã Minh Quang (huyện Ba Vì) biểu diễn tiết mục cồng chiêng.

Đồng bào dân tộc Mường tại xã Minh Quang (huyện Ba Vì) biểu diễn tiết mục cồng chiêng.

Nơi hội tụ tinh hoa văn hóa

Là vùng ven đô có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) đang hoàn thiện các tiêu chí để trở thành phường trong tương lai gần. Thế nhưng, bên cạnh sự đổi thay về diện mạo, Yên Sở vẫn giữ được nét đẹp mộc mạc, thân thương của làng quê Bắc Bộ xưa với nhiều công trình kiến trúc cổ, nghi lễ, những quy tắc, luật lệ truyền thống và nhiều nét văn hóa riêng có.

Ông Nguyễn Đăng Hoan, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Yên Sở cho biết, Yên Sở là vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời. Nơi đây được biết đến với di tích Quán Giá và Rừng Giá đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1991 cũng như nhiều giếng cổ, đã đi vào câu ca “đình không xà, làng có 73 cái giếng”.

Truyền thống lịch sử, văn hóa cũng là nền tảng để xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) phát huy, đạt nhiều kết quả trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Ngày nay, Yên Sở còn giữ được khoảng 30 giếng cổ. Chính quyền và nhân dân xây dựng khuôn viên sạch sẽ, làm rào chắn để bảo vệ giếng và bảo vệ trẻ em.

Còn tại xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng), hát ca trù là một trong những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Tam - người tâm huyết lưu giữ và truyền dạy lối hát ca trù đến thế hệ trẻ địa phương cho biết, ở xã Thượng Mỗ, nhiều người biết hát ca trù, trong đó Câu lạc bộ Ca trù Thượng Mỗ có 45 hội viên. Hằng năm, vào các dịp lễ, Tết, hội làng, ca trù là món ăn tinh thần không thể thiếu ở Thượng Mỗ. Hiện môn nghệ thuật này vẫn đang được bảo lưu và phát triển.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, thành phố Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa của cả nước, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đa dạng, phong phú gắn với nền văn minh lúa nước lâu đời của người Việt. Văn hóa Hà Nội mang đặc trưng văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài. Bên cạnh đó, Hà Nội còn có cả vùng văn hóa trấn Sơn Nam Thượng và một phần vùng văn hóa Kinh Bắc, với các vùng đất cổ giàu bản sắc văn hóa, có hệ thống di tích dày đặc, nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể, tập quán sinh hoạt văn hóa đa dạng. Đây là nét đặc sắc, là nguồn lực quý để xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Còn theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí, triển khai xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, văn hóa đã được đưa vào tiêu chí để thực hiện thông qua các phong trào, cuộc vận động, các đề án cụ thể.

Làm phong phú đời sống tinh thần

Minh Quang - một trong những xã thuộc vùng miền núi đầu tiên của huyện Ba Vì nói riêng, thành phố Hà Nội nói chung, vừa được Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024. Một trong những điểm nhấn ấn tượng ở vùng quê sơn cước này, đó chính là văn hóa dân tộc Mường được bảo lưu, phát triển.

Chủ tịch UBND xã Minh Quang Nguyễn Tiến Tha cho biết, những năm gần đây, được sự quan tâm của thành phố Hà Nội và huyện Ba Vì, xã Minh Quang đã cơ bản trang bị đủ dàn cồng chiêng cho các thôn. Từ khi có dàn cồng chiêng, các thôn đều thành lập đội chiêng để tập luyện và biểu diễn. Sau nhiều năm mai một, đến nay, cồng chiêng đã tham gia vào tất cả các sinh hoạt của người Mường, như hát sắc bùa, lễ cưới, lễ dựng nhà, Tết cơm mới, tang lễ như truyền thống xa xưa người Mường vẫn thực hiện…

Cũng trong những ngày vừa qua, các thôn, cụm dân cư ở Hà Nội tưng bừng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024. Đây cũng là dịp để người dân nông thôn “trình làng” những tác phẩm văn nghệ vô cùng đặc sắc. Tại thôn 8 (xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ), rất nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc kèm với bài múa đã được các em nhỏ, lớp thanh niên và cả người cao tuổi biểu diễn thuần thục không khác nào những nghệ sĩ.

Bà Nguyễn Thị Nga, người dân thôn 8 chia sẻ: “Gắn với xây dựng nông thôn mới, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được phát triển rất mạnh. Ở thôn tôi có nhiều câu lạc bộ, như: Bóng chuyền hơi, dân vũ, thể dục dưỡng sinh, múa hát, thu hút rất đông người dân tham gia, vừa vui, vừa khỏe”.

Theo Trưởng thôn 8 Nguyễn Đình Mộng, năm 2024, thôn đã bình xét được 345/363 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, chiếm hơn 95% và bình chọn được 15 hộ gia đình văn hóa tiêu biểu.

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới đã từng bước đáp ứng được nhu cầu về văn hóa của người dân, ngày càng thu hút đông đảo nhân dân tham gia, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho người dân và hướng đến xây dựng nông thôn vừa hiện đại, vừa giàu bản sắc.

Nguyễn Mai

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ke-thua-phat-huy-ban-sac-van-hoa-trong-xay-dung-nong-thon-moi-685222.html
Zalo