Kể chuyện âm nhạc dân gian bằng ngôn ngữ thời đại

Sau 20 năm vắng bóng trên sân khấu, ca sĩ Ngọc Khuê - cô nàng 'chuồn chuồn ớt' ngày xưa bỗng xuất hiện, mang đến một không gian âm nhạc mới cho âm nhạc. Vẫn dân gian Việt Nam, vẫn những làn điệu quan họ, cò lả... nhưng chuồn chuồn ớt không ở trong ngôi làng truyền thống mà đã bay ra đô thị, một đô thị sôi động và mới mẻ của nhạc điện tử, của những ứng dụng công nghệ mới...

“Làn gió mới”

Tôi tự hỏi, 20 năm qua, Ngọc Khuê đã ở đâu trong đời sống âm nhạc, khi cô là một giọng hát đầy cá tính và ma mị. 20 năm cô ấy đã thay đổi như thế nào? Từ một cô ca sĩ tóc dài qua eo luôn gắn mình với những bộ áo dài Việt Nam thướt tha, đôi khi là những bộ váy áo cách tân lụa là gấm vóc… giờ đây đã là cô ca sĩ tóc ngắn hát nhạc dân gian - điện tử. Một sự thay đổi tưởng chừng không thể nhưng với Khuê: Lạ - mới là cá tính khác biệt. Thay đổi từ gu thời trang đến phong cách âm nhạc - đã làm nên Ngọc Khuê hoàn toàn mới.

Ca sĩ Ngọc Khuê sáng tạo trên nền tảng văn hóa dân tộc.

Ca sĩ Ngọc Khuê sáng tạo trên nền tảng văn hóa dân tộc.

“Dạo chơi” là album đĩa than đầu tiên của Ngọc Khuê được lấy cảm hứng từ di sản văn hóa Việt Nam kết hợp cùng màu sắc phương tây. Được biến hóa đầy thuyết phục bởi bàn tay ma thuật - nhạc sĩ - Giám đốc sản xuất âm nhạc Huy Ngô với những âm thanh thời thượng.

Album gồm 8 tác phẩm đã gắn với tên tuổi của Ngọc Khuê như “Chuồn chuồn ớt”, “Bên bờ ao nhà mình”, “Gió mùa về”, “Giọt sương bay lên”, “Bà tôi” cùng 3 bài hát dân ca quan họ Bắc Ninh: “Xe chỉ luồn kim”, “Qua cầu gió bay”, “Cò lả”. Mỗi tác phẩm là một bản phối mới với cách xử lý đầy mới lạ, khi nghe khán giả sẽ được chạm, cảm nhận và trải nghiệm âm thanh từ trong studio ra đến ngoài thiên nhiên không một chút gợn. Khán giả sẽ được sống trong không gian âm nhạc, ở đó có ambient, word music, trap, hiphop, rap, jazz … Album là sự kết hợp của cả gia đình Khuê. Từ bìa đĩa và ấn phẩm bên trong là tác phẩm nghệ thuật vẽ truyền thần - màu nước từ cha là họa sĩ/ nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi.

Với dự án đĩa than “Dạo chơi”, Ngọc Khuê và Huy Ngô sẽ là "làn gió mới" trong việc giữ gìn và phát triển, “chắp cánh” những nét đẹp văn hóa, giá trị âm nhạc dân tộc vươn xa quốc tế.

Mỗi ca khúc trong album là một bản phối hoàn toàn mới, mang đậm phong cách âm nhạc hiện đại như ambient, world music, jazz, trap và rap. Đặc biệt, Ngọc Khuê đã tự viết lời rap cho một số bài dân ca, tạo nên sự phá cách độc đáo, đồng thời kết nối âm nhạc truyền thống với khán giả trẻ. "Rap không chỉ là thử nghiệm mà còn là cách tôi kể câu chuyện của âm nhạc dân gian bằng ngôn ngữ của thời đại, giúp khán giả trẻ cảm thấy gần gũi hơn", Ngọc Khuê chia sẻ.

Bản phối "Chuồn chuồn ớt" (Ambient Mix) đưa người nghe vào không gian âm nhạc như cổ tích với những âm thanh thiên nhiên trong trẻo. Trong khi đó, "Bên bờ ao nhà mình" (Night Mix) mang đến cảm xúc nhẹ nhàng, sâu lắng, chạm đến trái tim của cả những khán giả khó tính nhất. Các bài hát dân ca quen thuộc như "Cò lả" và "Xe chỉ luồn kim" cũng được làm mới đầy táo bạo. Với "Cò lả", bản phối Ethnic Deep House tạo nên một không gian âm nhạc độc đáo, hòa quyện giữa âm thanh hiện đại và nhạc cụ dân tộc.

"Dạo chơi" không chỉ là một sản phẩm âm nhạc, mà còn là tuyên ngôn nghệ thuật của Ngọc Khuê trong việc bảo tồn và phát triển âm nhạc dân gian Việt Nam. Album mang đến thông điệp rằng âm nhạc truyền thống hoàn toàn có thể trở nên thời thượng và hấp dẫn mà không làm mất đi bản sắc.

"Tôi mong rằng “Dạo chơi” sẽ là một cây cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, đưa âm nhạc dân gian Việt Nam đến gần hơn với công chúng trong nước và quốc tế.Với sản phẩm này, tôi tự tin nói rằng mình là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên ra mắt sản phẩm âm nhạc dân gian điện tử, áp dụng công nghệ dolby atmos và đưa lên rạp chiếu phim với tiêu chuẩn được thẩm duyệt bởi kĩ sư nước ngoài. Tại không gian trong rạp, khán giả được trải nghiệm âm nhạc với hệ thống trên 20 loa bao quanh với độ chi tiết cao”.

Và đây không chỉ là sản phẩm âm nhạc, mà còn là lời khẳng định rằng âm nhạc truyền thống Việt Nam hoàn toàn có thể hòa nhập với xu hướng quốc tế, trở nên trẻ trung và thời thượng hơn mà không mất đi bản sắc.

Độc, lạ, nhưng vẫn giữ được “chất”

Ngọc Khuê khá im hơi lặng tiếng trong đời sống âm nhạc. Kể từ MV phát hành từ năm 2016, cô hầu như không có sản phẩm cá nhân, cũng ít xuất hiện trong các show diễn. Nhiều năm nay, cô chuyên tâm vào việc giảng dạy ở Khoa Quản lý Văn hóa, nghệ thuật, trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Công việc đó cũng giúp cô có cơ hội tiếp cận và nghiên cứu sâu hơn về âm nhạc cổ truyền. Theo cô, viết sách cũng là cách cô truyền tải những điều “gan ruột” với âm nhạc, nhất là dân ca 3 miền.

Với vai trò làm giảng viên, cô trở thành cầu nối đa thế hệ thông qua âm nhạc, nghệ thuật. Nhiều năm nay, cô dành thời gian nghiên cứu di sản âm nhạc dân gian với mong muốn bảo tồn và sáng tạo, giúp các giá trị truyền thống phát triển trong xã hội hiện đại. Trên giảng đường, cô luôn khuyến khích sinh viên sáng tạo và kết nối với văn hóa dân tộc.

Cô cũng là người tích cực tham gia các dự án nghệ thuật và giáo dục, đặc biệt chú trọng đến trẻ em vùng sâu, vùng xa và bà con có hoàn cảnh khó khăn. Cô tổ chức các buổi biểu diễn, giao lưu văn hóa, mang niềm vui đến cho cộng đồng, đồng thời lan tỏa tình yêu di sản.

Cô nói, thành công của tôi đến từ sự kiên trì và đam mê. “Tôi luôn trân trọng sự yêu mến và ủng hộ của khán giả, điều đó chính là động lực lớn nhất. Chặng đường từ cuộc thi Sao Mai điểm hẹn đến nay đã hơn 20 năm và tôi đã không ngừng học hỏi, lắng nghe và sáng tạo để mang đến những sản phẩm chất lượng”.

Ngọc Khuê và dự án mới của mình.

Ngọc Khuê và dự án mới của mình.

Với Ngọc Khuê, âm nhạc không chỉ là giải trí mà còn là cách cô lan tỏa và bảo tồn những giá trị văn hóa Việt Nam, điều đó thể hiện qua những bài hát, ca từ và những câu chuyện cô gửi đến khán giả. “Nhiều người vẫn nhận định rằng tôi độc, lạ và không phải một ca sĩ thị trường, còn tôi quan niệm sự trở lại này là sự đánh dấu cho bước đi mang tính đại chúng nhưng vẫn giữ cái chất của mình. Những ca khúc với cái tên "Ngọc Khuê" chắc chắn sẽ là những sản phẩm mang đậm cá tính và sự độc bản và tôi sẵn sàng chia sẻ cũng như hòa nhập màu sắc của mình với các nghệ sĩ trẻ”.

Ngọc Khuê nói, âm nhạc dân gian vốn dễ nghe bởi nó nằm trong tiềm thức của mỗi người Việt, khi chúng ta lớn lên trong lời ru của bà, của mẹ. Cô muốn tạo ra một không gian âm nhạc mới trên nền những giá trị truyền thống, như một cách đưa con người trở về với tuổi thơ của mình, nhưng tuổi thơ hôm nay, vẫn ký ức ấy, hồn cốt ấy, đã khác hôm qua. “Trong chặng đường tiếp theo, tôi sẽ tiếp tục sáng tạo, thử nghiệm, cập nhật xu hướng và kết hợp với công nghệ tiên tiến, hợp tác với các nghệ sĩ trẻ và đưa âm nhạc dân gian Việt Nam lên một tầm cao mới”, Ngọc Khuê nói.

Cô không chỉ thực hiện dự án của cá nhân mà sẽ là cầu nối cho các nghệ sĩ trẻ trên hành trình sáng tạo để đưa âm nhạc truyền thống phát triển, hồi sinh theo một cách mới mẻ và mang tinh thần đương đại. “Có như thế, chúng ta mới nối dài đời sống âm nhạc dân tộc trong xã hội hiện đại, để giới trẻ có thể tiếp cận với truyền thống mà không thấy xa lạ”… Tình yêu và tinh thần sáng tạo của Ngọc Khuê hy vọng sẽ lan tỏa đến giới trẻ, bởi đó là cách họ đưa truyền thống đi xa khỏi lũy tre làng và vươn ra thế giới.

Ca sĩ Ngọc Khuê là con gái của nhạc sĩ, họa sĩ Phạm Ngọc Khôi. Cô đoạt giải nhì cuộc thi Sao Mai năm 2003. Tên tuổi cô gắn liền với những bản hit mang màu sắc dân gian đương đại như “Bà tôi”, “Chuồn chuồn ớt”…. Ca sĩ Ngọc Khuê hiện là giảng viên thanh nhạc, Đại học Văn hóa Hà Nội. Cô dành tâm huyết nghiên cứu và truyền tải cho sinh viên của mình tình yêu với âm nhạc truyền thống và đưa âm nhạc truyền thống vào đời sống hôm nay bằng những sáng tạo mới.

Linh Nguyễn

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/ke-chuyen-am-nhac-dan-gian-bang-ngon-ngu-thoi-dai-i759716/
Zalo