K'Nhất - người Trưởng thôn vượt khó làm kinh tế giỏi

Nhiệt tình, năng động trong mọi công việc, đảng viên K'Nhất - Trưởng thôn Păng Sim, xã Phi Liêng, huyện Đam Rông luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá là một trong những gương tiêu biểu về sự nỗ lực vượt khó làm kinh tế giỏi; là 'đầu tàu' gương mẫu trong các phong trào hoạt động xã hội ở địa phương.

Ông K’Nhất là một trong những đảng viên đồng bào DTTS làm kinh tế giỏi ở xã Phi Liêng

Ông K’Nhất là một trong những đảng viên đồng bào DTTS làm kinh tế giỏi ở xã Phi Liêng

Ông K’Nhất cho biết: Thôn Păng Sim có 224 hộ, trên 800 nhân khẩu, đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên chiếm trên 77%. Hưởng ứng Phong trào Xây dựng nông thôn mới (NTM), Chi bộ, Ban Nhân dân thôn thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực phát triển sản xuất, huy động sức dân tham gia hiến đất làm đường giao thông nông thôn, thắp sáng đường quê; kết hợp trồng hoa, cây xanh, để tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, đồng thời từng bước thay đổi nhận thức, mạnh dạn phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả… Nhờ đó, đến nay, hầu hết người dân trong thôn đã mạnh dạn thực hiện mô hình xen canh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Đến nay, toàn thôn đã có trên 90% số hộ chuyển đổi số diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm; đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước phát triển ổn định, hiện thôn chỉ còn 6 hộ nghèo và 12 hộ cận nghèo.

Ông K’Nhất chia sẻ: “Với vai trò, trách nhiệm của mình, tôi cùng Chi bộ, Ban Nhân dân thôn tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các tiêu chí NTM, NTM nâng cao, Ngày thứ 7 cùng Nhân dân tham gia xây dựng NTM... Đến nay, đường làng ngõ xóm đã được bê-tông hóa, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thôn, xóm được đảm bảo, người dân yên tâm tập trung phát triển sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đã được nâng lên hơn so với trước”.

Bằng sức trẻ, sự cần cù, năng động, mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm ăn hiệu quả, nên từ một gia đình có cuộc sống khó khăn, thiếu trước hụt sau, nay gia đình ông K’Nhất đã có cơ ngơi khá khang trang, với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Với diện tích 4 ha đất sản xuất, ngoài canh tác cà phê, gia đình ông K’Nhất còn đầu tư hàng trăm triệu đồng thực hiện các mô hình nuôi bò, nuôi dê, kết hợp trồng chuối Laba nhưng hiệu quả mang lại không như kỳ vọng, nên ông đã chuyển sang trồng xen 300 cây mắc ca và trồng 0,8 ha dâu nuôi tằm...

“Nhờ biết phát huy lợi thế điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên nhiều năm nay cà phê của gia đình tôi đã cho sản lượng ổn định hơn. Bình quân mỗi năm, gia đình thu trên 8 tấn cà phê nhân. Ngoài ra, gia đình tôi còn có nguồn thu nhập từ cây mắc ca và từ trồng dâu, nuôi tằm. Từ lao động sản xuất, năm 2018, gia đình tôi đã đầu tư 700 triệu đồng xây dựng ngôi nhà mới và năm 2021 đầu tư trên 200 triệu đồng mua xe múc để phục vụ sản xuất của gia đình và người dân trong thôn”, ông K’Nhất nói.

Mặc dù cuộc sống kinh tế đã ổn định, nhưng gia đình ông K’Nhất vẫn còn có những khó khăn, vất vả nhất định. Ngoài việc chăm lo cho các con học đại học, nhiều năm nay, gia đình ông K’Nhất còn nhận chăm sóc hai người cô đã lớn tuổi và nuôi, chăm lo cho người cháu đang học đại học.

Bà K’Líp - Phó Bí thư Đảng ủy xã Phi Liêng nhận xét: “Với vai trò đảng viên giữ chức vụ trưởng thôn ở thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, ông K’Nhất rất nhiệt tình truyền đạt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình xây dựng NTM của xã để hướng dẫn trực tiếp bà con tham gia thực hiện. Bên cạnh đó, ông K’Nhất cùng Chi bộ, Ban Nhân dân thôn đã đưa nghị quyết của Đảng ủy vào cuộc sống người dân với mô hình trồng dâu, nuôi tằm; phát triển mô hình trồng xen các loại cây có giá trị kinh tế cao, cây rau màu; vận động Nhân dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, để đưa năng suất cây trồng ngày càng được tăng cao”.

LAM PHƯƠNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202409/knhat-nguoi-truong-thon-vuot-kho-lam-kinh-te-gioi-46017f1/
Zalo