Kể câu chuyện đất nước theo cách riêng

Đưa công nghệ vào hành trình khám phá di sản, kết nối truyền thống với hiện đại là cách mà dự án 'Yêu lắm Việt Nam' do Báo Nhân Dân phối hợp đối tác công nghệ triển khai, đang kể câu chuyện đất nước theo một cách rất riêng. Từ Cột cờ Lũng Cú tới Mũi Cà Mau, mỗi bảng tương tác gắn chip công nghệ kết nối không dây (NFC) như một cánh cổng mở ra kho tàng văn hóa lịch sử sống động, chỉ bằng một cú chạm điện thoại.

Du khách quét bảng gắn chip NFC Dự án “Yêu lắm Việt Nam” tại Trung tâm du lịch cầu treo Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: KIM BẢO)

Du khách quét bảng gắn chip NFC Dự án “Yêu lắm Việt Nam” tại Trung tâm du lịch cầu treo Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: KIM BẢO)

Sau hơn nửa năm triển khai, hàng chục nghìn lượt check-in cùng những chia sẻ lan tỏa trên mạng xã hội đã góp phần làm mới trải nghiệm du lịch, mang đến cảm hứng khám phá sâu sắc hơn với mỗi điểm đến.

Một cú chạm - triệu kết nối

Từ những trạm check-in công nghệ tại các di tích có tuổi đời hàng nghìn năm đến hệ sinh thái du lịch số phủ khắp 63 tỉnh, thành phố, dự án “Yêu lắm Việt Nam” không chỉ tái hiện lịch sử và văn hóa bằng trải nghiệm số, mà còn thổi làn gió công nghệ vào từng bước chân du khách trên hành trình khám phá đất nước.

Lần đầu tiếp xúc với bảng tương tác gắn chip NFC tại di tích Hoàng thành Thăng Long, chị Nguyễn Hương Giang, sống tại quận Ba Đình, Hà Nội khá bất ngờ về trải nghiệm kết nối lịch sử đầy sáng tạo, kết hợp giữa công nghệ hiện đại và văn hóa truyền thống. “Khi chạm điện thoại vào bảng NFC, những thông tin hiện ra như đang trò chuyện với mình. Đó là lịch sử nhưng không khô cứng, mà gần gũi, sống động”, chị Giang cho biết.

Không riêng gì người Việt Nam, dự án “Yêu lắm Việt Nam” còn để lại ấn tượng mạnh với bạn bè quốc tế. Tham tán Thông tin, Đại sứ quán Malaysia, Muhammad Zaki Bin Abdul Ghani là một trong những vị khách đặc biệt được mời tham dự lễ ra mắt dự án, chia sẻ: “Dù chưa có dịp trực tiếp trải nghiệm, nhưng thông qua những thông tin được cung cấp, tôi tin chắc rằng đây sẽ là một công cụ vô cùng hữu ích, nhất là với người nước ngoài, để hiểu thêm về lịch sử và ý nghĩa của các địa danh tại Việt Nam”.

Ông Zaki đánh giá cao sáng kiến này như một cách làm du lịch hiện đại, không chỉ hỗ trợ thông tin mà còn xây dựng kết nối văn hóa giữa Việt Nam và thế giới.

Ngài Kohdayar Marri, Đại sứ Pakistan tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang đi đầu trong việc sử dụng công nghệ để lan tỏa văn hóa, “một mô hình mà Pakistan có thể học hỏi để tăng cường giao lưu giữa các quốc gia”. Trong bối cảnh ranh giới địa lý không còn là rào cản, những cú chạm NFC như một lời mời mở cửa kết nối.

Sau hơn sáu tháng, gần 200 bảng gắn chip NFC đã được Báo Nhân Dân phối hợp lắp đặt miễn phí tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại mỗi bảng, du khách có thể tương tác thông qua điện thoại để nhận thông tin đa phương tiện: Từ bản đồ, video, ảnh tư liệu, câu chuyện văn hóa lịch sử, đến các tính năng như hướng dẫn viên AI, xây dựng lộ trình cá nhân hóa, tích điểm đổi quà hay nhận chứng nhận số. “Yêu lắm Việt Nam” đã nhanh chóng trở thành một mạng lưới kết nối cảm xúc, lan tỏa trải nghiệm từ cá nhân ra cộng đồng.

Đòn bẩy quảng bá du lịch Việt Nam

Tại Thanh Hóa, vùng đất có tới 858 di tích lịch sử, danh thắng, ngoài Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, xứ Thanh có thêm 2 điểm đến tiêu biểu được lựa chọn để gắn bảng NFC là Đền Bà Triệu và Khu di tích Lam Kinh.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, Đỗ Quang Trọng đánh giá, dự án “Yêu lắm Việt Nam” không chỉ là một sáng kiến sáng tạo giữa công nghệ và văn hóa, mà còn là một bước tiến lớn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản bằng hình thức hiện đại, gần gũi với du khách.

Còn tại Quảng Ninh, nơi có sự giao thoa giữa di sản thiên nhiên và lịch sử được hun đúc qua hàng nghìn năm, các trạm NFC được lắp đặt tại những địa danh mang giá trị đặc biệt như: Khu di tích và danh thắng Yên Tử, Bảo tàng Quảng Ninh, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đảo Cô Tô và Đình Trà Cổ.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh, Nguyễn Lâm Nguyên đánh giá: “Đây là bước đi đúng đắn để kết nối chiều sâu văn hóa với thế mạnh công nghệ, giúp người dân và du khách không chỉ cảm nhận vẻ đẹp mà còn hiểu được giá trị sâu sắc của từng điểm đến. Đặc biệt, các trạm này còn gắn với đường cơ sở lãnh hải, yếu tố quan trọng về chủ quyền quốc gia, làm tăng thêm giá trị chiến lược trong định hướng phát triển du lịch và bảo vệ văn hóa, lịch sử vùng biên giới, hải đảo”…

Tỉnh miền núi Lào Cai với hơn 25 dân tộc cùng sinh sống cũng nhanh chóng triển khai trạm NFC tại các điểm đông khách du lịch như: Sân Quần (Sa Pa), Quảng trường Kim Tân (TP Lào Cai), Cột cờ Lũng Pô (Bát Xát). Đồng chí Sùng A Lềnh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Lào Cai, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết: Chúng tôi xác định rõ, để phát triển du lịch bền vững phải gắn chặt với bảo tồn bản sắc, tăng cường trải nghiệm cho du khách và ứng dụng hiệu quả công nghệ trong truyền thông điểm đến. “Yêu lắm Việt Nam” là cách làm thông minh của Báo Nhân Dân, giúp kể câu chuyện Lào Cai bằng ngôn ngữ trực quan, chân thực, sâu sắc, hấp dẫn hơn. Với thành công đó, trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ nhân rộng mô hình và phát triển những điểm đến được lắp đặt bảng gắn chip NFC như: Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, Đền Thượng, đỉnh Fansipan, Dinh thự Hoàng A Tưởng…

Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Phan Linh Chi khẳng định: “Yêu lắm Việt Nam” là sự hòa quyện giữa giá trị truyền thống và công nghệ hiện đại, “là những hướng dẫn viên số gần gũi, giúp người trẻ thấu hiểu và tiếp nối di sản dân tộc bằng tư duy mới”.

Đánh giá cao sáng kiến đầy tâm huyết và trách nhiệm của Báo Nhân Dân, bà Linh Chi cho biết, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để dự án được triển khai rộng khắp và hiệu quả tại các địa phương. Cục đang xem xét đưa dự án vào nhóm sáng kiến tiêu biểu trong đề án phát triển du lịch thông minh giai đoạn 2025-2030, coi đây là tiền đề để hình thành hệ sinh thái du lịch trải nghiệm cá nhân hóa trên nền tảng số.

Dưới góc nhìn của một nghệ sĩ, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh cho rằng, mỗi trạm NFC là một “chất liệu cảm xúc” cho giới nghệ sĩ sáng tác: “Những vùng đất có bảng NFC không chỉ để check-in, mà là nơi nghệ sĩ tìm thấy cảm hứng. Chúng tôi sẽ mang những vùng đất ấy vào trong âm nhạc, để bạn bè quốc tế biết đến Việt Nam nhiều hơn”.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ, bên cạnh yếu tố công nghệ, tinh thần xuyên suốt của dự án là “tạo kết nối thực chất giữa tỉnh này với tỉnh khác, vùng này với vùng khác”. Với mạng lưới bảng NFC phủ khắp 63 tỉnh, thành phố, dự án “Yêu lắm Việt Nam” góp phần hiện thực hóa hành trình “non sông về một mối” trong thời đại số. Đó là hành trình mà mỗi công dân không phân biệt quốc tịch, nghề nghiệp đều có thể trở thành một đại sứ lan tỏa bản sắc Việt Nam.

HOÀI THU

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ke-cau-chuyen-dat-nuoc-theo-cach-rieng-post873638.html
Zalo