Kể chuyện lịch sử Việt Nam qua hình ảnh
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), NXB Đại học Sư phạm và Công ty cổ phần Văn hóa Đông A vừa tổ chức tọa đàm, ra mắt cuốn sách 'Lịch sử Việt Nam bằng hình' - công trình công phu với gần 2.000 minh họa tranh ảnh và bản đồ.
Dày gần 700 trang khổ lớn, với 14 phần chính, cuốn sách phác họa bức chân dung toàn cảnh về quá trình dựng nước và giữ nước, xuyên suốt từ thời xuất hiện các cư dân cổ xưa đầu tiên trên lãnh thổ cho đến khi hình thành một quốc gia hiện đại như ngày nay. Cuốn sách cũng trình hiện các lớp văn hóa của Việt Nam, được khơi nguồn từ buổi sơ khai đồ đá, đồ kim khí đến lúc định hình bản sắc riêng rực rỡ vào thời Lý - Trần, và không ngừng được bồi đắp, sản sinh vào những giai đoạn tiếp theo. Những trận đánh vang danh, những danh nhân nổi tiếng cũng được giới thiệu trong sách, qua đó lý giải nhiều bước ngoặt quan trọng của dòng chảy lịch sử nước nhà.
Bên cạnh lịch sử Việt Nam, cuối mỗi phần có thêm bài khái quát vắn tắt tình hình Trung Quốc và phương Tây ứng với từng giai đoạn lịch sử trong nước. Dựa vào đó, bạn đọc có thể nhìn rộng ra khung cảnh thế giới đương thời và hiểu biết thấu đáo hơn về lịch sử nước nhà.
Tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam bày tỏ sự khâm phục với nhóm biên soạn vì sau 17 năm ấp ủ đã ra mắt công trình đồ sộ với 659 trang sách, 2.000 hình minh họa sắc nét. Ông gọi tác phẩm là "cuốn thông sử, thể hiện hết sức hệ thống về lịch sử Việt Nam từ năm xa xưa nhất cho tới hôm nay".
Là người được đọc bản bông trước khi xuất bản, ông Trần Đức Cường đánh giá: "Tôi thực sự ngỡ ngàng và đọc rất cẩn thận. Từng hình ảnh trong sách được tôi soi xét rất kỹ, vì chỉ cần một hiện vật sai, sẽ có nhiều nghi ngờ dành cho cuốn sách. Nhưng tới thời điểm hiện tại, khi sách đã ra mắt, tôi khẳng định chưa tìm thấy lỗi nào, khá chính xác. Nhiều góp ý của tôi cũng được nhóm biên soạn tiếp thu, chỉnh sửa".
Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Bá Cường - Giám đốc NXB Đại học Sư phạm khẳng định: "Nhóm biên soạn không có tham vọng thực hiện một công trình nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử Việt Nam mà tập trung phác họa toàn cảnh quá trình kiến tạo đất nước, xuyên suốt từ thời xuất hiện các cư dân đầu tiên trên lãnh thổ cho đến khi hình thành một quốc gia hiện đại như ngày nay".
Vì thế, ông Nguyễn Bá Cường cho rằng, “Lịch sử Việt Nam bằng hình” là cuốn sách cần thiết trong mỗi gia đình, cho các lứa tuổi, ngành nghề khác nhau và cả đồng bào Việt Nam ở nước ngoài. Tác phẩm sẽ góp phần kết nối và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, văn hiến, nghệ thuật, truyền thống yêu nước, tự lực tự cường của dân tộc.
Chia sẻ về ý tưởng thực hiện cuốn sách đồ sộ này, ông Trần Đại Thắng - Giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa Đông A đồng thời là tác giả chính của cuốn sách, cho biết, trong hơn 30 năm làm trong ngành xuất bản, đặc biệt là khi tham gia hội sách Frankfurt (Đức) năm 2007, đã mê những cuốn sách bách khoa toàn thư, lịch sử Anh, Mỹ, Đức… với nhiều hình ảnh minh họa bắt mắt. “Tôi mơ ước sau này Đông A sẽ làm được những cuốn sách về lịch sử Việt Nam như vậy. Trở về, tôi bắt đầu cùng cộng sự bàn lên ý tưởng ban đầu cho cuốn sách”, ông Thắng chia sẻ, và cho biết thêm, cuốn sách “Lịch sử Việt Nam bằng hình” được thiết kế lấy cảm hứng và dựa theo cách sắp xếp nội dung và phương pháp trình bày từ những cuốn sách có chủ đề lịch sử và văn hóa của Nhà xuất bản DK.
Tuy nhiên, phải nhiều năm sau, đội ngũ những người thực hiện cuốn sách mới được hình thành, và năm 2015, bản đề cương đầu tiên của cuốn sách “Lịch sử Việt Nam bằng hình” mới chốt lại chính thức.
Thời gian tiếp theo, khối lượng tư liệu phải xử lý có thể nói là khổng lồ, kèm theo đó là việc tìm các nguồn hình ảnh minh họa đã khiến dự án này nhiều lúc lâm vào thế khó hoặc thậm chí phải tạm dừng. Bản thân ông Trần Đại Thắng với tư cách người khởi xưởng dự án đã dành nhiều chuyến đi khắp các vùng miền đất nước để chụp ảnh, kiểm tra một số tư liệu lịch sử. “Tôi đã đến hơn 100 bảo tàng trong và ngoài nước; và các di tích, làng nghề Bắc - Trung - Nam… Có những bảo tàng tới lui nhiều lần khi ở đó tổ chức các buổi triển lãm chuyên đề đặc biệt”, ông Thắng kể, và cho biết thêm, đầu năm 2017, được PGS.TS. Hoàng Văn Khoán - chuyên gia khảo cổ học, đưa đến các di tích là chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp, chùa Dạm ở Bắc Ninh; di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc ở Hải Dương. Ở đâu thầy cũng đều chỉ dẫn tận tình, chi tiết về từng hiện vật. Hàng chục chuyến đi sau đó cũng tương tự, được các chuyên gia, nhà nghiên cứu chỉ dẫn, gợi mở nhiều cách thức tiếp cận các nguồn tư liệu một cách khoa học…
Để cuốn sách ra mắt bạn đọc lần này, Đông A đã “chiêu mộ” rất nhiều chuyên gia ở từng lĩnh vực để đọc thẩm định, góp ý, sửa chữa. Ở chuyên ngành lịch sử, cuốn sách có sự thẩm định, hiệu đính của PGS.TS. Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, PGS.TS. Trần Trọng Dương, TS. Nguyễn Đình Chiến - nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, TS. Nguyễn Việt, TS. Nguyễn Thị Hậu… Tương tự, ở lĩnh vực hình ảnh, bản đồ, báo chí… cũng có những chuyên gia tư vấn.
Theo ông Thắng, có một số vấn đề được tiếp cận khác nhau, thậm chí là mâu thuẫn và đến nay vẫn còn tiếp tục tranh luận; có những địa danh, vùng đất mà đến nay khó xác định được vị trí hiện tại. Chưa kể, việc biên tập phải đảm bảo văn phong nhất quán của hàng trăm bài viết từ hàng chục người với yêu cầu dễ hiểu, trong sáng, khách quan nhưng không khô cứng.
Không có tham vọng thực hiện một tác phẩm nghiên cứu chuyên sâu, ban biên soạn chủ đích chuyển tải thông tin cơ bản về lịch sử Việt Nam bằng hình ảnh với văn phong phù hợp nhiều đối tượng bạn đọc và lứa tuổi khác nhau. Cùng với số lượng minh họa phong phú và đa dạng, những người làm sách hy vọng Lịch sử Việt Nam bằng hình sẽ khơi gợi niềm yêu thích tìm hiểu lịch sử nước nhà của đông đảo bạn đọc; góp thêm một số tư liệu và hình ảnh phục vụ cho các bài dạy, bài giảng của giáo viên lịch sử...
“Với cuốn sách này, lịch sử hào hùng và những giá trị quý giá của dân tộc Việt Nam đã hiện lên với một diện mạo đẹp đẽ và trang trọng đúng với ý nghĩa của mình, không thua kém cuốn lịch sử nào của thế giới”, ông Thắng bày tỏ.
PGS.TS. Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: “Những người làm cuốn sách “Lịch sử Việt Nam bằng hình” đã có ý tưởng xác đáng, đáp ứng nhu cầu đọc của xã hội bây giờ. Nếu như bạn đọc muốn tìm hiểu về một sự kiện, một nhân vật lịch sử, họ có thể tìm đến cuốn này để biết được đánh giá tổng quát về nhân vật, sự kiện đó. Mục tiêu đặt ra của những người làm sách đã đạt được là hướng tới đối tượng bạn đọc rộng rãi với nhiều lứa tuổi khác nhau. Mặt khác, đọc lịch sử không chỉ bằng chữ mà còn bằng hình, điều này sẽ in dấu ấn sâu vào tâm trí người đọc”.
Phần Chỉ mục công phu ở cuối sách gồm các mục từ về nhân danh, địa danh, tên tác phẩm... sẽ là một phần quan trọng có ý nghĩa lớn đối với việc tra cứu khi tiếp nhận nội dung tác phẩm.