Đại sứ Tạ Văn Thông: Khai thác thành công thị trường Indonesia sẽ là giấy thông hành tốt để doanh nghiệp Việt thâm nhập ngành Halal toàn cầu

Doanh nghiệp Việt Nam nên chọn sản phẩm ưu thế và có chứng chỉ Halal do Indonesia cấp, không nên cạnh tranh về giá, tìm kiếm cơ hội đầu tư theo ưu đãi tài chính của sở tại, tích cực tham gia các hội chợ quốc tế uy tín… để chinh phục thị trường quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới.

Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Tạ Văn Thông phát biểu tại phiên kết nối doanh nghiệp Việt Nam-Indonesia trong khuôn khổ Triển lãm thương mại Indonesia, tháng 10/2024. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Indonesia)

Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Tạ Văn Thông phát biểu tại phiên kết nối doanh nghiệp Việt Nam-Indonesia trong khuôn khổ Triển lãm thương mại Indonesia, tháng 10/2024. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Indonesia)

Đó là những gợi mở của Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Tạ Văn Thông đối với doanh nghiệp Việt muốn kinh doanh ở thị trường nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trong cuộc trao đổi với Báo Thế giới và Việt Nam về tiềm năng, cơ hội hợp tác phát triển ngành công nghiệp Halal giữa hai nước cũng như những thuận lợi và thách thức phía trước.

Với 87% trong dân số hơn 280 triệu người của Indonesia theo đạo Hồi, thị trường Halal của nước này vô cùng tiềm năng đối với nhiều quốc gia, nhất là với nền kinh tế có độ mở cao và mạnh về xuất khẩu như Việt Nam. Xin Đại sứ cho biết thuận lợi, tiềm năng, cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Indonesia trong phát triển ngành công nghiệp Halal?

Ở phạm vi toàn cầu, năm 2019, người tiêu dùng đã chi 1,17 nghìn tỷ USD cho thực phẩm Halal, khiến thực phẩm Halal trở thành lĩnh vực có giá trị lớn thứ hai sau tài chính Halal. Ngành công nghiệp thực phẩm (F&B) Halal được dự đoán sẽ đạt gần 4.000 tỷ USD vào năm 2028.

Mặt khác, cộng đồng Hồi giáo đang phát triển nhanh và các nghiên cứu dự đoán rằng số lượng người theo đạo Hồi sẽ tương đương với đạo Thiên chúa (chiếm lần lượt 30% và 31% dân số thế giới) vào năm 2050 và dự kiến sẽ trở thành tôn giáo có đông người theo nhất thế giới vào khoảng năm 2075. Do đó, tiềm năng đối với ngành Halal là vô cùng to lớn. Việc khai thác thị trường Indonesia sẽ là giấy thông hành tốt để thâm nhập vào các thị trường Halal toàn cầu.

Indonesia hiện là nước có cộng đồng Hồi giáo lớn nhất thế giới với 231 triệu người, là thành viên G20, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và có tham vọng trở thành nền kinh tế top 5 thế giới. Nền kinh tế Hồi giáo không chỉ giới hạn trong thực phẩm, đồ uống mà là tất cả các sản phẩm tiêu dùng, dịch vụ như tài chính, du lịch, dược phẩm, thậm chí cả may mặc, mỹ phẩm, thời trang... phù hợp với các quy định Halal của Hồi giáo.

Kinh tế Hồi giáo của Indonesia hiện đứng thứ 4 thế giới, chỉ sau Malaysia, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Mức độ tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của người dân Indonesia rất lớn (tiêu dùng nội địa chiếm khoảng 65% GDP), tương ứng với đó là tiêu thụ các sản phẩm Halal.

Thị trường sản phẩm Halal của Indonesia đạt 220 tỷ USD vào năm 2018 và dự kiến tăng lên 330,5 tỷ USD vào năm 2025. Năm 2022, nhập khẩu lương thực và thực phẩm, đồ uống chiếm khoảng 6,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của quốc gia này.

Thực phẩm và đồ uống nhập khẩu của Indonesia tập trung vào nhóm sản phẩm từ sữa, đạt kim ngạch 1,2 tỷ USD, đồ uống có đường 120 triệu USD, bánh kẹo 75 triệu USD, ngũ cốc 541 triệu USD, nhóm rau củ quả chế biến đạt 222 triệu USD...

Bên cạnh đó, hệ thống thương mại điện tử tại Indonesia cũng đang phát triển mạnh mẽ, mang lại thuận tiện cho mua sắm, chi tiêu của người dân. Nền kinh tế số của nước này hiện dẫn đầu Đông Nam Á, trị giá khoảng 70 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 133 tỷ USD vào năm 2030.

Thị trường Halal Indonesia hiện nay đang phát triển nhanh, là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia.

Thứ nhất, Chính phủ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng thời áp dụng triết lý Halal trong nhiều ngành công nghiệp bao gồm thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm và du lịch.

Thứ hai, Indonesia đang nỗ lực nâng cấp và xây dựng thương hiệu Halal của quốc gia thành một thương hiệu có tầm ảnh hưởng quốc tế, thông qua việc ký kết các thỏa thuận song phương với các nước có đông người theo đạo Hồi để mở rộng thị trường.

Thứ ba, Indonesia đã hình thành bộ máy, thể chế đồng bộ thông qua việc ban hành các luật, quy định, xây dựng quy trình cấp giấy chứng nhận phù hợp Halal do Chính phủ thống nhất quản lý (trước đây do các Hội đồng tôn giáo cấp giấy chứng nhận).

Việt Nam có thế mạnh về nền nông sản, thực phẩm phong phú và chất lượng cao đã chinh phục được nhiều thị trường tiêu chuẩn cao trên thế giới, văn hóa ẩm thực ngày càng trở thành một thương hiệu của quốc gia. Tài nguyên du lịch của Việt Nam cũng rất dồi dào, với nhiều điểm đến nổi tiếng thế giới, là cơ hội để hợp tác phát triển du lịch Hồi giáo.

Hiện đã có một số sản phẩm mang bản sắc Việt Nam được chứng nhận Halal và lưu hành tại thị trường Indonesia như thực phẩm khô (phở, bún, mì ăn liền), đồ đông lạnh (nem, sủi cảo, há cảo), đồ hộp (thịt, hoa quả, cà phê). Ngoài ra, các sản phẩm như sữa, mật ong, cà phê uống liền, nước chanh leo… cũng có tính cạnh tranh cao.

Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Tạ Văn Thông. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Indonesia)

Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Tạ Văn Thông. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Indonesia)

Bên cạnh thuận lợi, những thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam muốn chinh phục thị trường quốc gia lớn nhất Đông Nam Á này là gì, thưa Đại sứ?

Mặc dù tiềm năng to lớn và cơ hội có rất nhiều, nhưng đối với thị trường Indonesia vẫn còn một số khó khăn mà các doanh nghiệp cần phải vượt qua để chinh phục.

Thứ nhất, thị trường Indonesia mang tính bảo hộ cao thông qua các rào cản thuế quan và phi thuế quan nhằm bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ nội địa vốn chiếm số đông trong nền kinh tế. Do đó, chi phí gia nhập thị trường tương đối cao do hạ tầng logistics phát triển chưa đồng đều, thủ tục hải quan phức tạp, quy định nhiều rào cản kỹ thuật như Tiêu chuẩn quốc gia (SNI), tỷ lệ nội địa hóa (TKDN)...

Mặt khác, Indonesia đang cố gắng tự chủ lương thực, thực phẩm, giảm nhập khẩu nông, lâm, thủy sản, do đó, hàng hóa Việt Nam phải cạnh tranh với hàng hóa của các nước ASEAN khác và chính sách bảo hộ có chủ đích nhằm thay thế nhập khẩu.

Thứ hai, Chính phủ mới đây đã đưa ra quy định bắt buộc hầu hết sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tại Indonesia phải có chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Halal do Cơ quan đảm bảo sản phẩm Halal (BPJPH) ban hành. Lộ trình thực hiện từ tháng 10/2024 đến tháng 10/2034 cho từng loại hàng hóa, trước mắt áp dụng đối với các sản phẩm thực phẩm và đồ uống vào năm 2026, sau đó áp dụng cho dệt may, mỹ phẩm và nhiều loại hình dịch vụ.

Thủ tục xin chứng nhận rất phức tạp, tốn kém và có yếu tố chủ quan như yêu cầu khảo sát thực địa cơ sở sản xuất, do đó, các sản phẩm Việt Nam có chứng nhận Halal hiện nay đều cần được nhà nhập khẩu Indonesia đứng ra đăng ký và phân phối.

Thứ ba, Việt Nam phải cạnh tranh với các nước có quan hệ kinh tế gần gũi hơn với Indonesia như Malaysia và Singapore. Hai nước này có lợi thế vượt trội là những quốc gia có kinh nghiệm trong ngành công nghiệp Halal từ lâu và cơ sở hạ tầng hiện đại, thể chế đồng bộ.

Indonesia đã ký biên bản ghi nhớ với Malaysia (tháng 6/2023) và Singapore (tháng 8/2024) thúc đẩy hợp tác kỹ thuật trong các thủ tục đánh giá Halal, công nhận Halal, tiêu chuẩn thông số kỹ thuật và quy định kỹ thuật để cấp chứng chỉ Halal, công nhận lẫn nhau chứng chỉ Halal và nhãn Halal trên sản phẩm nhằm thuận lợi hóa thương mại sản phẩm Halal.

Thứ tư, doanh nghiệp Việt Nam lâu nay chưa có nhiều thông tin cũng như mối quan tâm đến nền kinh tế Halal, trong khi tập trung sự quan tâm đối với các mặt hàng truyền thống và thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản mặc dù có thể gặp phải tiêu chuẩn cao khắt khe hơn.

Doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự nhận thức rằng cần chú trọng mở rộng, đa dạng hóa thị trường, bố trí nguồn lực để khai thác các thị trường trên cơ sở các hiệp định thương mại đa phương đã được tạo dựng trong khuôn khổ ASEAN, AANZFTA, RCEP...

Trước những khó khăn như vậy, là người sâu sát với địa bàn, Đại sứ có những lưu ý gì đối với doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường Halal Indonesia?

Như đã nói ở trên, thị trường Indonesia có tiềm năng rất lớn và cũng là một trong những điểm mở quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường Halal toàn cầu mặc dù còn có một số trở ngại nhất định. Do đó, để chinh phục thị trường này, các doanh nghiệp cần phải có sự hiểu biết và chiến lược phát triển lâu dài.

Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần rút ra các bài học thực tế về mở rộng, đa dạng hóa và giữ thị trường, đề phòng các rủi ro mang tính hệ thống như đại dịch Covid-19, lạm phát cao dẫn đến sức mua giảm ở các thị trường Mỹ, EU, khủng hoảng kinh tế tài chính, xung đột chính trị quân sự... để chuẩn bị tốt hơn cho việc khai thác thị trường khu vực và xa hơn là thị trường các nước Hồi giáo trên toàn thế giới.

Doanh nghiệp nên bắt đầu chú trọng xây dựng hệ thống sản xuất sản phẩm phù hợp Halal bên cạnh các sản phẩm truyền thống. Việc sản xuất theo hướng phù hợp tiêu chuẩn Halal có thể mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp về dài hạn vì vừa khai thác được thị trường truyền thống, vừa tiếp cận thị trường gần 2 tỷ người trong các lĩnh vực cơ bản như thực phẩm đồ uống, thời trang dân dụng, du lịch... Mặt khác, các doanh nghiệp dịch vụ có thể hướng đến các dịch vụ tài chính Hồi giáo vì đây là mảng lớn nhất trong kinh tế Hồi giáo hiện nay.

Doanh nghiệp xuất khẩu nên chủ động tìm hiểu và xin chứng nhận Halal của Indonesia vì Chính phủ nước này hiện nay đang thúc đẩy mạnh lộ trình áp dụng tiêu chuẩn Halal với hầu hết hàng hóa, dịch vụ. Doanh nghiệp Việt Nam nên ưu tiên chọn lựa các sản phẩm có tính cạnh tranh và đạt được chứng chỉ Halal của Indonesia cấp, đồng thời lưu ý rằng hàng hóa nhập khẩu vào Indonesia thường được chia thành nhiều nhóm gồm: hàng tự do nhập khẩu, nhóm phải đăng ký khi nhập khẩu... để có những kế hoạch cụ thể và hiệu quả.

Hiện nay, kênh phân phối hiện đại (MT) chiếm 50% hệ thống phân phối ở các thành phố lớn tại Indonesia, do đó, lựa chọn tốt trong thời gian đầu là liên kết với nhà phân phối của nước này (vốn đã thông thuộc thủ tục và có sẵn giấy phép nhập khẩu) để tiếp cận hệ thống siêu thị rộng khắp tại thị trường quốc gia lớn nhất Đông Nam Á.

Sản phẩm Việt Nam muốn thâm nhập thị trường Indonesia không nên cạnh tranh về giá vì chắc chắn sẽ không bền vững. Dù giá có nhỉnh hơn nhưng người tiêu dùng Indonesia vẫn sẵn sàng đón nhận nếu các sản phẩm của Việt Nam có tính đặc sản, có bản sắc riêng, tính năng tốt và mang lại giá trị cao cho người sử dụng hơn hẳn những sản phẩm cùng loại.

Doanh nghiệp cũng có thể tìm kiếm các cơ hội đầu tư vì Chính phủ Indonesia đang cung cấp các ưu đãi tài chính như miễn giảm, hoàn thuế xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu và máy móc, hỗ trợ nghiên cứu và đào tạo nghề, khuyến khích các nhà sản xuất Halal tại các đặc khu kinh tế, khu thương mại tự do và khu công nghiệp nhằm khuyến khích đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm Halal.

Ngoài ra, tôi cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam nên tích cực hơn trong việc tham gia các hội chợ quốc tế uy tín với quy mô lớn được tổ chức thường niên tại Indonesia nhằm tiếp cận thị trường, đối tác nhập khẩu, bạn hàng, nhà phân phối mới.

Thông thường, các hội chợ quốc tế lớn tại Indonesia thu hút 40.000 đến 50.000 lượt khách tham quan với sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp nội địa và quốc tế đến từ 40 quốc gia trong và ngoài khu vực. Qua các sự kiện này, hình ảnh, thương hiệu các sản phẩm chất lượng của Việt Nam sẽ được giới thiệu, quảng bá hiệu quả đến các đối tác và trên thực tế đã có nhiều hợp đồng giao dịch, thỏa thuận mua hàng giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác, nhà nhập khẩu Indonesia được ký kết tại các hội chợ.

Đại sứ Tạ Văn Thông tham gia cắt băng khai mạc Triển lãm công nghiệp quốc tế Halal Indonesia 2024. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Indonesia)

Đại sứ Tạ Văn Thông tham gia cắt băng khai mạc Triển lãm công nghiệp quốc tế Halal Indonesia 2024. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Indonesia)

Đại sứ quán có định hướng gì trong việc thúc đẩy hợp tác trong ngành công nghiệp Halal giữa hai nước?

Chính phủ Việt Nam đã xây dựng Đề án tổng thể về thúc đẩy ngành Halal Việt Nam, trong đó xác định rõ các lĩnh vực tiềm năng và trọng tâm triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Một trong những trọng tâm là thúc đẩy hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam, trong đó thúc đẩy ký kết các thỏa thuận song phương và đa phương về công nhận lẫn nhau đối với các chứng chỉ Halal/tổ chức cấp chứng nhận Halal hoặc hỗ trợ xây dựng các trung tâm cấp chứng chỉ Halal tiêu chuẩn quốc tế. Đây sẽ là chìa khóa quan trọng mở ra cơ hội tiếp cận thị trường.

Đại sứ quán sẽ tiếp tục thúc đẩy việc ký thỏa thuận hợp tác để Indonesia công nhận các tổ chức cấp chứng chỉ Halal tại Việt Nam; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối với các đối tác Indonesia để được cấp chứng nhận Halal của Indonesia. Indonesia cũng có thể hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo nhân lực, đầu tư cơ sở sản xuất, chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm Halal, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam đạt tiêu chuẩn Halal khai thác thị trường sở tại cũng như mở rộng thị trường.

Mặt khác, Đại sứ quán và Thương vụ tiếp tục tích cực thông tin về chính sách thương mại, văn hóa, tập quán tiêu dùng, kinh doanh… của Indonesia để hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, tham gia thị trường này, trong đó chú trọng thúc đẩy nội dung hợp tác về sản phẩm hàng hóa và dịch vụ Halal để tạo thuận lợi cho thương mại sản phẩm, dịch vụ Halal của Việt Nam tại Indonesia và về lâu dài vươn tới các thị trường khu vực và thế giới.

Ngoài ra, Cơ quan cũng cần chú trọng hơn giới thiệu thực phẩm, ẩm thực phù hợp tiêu chuẩn Halal của Việt Nam tại các hội thảo, hội nghị, diễn đàn quốc tế để xây dựng thương hiệu Halal Việt Nam với các đối tác quốc tế cũng như nâng cao nhận thức, sự quan tâm của doanh nghiệp Việt Nam đối với kinh tế Hồi giáo.

Về phần mình, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động, tích cực hơn trong việc tạo ra những sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Halal. Một trong những lĩnh vực tiềm năng là du lịch thân thiện với người Hồi giáo do lượng khách du lịch Indonesia đến Việt Nam đang tăng mạnh trong những năm gần đây.

50% khách du lịch Hồi giáo được khảo sát trả lời rằng trải nghiệm thân thiện với người Hồi giáo trong các hoạt động du lịch được coi là yếu tố chính khiến họ quay lại; 66% nhấn mạnh thực phẩm Halal là vấn đề quan trọng nhất khi lựa chọn điểm đến.

Trong khi đó, Việt Nam có cảnh quan thiên nhiên đẹp, di sản văn hóa phong phú và nền ẩm thực đa dạng. Nếu phát triển thêm các dịch vụ đặc thù cho du khách Hồi giáo như nhà hàng Halal, khách sạn thân thiện với Hồi giáo, các khu nghỉ dưỡng có không gian riêng cho gia đình Hồi giáo, địa điểm cầu nguyện gần các khu du lịch nổi tiếng... thì sẽ thu hút lượng lớn du khách từ Indonesia, Malaysia và các nước Trung Đông.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Hoàng Nam

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-ta-van-thong-khai-thac-thanh-cong-thi-truong-indonesia-se-la-giay-thong-hanh-tot-de-doanh-nghiep-viet-tham-nhap-nganh-halal-toan-cau-297670.html
Zalo