'Kẻ thù chung' của Elon Musk và Mark Zuckerberg
Cả 2 vị tỷ phú dường như đã tìm được tiếng nói chung trong kế hoạch giữ OpenAI là một tổ chức phi lợi nhuận và ngăn chặn kế hoạch thương mại hóa trong tương lai.
Theo Business Insider, Elon Musk và Mark Zuckerberg từ lâu đã bất đồng quan điểm trong các vấn đề như trí tuệ nhân tạo, quản lý nhân sự và cách điều hành công ty. Mặc dù vậy, việc OpenAI phát triển với tốc độ thần tốc đã khiến 2 vị CEO coi đây là một kẻ thù chung.
Ngày 13/12, Meta đã yêu cầu Tổng chưởng lý bang California ngăn OpenAI trở thành một doanh nghiệp vì lợi nhuận. Trong đó, ông lớn công nghệ này cáo buộc công ty của Sam Altman "lợi dụng" vị thế là một tổ chức phi lợi nhuận để huy động hàng tỷ USD.
"OpenAI muốn thay đổi vị thế của mình trong khi vẫn giữ lại mọi lợi ích đã giúp công ty đạt được thành công như ngày hôm nay. Họ không được phép vi phạm pháp luật bằng cách tái chiếm các tài sản mà công ty đã xây dựng như một tổ chức phi lợi nhuận, sau đó sử dụng chúng để thu về số tiền khổng lồ”, Meta cho biết trong bức thư gửi Tổng chưởng lý California Rob Bonta.
Hiện tại, OpenAI là đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Meta trong cuộc đua công nghệ AI. Do đó, Mark Zuckerberg đã đứng về phía Elon Musk trong cuộc chiến pháp lý nhằm ngăn chặn OpenAI trở thành công ty thương mại.
“Nếu không buộc OpenAI phải chịu trách nhiệm, các dự án thương mại núp bóng phi lợi nhuận sẽ sẽ nở rộ trong tương lai”, Meta viết.
Elon Musk, một trong những nhà đồng sáng lập OpenAI, đã đưa ra yêu cầu với tòa án vào tháng 11 để ngăn công ty mẹ của ChatGPT thực hiện quá trình chuyển đổi. Trong đó, vị tỷ phú lập luận rằng OpenAI và Microsoft đã hợp tác để xây dựng “công ty độc quyền vì lợi nhuận”, cũng như thực hiện hành vi cạnh tranh không công bằng.
Musk rời công ty AI vào năm 2018 vì cho rằng họ không có cơ hội để thành công. CEO Tesla cũng cáo buộc tổ chức này đi chệch khỏi sứ mệnh ban đầu khi chỉ tập trung vào mục đích thu về lợi nhuận, thay vì phát triển trí tuệ nhân tạo tổng quát an toàn.
Gần một thập kỷ sau khi thành lập, OpenAI đang để mắt đến việc chuyển sang một liên doanh vì lợi nhuận để thu về nhiều vốn đầu tư hơn. Vào tháng 10, công ty công bố vòng gọi vốn trị giá 6,6 tỷ USD, nâng mức định giá lên 157 tỷ USD.
Tuy nhiên, khoản đầu tư này đi kèm với điều kiện rằng OpenAI phải trở thành một công ty có lợi nhuận trong vòng 2 năm tới.