Kể chuyện lịch sử, 'tiếp lửa' truyền thống cho thế hệ trẻ
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thành Đoàn Hà Nội tổ chức chuỗi chương trình giao lưu nhân chứng lịch sử 'Kể chuyện lịch sử - Tiếp lửa truyền thống' dành cho các học sinh, sinh viên Thủ đô.

Chuỗi chương trình giao lưu nhân chứng lịch sử “Kể chuyện lịch sử - Tiếp lửa truyền thống” dành cho các học sinh, sinh viên Thủ đô.
Trong những ngày tháng 4 lịch sử, cả nước vui tươi, phấn khởi hướng về ngày kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước… nhiều chương trình giao lưu, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, ‘tiếp lửa’ truyền thống tại các trường học được đông đảo các bạn học sinh, sinh viên hưởng ứng… Những nhóm học sinh, sinh viên ngồi quây quần bên nhau, chăm chú lắng nghe những câu chuyện, kỷ niệm của trinh sát, nhà báo Phùng Huy Thịnh, Thượng sĩ An Mạnh Hùng… Có lúc sục sôi khí thế, có lúc nghẹn ngào xúc động... khoảnh khắc đó, những người trẻ tràn đầy lòng cảm phục, biết ơn sâu sắc.

Ông Đào Đức Việt, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố Hà Nội chia sẻ tại buổi giao lưu.
Tham gia nhiều hoạt động giao lưu, trò chuyện cùng các nhân chứng lịch sử, với ông Đào Đức Việt, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố Hà Nội, mỗi hoạt động đến với mỗi ngôi trường, tiếp xúc với các bạn trẻ… đều mang đến những trải nghiệm, cảm xúc riêng, song đó là sự xúc động, niềm tự hào khi trực tiếp lắng nghe những câu chuyện, kỷ niệm về một “thời hoa lửa”. Ông Đào Đức Việt mong rằng thông qua chương trình giao lưu nhân chứng lịch sử “Kể chuyện lịch sử - Tiếp lửa truyền thống”, các bạn trẻ có thể có được kinh nghiệm lịch sử quý báu, đúc kết tình yêu quê hương đất nước, nỗ lực học tập viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc…

Thượng sĩ An Mạnh Hùng, chiến sĩ tại Ban Tham mưu, E229 Công binh, Bộ Tư lệnh Công binh chia sẻ tại buổi giao lưu.
“Nước còn giặc còn đi đánh giặc/ Chiến trường giục giã bước hành quân”
“Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”...
Những khẩu hiệu yêu nước văng vẳng bên tai đã thôi thúc Thượng sĩ An Mạnh Hùng (chiến sĩ tại Ban Tham mưu, E229 Công binh, Bộ Tư lệnh Công binh) xung phong lên đường ra mặt trận, quyết tâm giải phóng miền Nam để thống nhất đất nước, nhà nhà đoàn tụ, trở lại giảng đường học tập. Mặc dù lúc bấy giờ vô vàn những khó khăn, gian khổ, nhưng ý chí, lòng yêu nước, tinh thần cách mạng vượt lên tất cả, Thượng sĩ An Mạnh Hùng cùng những chàng trai, cô gái trẻ tuổi vẫn hăng hái xung phong được đóng góp sức nhỏ vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…

Nhà báo Phùng Huy Thịnh, nguyên trinh sát pháo binh thuộc Sư đoàn 325, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam kể lại những năm tháng "hoa lửa".
Trinh sát, nhà báo Phùng Huy Thịnh (nguyên trinh sát pháo binh thuộc Sư đoàn 325, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam) xúc động, nghẹn ngào chia sẻ những ngày đã qua, những năm 70 khi chiến trường miền Nam thiếu xung lực, nhân lực, hưởng ứng phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng” Thủ đô) sau đó lan rộng cả nước) nhà báo Phùng Huy Thịnh khi đó đang là sinh viên năm 2 Trường đại học Tổng hợp đã xung phong, viết đơn tình nguyện lên đường ra mặt trận chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…
“Sau những tháng huấn luyện cấp tốc, tôi đã trở thành trinh sát của đơn vị pháo binh, đánh cối 160 quả đạn nặng 49,5 kg, ‘như đánh một quả bom’... Lúc bấy giờ, ngoài tinh thần yêu nước còn là tinh thần quyết tâm chiến đấu vì gia đình, người mình yêu, thầy cô, bạn bè”, nhà báo Phùng Huy Thịnh nói.
Chăm chú theo dõi những chia sẻ đầy cảm xúc của các nhân chứng lịch sử, học sinh Nguyễn Diệu Linh, lớp 12 trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm bày tỏ: “Được sinh ra và lớn lên trong thời bình là một điều may mắn, đáng trân trọng, để xứng đáng với nền độc lập, tự do thế hệ trước đã hy sinh xương máu giữ gìn, thế hệ trẻ chúng em tự nhủ sẽ hành động thiết thực, không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện kỹ năng sống và đạo đức xã hội. Học tập không chỉ giúp chúng em có một tương lai xán lạn mà còn góp phần dựng xây đất nước, cũng là hành trang cần thiết để giao lưu với bạn bè quốc tế, tôn vinh vẻ đẹp của Việt Nam. Đặc biệt, thế hệ trẻ chúng em cần tiên phong, xung kích trong nhiều hoạt động Chính trị, Đoàn, Đội…”

Tặng hoa tại buổi giao lưu nhân chứng lịch sử.
Cô Trịnh Thanh Thúy, Phó Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm chia sẻ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 là sự kiện trọng của cả đất nước, các em học sinh trong trường rất hân hoan, phấn khởi trò chuyện, giao lưu cùng các nhân chứng lịch sử, lắng nghe những câu chuyện thời chiến đấu kiên cường, bất khuất…
“Trong các tiết học, bài giảng tại trường, các em học sinh cũng được vun đắp lòng biết ơn, sự chân quý công lao to lớn của thế hệ đi trước, những người đã không tiếc thân mình ‘nằm lại’ nơi chiến trường để đấu tranh vì nền hòa bình, độc lập, tự do cho đất nước… Bên cạnh việc giáo dục các em học sinh bằng các chuyên đề lịch, sắp tới nhà trường sẽ tổ chức chương trình “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” để giáo dục, làm sâu sắc thêm truyền thống yêu nước, tình yêu lịch sử trong trái tim các em…”, cô Trịnh Thanh Thúy chia sẻ.