Loạt bài Megastory: Nuôi bò ảo coi chừng mất tiền thật (Bài cuối): Bài cuối: Chiêu 'hô biến' nuôi bò Úc thành nuôi bò bằng app nạp tiền

Đánh vào lòng tham, mong muốn không làm việc vẫn có thu nhập, các thành viên Công ty TNHH Kỹ thuật Saputo Ranch ra sức “dụ dỗ” con mồi mới với những hứa hẹn có cánh.

Đánh vào lòng tham, mong muốn không làm việc vẫn có thu nhập, các thành viên Công ty TNHH Kỹ thuật Saputo Ranch ra sức “dụ dỗ” con mồi mới với những hứa hẹn có cánh.

Nhưng mới đây, Công an xã Hà Linh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã ngăn cản kịp thời một người phụ nữ suýt thế chấp sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) vay 300 triệu để đầu tư vào app “Nuôi bò” online. Sau khi nghe giải thích, người phụ nữ nhận ra mình đã bị lừa đảo.

“Rất đơn giản! Có 3 cách có thể kiếm tiền từ Công ty TNHH Kỹ thuật Saputo Ranch. Một là: Tải app về đăng kí điểm danh hằng ngày nhận lì xì và các phúc lợi miễn phí từ nền tảng. Hai là: Quảng bá giới thiệu nhiều người biết và tham gia vào nền tảng để nhận lì xì. Ba là: Tham gia gói nhận nuôi bò và thu lợi nhuận tùy theo gói nhận nuôi. Bạn có thể tham gia 1 trong 3 hoặc cả 3 tùy theo mỗi người. Công ty có đầy đủ giấy tờ pháp lý, công khai nên moi người có thể tìm hiểu và an tâm. Ai thiện chí muốn tham gia và kiếm thêm thu nhập có thì liên hệ minh nhé” – Đây là những cách ngồi chơi tiền vẫn rơi đầy túi mà tài khoản Nguyễn Kim Huê đăng tải để mời thêm người tham gia đi nuôi bò ảo.

Tính pháp lý mà các thành viên của Công ty TNHH Kỹ thuật Saputo ranch đưa ra được đăng tải công khai. Theo đó, công ty này đóng tại số 40/4 đường Lam Sơn, phường 2, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh cũng có tên quốc tế là Saputo Ranch engineering company limited. Đáng chú ý, trên hệ thống đăng ký từ mã số thuế cho thấy, công ty này đăng ký đến gần 30 mã ngành nghề kinh doanh. Trong đó, ngành nghề chính là hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khác liên quan đến máy vi tính. Các ngành nghề khác như: đại lý, môi giới, đấu giá, bán buôn thực phẩm, hoạt động dịch vụ tài chính khác chưa được phân vào đâu (trừ bảo hiểm và bảo hiểm xã hội), hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác chưa được phân vào đâu… Trong hàng dài các mã ngành nghề được phép kinh doanh, không có bất cứ ngành nghề nào là… nuôi bò Úc.

Hoạt động thiện nguyện với mác Công ty TNHH kỹ thuật Saputo Ranch do một số đội nhóm tổ chức.

Hoạt động thiện nguyện với mác Công ty TNHH kỹ thuật Saputo Ranch do một số đội nhóm tổ chức.

Tiếp tục tìm hiểu nhiều người là thành viên của Công ty TNHH Kỹ thuật Saputo Ranch, chúng tôi nhận thấy, điểm chung là những thành viên này đều “khoe” các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ học sinh nghèo và hoàn cảnh khó khăn. Tại cuộc gặp với bà T.G., chúng tôi thắc mắc rằng: “Em thấy công ty mình có nhiều hoạt động hỗ trợ người nghèo? Vậy sau này em có được tham gia không và có cần đóng thêm tiền không ạ? – Bà G. nói rằng: “Ở thành phố Biên Hòa, có nhiều nhóm hoạt động riêng lẻ và hoạt động tài trợ này do nhóm khác tổ chức. Chị không biết đến sự kiện này”.

Tuy nhiên, tìm hiểu thêm, chúng tôi phát hiện, thực tế, một nhóm thành viên của Công ty TNHH kỹ thuật Saputo Ranch đã tài trợ cho 11 em học sinh nghèo tại Trường tiểu học Nguyễn Chí Thanh, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa.

Thầy Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, một phụ huynh tên Nguyễn Phương Lan (Phó ban đại diện phụ huynh học sinh nhà trường) đã đề nghị trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó của trường với mong muốn chia sẻ một phần lợi nhuận của công ty. Trước khi nhận sự hỗ trợ, nhà trường đã yêu cầu công ty cung cấp các giấy tờ pháp lý như giấy phép đăng ký kinh doanh…

“Ngoài giấy tờ pháp lý, doanh nghiệp còn đưa những hình ảnh họ làm thiện nguyện khắp nơi trên cả nước nên tôi tin tưởng. Hơn nữa, số học sinh nghèo của trường khá đông nên khi có doanh nghiệp trao học bổng cho các em, nhà trường không từ chối” – thầy Tuấn chia sẻ.

Theo đó, đại diện của Công ty TNHH Kỹ thuật Saputo Ranch đã trực tiếp trao 11 phần học bổng (2 triệu đồng/ phần học bổng) cho học sinh vào ngày 22-8 vừa rồi. Đây là lần đầu tiên công ty thực hiện hoạt động này. Tại đây, phía doanh nghiệp có chụp hình trao học bổng cho các em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Thầy Tuấn bày tỏ: “Tôi nghĩ rằng hành động chụp hình trao học bổng cho các em học sinh này là bình thường, không vi phạm pháp luật. Nhưng nếu họ lấy hình ảnh đó để lừa đảo thì là câu chuyện của pháp luật và nằm ngoài khả năng của nhà trường. Nếu nhà trường biết công ty dùng hình ảnh của học sinh và nhà trường để sử dụng vào những việc làm không tốt, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chắc chắn, chúng tôi sẽ yêu cầu đơn vị này không được sử dụng hình ảnh nhà trường”.

Theo lời chia sẻ của bà N.T.T.G - đại diện văn phòng của Công ty TNHH Kỹ Thuật Saputo Ranch tại Đồng Nai, tập đoàn Saputo - một trong 10 nhà cung cấp sữa lớn nhất thế giới hiện đang mở rộng thị trường sang khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam. Công ty Saputo Ranch đang hoạt động tại Việt Nam, và mới đây đã có văn phòng đại diện tại Đồng Nai là một chi nhánh của tập đoàn này. Trụ sở chính của Saputo Ranch tại quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ đại diện cho tập đoàn mẹ (Saputo) về mặt pháp lý mà còn bảo vệ quyền lợi pháp lý cho người Việt Nam tham gia vào các dự án của tập đoàn.

“Khác với các doanh nghiệp sữa lớn như TH hay Vinamilk, thường sử dụng các phương tiện truyền thông truyền thống như đài truyền hình hoặc đội ngũ tiếp thị trực tiếp để quảng bá sản phẩm, Saputo với quy mô đa quốc gia chọn cách tiếp cận hiện đại hơn. Trong thời đại kỹ thuật số, khi công nghệ 4.0 đã phát triển mạnh mẽ và điện thoại thông minh trở nên phổ biến, từ em bé cho đến người già đều có trên tay chiếc điện thoại thông minh. Chính vì vậy, Saputo tận dụng điều này để quảng bá thương hiệu”.

Từ những lời “có cánh”, người nghe sẽ cho rằng khi tham gia vào những hoạt động của Saputo Ranch là họ đang được làm việc cho tập đoàn Saputo, là một thương hiệu có uy tín trên thế giới, và tất cả những cách thức nạp tiền hay kêu gọi người tham gia đều là hoạt động “quảng bá cho thương hiệu”.

Một hợp đồng nuôi bò có giá trị 4.200.000 đồng, thời hạn nhận nuôi hơn 3 tháng.

Một hợp đồng nuôi bò có giá trị 4.200.000 đồng, thời hạn nhận nuôi hơn 3 tháng.

Hằng ngày, ông Vũ Minh Tuấn - là người chủ trì (hay còn gọi là mentor) đều có buổi họp trực tuyến thông qua nên tảng Zoom vào lúc 8h tối. Theo ông Tuấn, người chơi cần phải đi học đầy đủ để có kiến thức phát triển đội nhóm, chia sẻ tuyến dưới. “Điều đầu tiên cần phải nói với tuyến dưới là chúng ta đang tham gia vào dự án chăn nuôi công nghệ có thật 100%, tham gia theo tinh thần tự nguyện, không ép buộc bỏ tiền. Dù không tham gia bất kỳ dịch vụ chăn nuôi nào, chúng ta đều có thể lên cấp độ VIP bằng các thành viên trong đội nhóm.

Trong buổi họp, đã có người đưa ra câu hỏi cho ông Tuấn rằng: “Em mới tham gia app này, nếu tham gia gói chăn nuôi mà không may nền tảng bị sập thì em tìm ai để lấy lại tiền của mình ạ”. Để trấn an, ông Tuấn khẳng định: “Các ban hiểu là đây là tập đoàn lớn hàng đầu trên thế giới thì sẽ có sự bảo hộ của Nhà nước (?). Một tập đoàn lớn không thể nói dừng là dừng ngay được và khi muốn hoạt động thì người ta phải xin cấp phép vài năm, rồi phải thẩm định, điều tra… mới cấp phép kinh doanh. Ở đây, có bạn nào mang giấy phép kinh doanh của tập đoàn lên cơ quan chức năng để kiểm tra rồi thì các bạn có thể hoàn toàn yên tâm”.

Ông Tuấn nhấn mạnh, đầu tư vào Saputo Ranch sẽ nhận được lợi nhuận từ những chú bò. Mức lợi nhuận này sẽ cao hơn so với các loại đầu tư khác ở Việt Nam và an toàn hơn so sánh với đầu tư cổ phiếu… Theo Vietnamnet, ngày 27-8, Công an xã Hà Linh (Hương Khê, Hà Tĩnh) cho biết, đơn vị vừa ngăn cản kịp thời một người phụ nữ suýt thế chấp sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) vay 300 triệu để đầu tư vào app “Nuôi bò” online.

Người nhận nuôi bò ảo chuyển khoản để thanh toán.

Người nhận nuôi bò ảo chuyển khoản để thanh toán.

Theo lời kể của chị N. T. T., chị đọc được bài viết của một người dùng Facebook tên Đức Tiến viết trên không gian mạng với nội dung: “Muốn mua đồ mà không nhìn giá, hãy lao động mà không nhìn đồng hồ”. Chị T. đã kết bạn, làm quen với người này và bị rủ đầu tư vào app “Nuôi bò”.

Thấy lợi nhuận cao nên chị T. đã chuyển cho các đối tượng số tiền 80 triệu đồng và được trả lãi ban đầu là 21,5 triệu đồng. Sau đó, các đối tượng tiếp tục yêu cầu chị chuyển thêm 300 triệu đồng để có lãi suất cao hơn.

Tuy nhiên, khi chuẩn bị thực hiện giao dịch thì Công an xã Hà Linh đã kịp thời phát hiện. Nhận được thông tin, lực lượng Công an xã Hà Linh đã nhanh chóng tiếp cận, tuyên truyền và giải thích cho chị T. về những rủi ro và khả năng bị lừa đảo. Tuy nhiên, chị T. vẫn kiên quyết thực hiện giao dịch.

Sau đó, Công an xã Hà Linh đã mời chị T. đến trụ sở công an để giải thích về các vụ lừa đảo tương tự đang diễn ra trên không gian mạng. Sau khi nghe giải thích, chị T. nhận ra mình đã bị lừa đảo.

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/audio/202409/loat-bai-megastory-nuoi-bo-ao-coi-chung-mat-tien-that-bai-cuoi-bai-cuoi-chieu-ho-bien-nuoi-bo-uc-thanh-nuoi-bo-bang-app-nap-tien-0674bab/
Zalo