Kế hoạch triển khai các dự án đường sắt lớn trong năm 2025

Bộ Giao thông vận tải vừa yêu cầu các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ đề án chủ trương đầu tư Dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng để lấy ý kiến, phấn đấu báo cáo Bộ Chính trị vào tháng 3/2025.

Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh minh họa: TTXVN

Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh minh họa: TTXVN

Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp Ban Quản lý dự án đường sắt hoàn thiện hồ sơ đề án chủ trương đầu tư Dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng gửi Bộ Giao thông vận tải trong tháng 12/2024 để lấy ý kiến các cơ quan liên quan; phấn đấu báo cáo Bộ Chính trị vào tháng 3/2025. Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh đối với Dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và phấn đấu khởi công trong năm 2025 theo đúng chỉ đạo.

Theo ông Lưu Quang Thìn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải), tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có tổng mức đầu tư khoảng 8,37 tỷ USD, thông thường thời gian chuẩn bị đầu tư khoảng 3-4 năm, tuy nhiên, theo yêu cầu Trung ương, Thủ tướng Chính phủ cần khởi công dự án vào năm 2025 là thách thức rất lớn.

Để sớm triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư, Ban Quản lý dự án đường sắt trình Bộ Giao thông vận tải hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong tháng 12/2024 để lấy ý kiến các cơ quan; phối hợp triển khai các thủ tục thành lập Hội đồng Thẩm định nhà nước, hoàn thành thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trước ngày 28/2/2025; hoàn thiện hồ sơ để Chính phủ trình Quốc hội trước ngày 31/3/2025 và trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 5/2025.

Đối với Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Minh yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt sớm triển khai các công việc liên quan đến lựa chọn nhà thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải triển khai hoàn thiện đề án phát triển nguồn nhân lực đường sắt; đề án phát triển công nghiệp đường sắt.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh, với dự án đường sắt tốc độ cao, bên cạnh sớm hoàn thiện các thủ tục lựa chọn tư vấn lập báo cáo khả thi, cần nghiên cứu tăng cường nguồn lực, năng lực cho đơn vị quản lý dự án. Để bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, cần tham khảo kinh nghiệm, học hỏi các nước phát triển về cách thức quản lý, tổ chức triển khai. Có thể nghiên cứu lập ban tổng công trình sư hoặc lựa chọn kỹ sư trưởng, kiến trúc sư trưởng.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cho hay, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư chỉ bằng khoảng 1/8 dự án đường sắt tốc độ cao nhưng đã cần đến 7 ban quản lý dự án tham gia. Với tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ USD, yêu cầu kỹ thuật, tính đồng bộ cao, khối lượng công việc rất lớn, biên chế tại các ban quản lý dự án hiện nay khó đáp ứng. Vì thế, cần sớm có giải pháp phù hợp để tăng cường nguồn lực.

Trước đó, chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Theo tiến độ thực hiện, sau khi được Quốc hội thông qua năm 2024, từ năm 2025, Bộ Giao thông vận tải sẽ lập báo cáo nghiên cứu khả thi trình Chính phủ xem xét quyết định đầu tư xây dựng, mục tiêu khởi công dự án vào năm 2027.

Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ke-hoach-trien-khai-cac-du-an-duong-sat-lon-trong-nam-2025/356717.html
Zalo