Vịnh Hạ Long và những lần được thế giới trao 'vương miện'
Cách đây gần 30 năm, ngày 17/12/1994, tại Thái Lan, lần đầu tiên Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Đây là 'bước chân' đầu tiên, mở đường cho những 'vương miện' sau này.
Trong bài viết năm 2014, nhân kỷ niệm 20 năm ngày vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần đầu tiên, ông Nguyễn Văn Tuấn, nguyên Trưởng ban của Ban Quản lý vịnh Hạ Long, người trực tiếp tham gia vào quá trình làm hồ sơ, thủ tục trình UNESCO công nhận danh hiệu thứ 2 cho vịnh Hạ Long cho hay, trong báo cáo thẩm định, GS. Elery Hamilton Smith, chuyên gia Australia, đánh giá rất cao về vịnh Hạ Long.
Báo cáo của giáo sư Elery Hamilton Smith viết: “Vịnh Hạ Long là một khu vực lớn nhất trên thế giới có địa hình đá vôi bị nước biển xâm thực, nó là một điển hình phong phú, đa dạng và phức tạp nhất trong các cảnh quan đại dương. Không có khu vực nào có sự đa dạng về địa mạo như Vịnh Hạ Long”.
"Kỳ quan đất dựng giữa trời cao"
Ủy ban Di sản thế giới đã công nhận Vịnh Hạ Long vào danh mục di sản thiên nhiên thế giới, với giá trị ngoại hạng về mặt thẩm mỹ theo tiêu chuẩn của Công ước Quốc tế về bảo vệ Di sản tự nhiên và văn hóa của thế giới.
Trong Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 27/12/1994, Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam nhận định: "Sự kiện Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thế giới đã nâng tầm vóc giá trị của di sản này, đặt nó vào trong những mối quan hệ có tính toàn cầu. Đây không chỉ đơn thuần là sự kiện có ý nghĩa lớn về văn hóa mà còn mang ý nghĩa chính trị và kinh tế lâu dài đối với công cuộc phát triển của đất nước…”.
Vịnh Hạ Long là địa danh thứ hai của Việt Nam (sau cố đô Huế) được xếp vào danh mục Di sản thế giới bởi giá trị ngoại hạng về phương diện cảnh quan, thẩm mỹ.
Nơi đây từng được ví như "kỳ quan đất dựng giữa trời cao". Vịnh nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh, cách thủ đô Hà Nội 165 km. Vịnh có diện tích 1.553 km2, bao gồm 1.969 hòn đảo (trong đó 980 hòn đảo đã có tên).
Khu Di sản thế giới được UNESCO công nhận có diện tích 434 km2, bao gồm 775 hòn đảo, trong đó có 411 hòn đảo đã được đặt tên. Đây là nơi tập trung rất nhiều đảo đá, hang động và bãi tắm đẹp nổi tiếng.
Các đảo này đều không có người sinh sống và không bị tác động bởi con người, có vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với vô số tháp đá vôi, là một mẫu hình tuyệt vời về karst trưởng thành trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm.
Ông Nguyễn Văn Tuấn cho hay, trong một lần gặp gỡ, TS. Hans Friederich, Trưởng đại diện Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam những năm 1999 chia sẻ: “Trên thế giới không có một vùng đá vôi karst nào trên biển rộng lớn và hùng vĩ như Vịnh Hạ Long. Nó hoàn toàn xứng đáng để được công nhận là di sản thế giới về phương diện địa chất địa mạo”.
Vẻ đẹp cảnh quan nổi bật còn được tô điểm thêm bởi các hệ sinh thái điển hình của Di sản. Giá trị nổi bật của Di sản tập trung ở khu vực có các dạng địa hình đá vôi karst ngập chìm dưới biển tạo nên cảnh quan thiên nhiên kỳ thú.
Vịnh Hạ Long là tác phẩm điêu khắc kỳ vĩ của tự nhiên với hàng ngàn đảo đá vôi lớn nhỏ nhô lên từ mặt biển trong xanh với muôn hình vạn trạng tạo nên một cảnh quan hoang sơ tuyệt mỹ.
Nền tảng gốc rễ của cảnh đẹp tự nhiên được tạo nên bởi tính đa dạng sinh học cao của vịnh. Đa dạng sinh vật của Vịnh Hạ Long không chỉ thể hiện ở cấp độ nguồn gen, cấp độ loài mà còn cả ở cấp hệ sinh thái của một vùng biển ven bờ nhiệt đới với 10 kiểu hệ sinh thái rất đặc thù của quần đảo đá vôi vùng nhiệt đới.
Đặc biệt, các giá trị bảo tồn của hang động, tùng áng có thể coi là giá trị nổi bật của các hệ sinh thái Vịnh Hạ Long.
Giá trị ngoại hạng toàn cầu
Sau lần thứ nhất được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới vào năm 1994, đến năm 2000, Vịnh Hạ Long tiếp tục được vinh danh bởi giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất địa mạo.
Để có được kết quả đó, tỉnh Quảng Ninh, Ban Quản lý vịnh Hạ Long, các bộ, ngành Trung ương và các bên liên quan đã phải trải qua một hành trình dài 3 năm, từ nghiên cứu cơ bản, lập hồ sơ, đề nghị, vận động quốc tế…
Tiếp đó, tháng 9/2023 Vịnh Hạ Long lần thứ 3 được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.
Khác với 2 lần trước đó, lần công nhận này UNESSCO điều chỉnh theo hướng mở rộng ranh giới sang quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng), trở thành di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam.
Việc công nhận Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên thế giới không chỉ tạo một di sản thế giới liên vùng độc đáo đầu tiên ở Việt Nam, mà còn làm tăng thêm giá trị của vùng di sản rộng lớn, kỳ vĩ và tuyệt mỹ này.
Ông Phạm Thanh Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Hạ Long Pacific khẳng định: "Thực tế hiện nay, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà luôn là một trong những điểm du lịch hút khách trong nước và quốc tế nhất Việt Nam. Việc Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được ghi danh chắc chắn sẽ tăng vị thế, sức hút cho hai điểm du lịch này".
Bảo tồn, gìn giữ và phát huy "báu vật"
Gần ba thập kỷ qua, Quảng Ninh luôn xác định Vịnh Hạ Long như "báu vật" được thiên nhiên ban tặng, là động lực quan trọng để phát triển du lịch và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong cơ cấu kinh tế.
Do đó, quá trình khai thác và phát huy giá trị di sản, công tác bảo tồn và gìn giữ luôn được tỉnh Quảng Ninh quan tâm.
Những năm qua, Quảng Ninh đã triển khai nhiều biện pháp hiệu quả để vừa bảo vệ, bảo đảm tính toàn vẹn của Vịnh Hạ Long theo Công ước Di sản thế giới, các chính sách về phát triển bền vững của UNESCO và pháp luật của Việt Nam.
Quảng Ninh đã thành lập khu bảo tồn nhằm bảo tồn giá trị đa dạng sinh học; khoanh vùng rừng trên núi đá vôi và rừng ngập mặn để công nhận là khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan, bảo tồn các nguồn gen quý hiếm; di chuyển 354 hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu ở 7 làng chài lên sinh sống tại khu tái định cư trong năm 2014 với mục tiêu ổn định cuộc sống cho ngư dân và giảm áp lực về môi trường trên vịnh; áp đặt quy chuẩn đối với nước thải, rác thải tại các tàu du lịch, các điểm tham quan, các khu dân cư ven bờ Vịnh…
Từ năm 2019 đến nay, phong trào ‟Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa" được Ban quản lý Vịnh Hạ Long phát động, triển khai hiệu quả và nhận được sự hưởng ứng tham gia tích cực của doanh nghiệp và người dân.
Môi trường cảnh quan, môi trường sinh thái của Vịnh được quản lý theo hướng kiểm soát tốt nguồn thải; các hoạt động kinh tế-xã hội được quản lý chặt chẽ và ngày càng đi vào nền nếp…
Việc được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới tới 3 lần đã chứng minh cho những giá trị ngoại hạng toàn cầu của vịnh Hạ Long. Trong tương lai, Quảng Ninh sẽ nỗ lực hướng tới mục tiêu chung là tôn vinh, gìn giữ và phát huy giá trị độc đáo, ngoại hạng của danh thắng được thiên nhiên ưu đãi, kiến tạo từ hàng triệu năm này.
Các danh hiệu của vịnh Hạ Long
Năm 1962, vịnh Hạ Long được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặc cách xếp hạng Di tích danh thắng cấp quốc gia.
Ngày 17/12/1994, tại kỳ họp thứ 18, UNESCO đã công nhận vịnh Hạ Long là Di sản Thiên nhiên thế giới với giá trị toàn cầu về thẩm mỹ.
Ngày 2/12/2000, UNESCO công nhận vịnh Hạ Long là Di sản thế giới lần thứ hai với giá trị về địa chất, địa mạo.
Tháng 8/2009, vịnh Hạ Long được Nhà nước xếp hạng là 1 trong 10 di tích quốc gia đặc biệt.
Ngày 11/11/2011, vịnh Hạ Long được công nhận là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới.
Tháng 9/2023, vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới liên tỉnh - thành phố đầu tiên ở Việt Nam.
Tháng 9/2024, vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà tiếp tục được Liên hiệp Khoa học địa chất quốc tế công nhận là Di sản địa chất quốc tế.