Kế hoạch hành động của Chính phủ để phát triển kinh tế tư nhân
Chính phủ vừa có Nghị quyết số 138/NQ-CP ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động về phát triển kinh tế tư nhân, thực hiện Nghị quyết 68. Ảnh: TL
Các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và ngành hàng cần thường xuyên tuyên truyền sâu rộng về Nghị quyết 68-NQ/TW, làm rõ vai trò của kinh tế tư nhân với hình thức đa dạng, nội dung phù hợp từng nhóm, qua các kênh truyền thông đại chúng và mạng xã hội nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, theo TTXVN.
Đồng thời, các đơn vị cần xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, giao rõ trách nhiệm cho người đứng đầu trong việc quán triệt nhận thức, đối xử công bằng với kinh tế tư nhân và xây dựng quan hệ chính quyền - doanh nghiệp thân thiện, liêm chính, kiến tạo.
Các bộ, ngành, địa phương phải đổi mới tư duy hành chính, chuyển từ "quản lý" sang "phục vụ", nghiêm cấm cơ chế "xin - cho", bảo hộ cục bộ, đảm bảo thực thi chính sách thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Các đơn vị rà soát, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, chuyển sang hậu kiểm, trừ các lĩnh vực đặc biệt; lập chuyên mục trực tuyến để tiếp nhận và xử lý vướng mắc của người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần được điều chỉnh theo hướng đơn giản, thực tế hơn, bố trí đủ nguồn lực, và huy động sự tham gia của hiệp hội, viện nghiên cứu, trường đại học vào triển khai.
Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, sửa Luật Đất đai, bổ sung chính sách kiểm soát giá đất, đặc biệt đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp.
Các địa phương phải dành quỹ đất xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp, vườn ươm cho doanh nghiệp nhỏ, khởi nghiệp, công nghệ cao thuê, đồng thời hỗ trợ tiền thuê đất; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
Bộ Tài chính sửa Nghị định 35/2022/NĐ-CP, yêu cầu mỗi khu công nghiệp dành ít nhất 20 héc ta hoặc 5% quỹ đất cho doanh nghiệp công nghệ cao, nhỏ và vừa, khởi nghiệp sáng tạo thuê; sửa Nghị định 108/2024/NĐ-CP để bổ sung cơ chế miễn, giảm chi phí thuê nhà, đất công chưa sử dụng cho doanh nghiệp nhỏ, đổi mới sáng tạo và công nghiệp hỗ trợ.
Bộ Công Thương được giao rà soát, sửa Nghị định 32/2024/NĐ-CP, bổ sung chính sách yêu cầu địa phương dành tối thiểu 20 héc ta hoặc 5% quỹ đất mỗi cụm công nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ, công nghệ cao và khởi nghiệp thuê.
Địa phương cần công khai quy hoạch sử dụng đất, phối hợp hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh chuyển đổi số để cung cấp dịch vụ công trực tuyến, rút ngắn ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục đất đai.
Các bộ, ngành phối hợp Bộ Tài chính xử lý nhà, đất công chưa sử dụng để giao địa phương cho doanh nghiệp nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, đổi mới sáng tạo thuê; đa dạng nguồn vốn cho kinh tế tư nhân; tăng cường chia sẻ dữ liệu ngân hàng, thuế để hỗ trợ tín dụng; siết chặt quản lý cho vay, nhất là với hệ sinh thái nội bộ.
Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện dự thảo Luật, cho phép doanh nghiệp trích tối đa 20% thu nhập tính thuế để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển (R&D), dùng cho tự nghiên cứu hoặc đặt hàng theo cơ chế khoán sản phẩm.
Bộ Tài chính rà soát, đề xuất sửa Luật thuế thu nhập cá nhân, bổ sung quy định miễn thuế với thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, vốn góp vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; miễn, giảm thuế cho chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại các doanh nghiệp khởi nghiệp, trung tâm R&D và tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo.
Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp nâng cao năng lực để kết nối với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI; đồng thời tăng cường xúc tiến đầu tư vào các ngành ưu tiên, mũi nhọn.
Bộ Tài chính rà soát, sửa Luật Đấu thầu, bổ sung cơ chế đặt hàng, đấu thầu hạn chế hoặc ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia cùng Nhà nước vào các dự án chiến lược, nghiên cứu khoa học trọng điểm và nhiệm vụ cấp bách.
Đồng thời, bộ cần sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) để đa dạng hóa mô hình hợp tác Nhà nước - tư nhân trong hạ tầng kinh tế, xã hội, công nghệ thông tin và truyền thông.
Bộ Công Thương xây dựng Chương trình Go Global nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vươn ra thị trường quốc tế, tập trung các giải pháp về thị trường, thương hiệu, kênh phân phối, logistics, pháp lý, bảo hiểm, mua bán sáp nhập và kết nối với tập đoàn đa quốc gia.
Bộ Tài chính hoàn thiện khung pháp lý cho kinh doanh cá thể, bao gồm quy định về quản trị, tài chính, kế toán; đồng thời hỗ trợ miễn phí nền tảng số, phần mềm kế toán, tư vấn pháp lý và đào tạo cho hộ, cá nhân kinh doanh.
Hiệp hội, tổ chức doanh nghiệp cần củng cố tổ chức, bảo vệ quyền lợi hội viên, tham gia phản biện chính sách, triển khai hỗ trợ kinh tế tư nhân và nâng cao ý thức minh bạch, trách nhiệm trong quan hệ với cơ quan nhà nước...