Kế hoạch chấn hưng nền kinh tế Pháp: Thử thách nhiều chông gai
Nhằm chấn hưng nền kinh tế Pháp đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tân Thủ tướng Pháp Jean Castex vừa trình bày trước Quốc hội về cương lĩnh hành động trong 18 tháng tới. Theo đó, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí tán thành những biện pháp mới mà Chính phủ sẽ triển khai nhằm đưa nước Pháp thoát khỏi cuộc khủng hoảng, vốn được coi là thử thách nhiều chông gai.
Tân Thủ tướng Pháp Jean Castex đã trình bày trước Quốc hội cương lĩnh hành động nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Gần 2 tuần sau khi được bổ nhiệm, tân Thủ tướng Jean Castex đã có báo cáo chính thức trước Quốc hội về chương trình hành động của Chính phủ. Trong bản kế hoạch, ông Jean Castex cho biết, Chính phủ Pháp sẽ triển khai một kế hoạch phục hồi kinh tế trị giá 100 tỷ euro (114 tỷ USD), trong đó bao gồm 40 tỷ euro để hỗ trợ tái thiết ngành công nghiệp và dịch vụ trong nước; 20 tỷ euro để cải tạo hệ thống cách nhiệt các tòa nhà dân sinh và phát triển sản xuất sinh thái; 20 tỷ euro để giúp đỡ những người nghèo và tăng sức mua, trong đó 6 tỷ euro đầu tư cho hệ thống y tế. Về cải cách lương hưu bị trì hoãn do dịch bệnh, Thủ tướng Pháp cho rằng đây là việc cần phải làm nhằm xây dựng một hệ thống lương hưu công bằng hơn. Vì vậy, cần phải chấm dứt các chế độ lương hưu đặc biệt tồn tại trong một thời gian dài.
Đặc biệt, chống thất nghiệp và bảo toàn việc làm sẽ là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Pháp trong 18 tháng tới, với tổng ngân sách lên đến 20 tỷ euro. Theo ông Jean Castex, đối tượng chính sẽ là tầng lớp thanh niên, những người đầu tiên bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng y tế vừa qua. Do đó, Chính phủ quyết định miễn trừ các khoản đóng góp an sinh xã hội để thúc đẩy thị trường việc làm đối với lao động dưới 25 tuổi.
Bản kế hoạch của tân Thủ tướng Pháp đã nhận được sự nhất trí của đa số đại biểu Quốc hội. Với 345 phiếu ủng hộ so với 177 phiếu chống, Thủ tướng và nội các mới đã chính thức vượt qua bước thử thách đầu tiên để thực hiện đường hướng phát triển và cải cách do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề ra.
Các nhà phân tích nhận định, rất nhiều thách thức đang chờ đợi Chính phủ mới tại Pháp. Bởi lẽ, ngay trước đại dịch Covid-19, Paris cũng đã rơi vào khủng hoảng. Hàng loạt cải cách mà Tổng thống E.Macron thúc đẩy kể từ khi lên nắm quyền, như thay đổi các quy định bảo vệ người lao động và lương hưu, đã vấp phải sự phản đối gay gắt của các liên đoàn lao động cũng như phong trào Áo vàng. Sự chia rẽ và bất bình trong xã hội được cho là một trong những nguyên nhân khiến đảng Nền Cộng hòa Tiến bước (LREM) của ông E.Macron chịu thất bại nặng nề trong các cuộc bầu cử địa phương vừa qua.
“Cơn sóng thần” Covid-19 càng khiến cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội tại Pháp trở nên nghiêm trọng. Ngân hàng Trung ương Pháp dự báo chỉ số tăng trưởng nền kinh tế lớn thứ hai Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể giảm 10,3% trong năm nay và thâm hụt ngân sách ở mức gần 120 tỷ euro. Hàng loạt tập đoàn, doanh nghiệp lớn tại Pháp sa thải nhân công, nộp đơn bảo hộ phá sản. Ước tính gần 1 triệu người ở Pháp bị mất việc làm trong năm 2020 và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức kỷ lục 11,8% trong nửa đầu năm 2021. Ngân hàng Trung ương Pháp cho rằng, kinh tế Pháp cần ít nhất 2 năm để phục hồi và trở lại mức như trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Đại dịch này buộc nước Pháp phải thay đổi các ưu tiên phát triển, chuyển đổi mô hình kinh tế, gia tăng đầu tư vào lĩnh vực y tế, an sinh - xã hội. Thế nên, sứ mệnh của Thủ tướng Jean Castex là phải cụ thể hóa “con đường mới” mà Tổng thống E.Macron đã vạch ra, đó là phục hồi và tái thiết đất nước. Đây rõ ràng là một thử thách đầy chông gai với chính phủ Pháp trong bối cảnh quốc gia hình Lục lăng vừa thoát khỏi giai đoạn cam go nhất của cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19.