Israel sẵn sàng ra đòn kết thúc Hamas, hi vọng chấm dứt xung đột tuột khỏi tay Trump?
Khi Tổng thống Trump tiếp đón Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng vào đầu tháng 4/2025, một trong số các nhà báo có mặt đã nhắc ông chủ Nhà Trắng về cam kết trong chiến dịch tranh cử năm 2024: chấm dứt cuộc chiến tại Gaza. Lời hứa đó, cho đến nay, vẫn chưa trở thành hiện thực.
Hi vọng chấm dứt xung đột của ông Trump ngày càng phai nhạt khi Israel phá vỡ lệnh ngừng bắn vốn đã mong manh, nối dài cuộc chiến hơn 1 năm qua với Hamas bằng các đợt không kích dữ dội vào Gaza. Dù vậy, ông Trump vẫn tỏ ra lạc quan về màn kết của cuộc chiến hiện thời ở dải đất này.
“Tôi muốn cuộc chiến này kết thúc. Và tôi tin rằng điều đó sẽ xảy ra trong tương lai gần", ông Trump nói.
Nhưng chỉ một tháng sau, viễn cảnh hòa bình đã trở nên xa vời hơn bao giờ hết. Trong một tuyên bố đầu tuần này, ông Netanyahu cảnh báo về một “sự leo thang xung đột mạnh mẽ” khi chính phủ nước này được cho là đang huy động hàng chục nghìn quân dự bị để chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự mới tại Gaza. Bộ trưởng Tài chính Israel mới đây tuyên bố Tel Aviv sẽ "chiếm đóng Gaza", quyết không rút quân ngay cả khi đạt thỏa thuận con tin nhằm xóa sổ hoàn toàn sự hiện diện của Hamas tại vùng đất này.
Nhiều tiếng nói cứng rắn trong chính phủ Israel cũng cho rằng chỉ có vũ lực mới đủ sức gây áp lực buộc Hamas phải trả tự do cho hơn 20 con tin còn bị giam giữ. Tuy nhiên, giới phân tích đang lo ngại rằng bất kỳ động thái leo thang nào của Israel vào thời điểm này đều có thể đập tan những triển vọng mong manh còn lại về một thỏa thuận hòa bình.

Ông Trump (trái) và ông Netanyahu (phải). Ảnh: Reuters
Hiện dư luận vẫn đang theo dõi sát sao cách ông Trump sẽ phản ứng trước lời cảnh báo của Thủ tướng Israel. Sau một loạt nỗ lực ngoại giao con thoi nhằm giải cứu con tin và tìm kiếm một giải pháp hòa bình lâu dài, ông Trump và các cộng sự dường như đã đặt sự chú ý của mình vào việc giải quyết một cuộc chiến khác đang diễn ra ở Ukraine.
“Ngay từ đầu nhiệm kỳ, những lời hứa của ông Trump đều xoay quanh Gaza. Nhưng một khi lệnh ngừng bắn sụp đổ, ông Trump dường như đã sao nhãng khỏi những lời hứa ban đầu", ông Ilan Goldenberg, cựu quan chức Trung Đông phục vụ dưới dưới thời chính quyền các cựu Tổng thống Obama và Biden, nhận xét.
Tuần tới, Tổng thống Trump sẽ thực hiện chuyến công du Trung Đông, với các chặng dừng tại Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Một cuộc leo thang mới ở Gaza ngay trước hoặc trong chuyến đi có thể trở thành minh chứng rõ ràng rằng cam kết “mang lại hòa bình” của ông chủ Nhà Trắng đang đứng trước bờ vực thất bại. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng ông Trump, vốn nổi tiếng với phong cách lãnh đạo khó đoán, sẽ hoan nghênh các bước đi cứng rắn của Israel, nhất là khi chúng được trình bày như “những đòn kết thúc” nhằm quét sạch Hamas khỏi Dải Gaza, theo lời các quan chức quân sự Israel.
Trên thực tế, ông Trump từng cảnh báo Hamas rằng tình hình sẽ “trở nên tồi tệ” nếu lực lượng này không trả tự do cho các con tin còn lại. Quan điểm này có thể đã đặt nền móng cho chính sách Trung Đông độc đáo dưới thời Trump - điều mà nhiều nhà phân tích cho là khác biệt rõ rệt so với chính quyền người cựu Tổng thống Biden.
Ông Michael Makovsky, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Viện Do Thái vì An ninh Quốc gia Mỹ, nhận xét rằng Tổng thống Trump ít quan tâm đến chiến dịch quân sự tại Gaza hơn so với người tiền nhiệm. Sau cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas, nhóm của ông Biden đã nhanh chóng triển khai một chiến dịch ngoại giao con thoi nhằm kiềm chế hậu quả nhân đạo và tìm cách chấm dứt xung đột ở Gaza, dù thường xuyên bị chỉ trích là "quá mềm mỏng" với Israel.
“Giữa ông Trump và ông Biden có một sự khác biệt như ngày và đêm. Các quan chức Israel không còn nhận được các cuộc gọi liên tục từ Nhà Trắng như trước đó", ông Makovsky nhận xét.
Theo Axios, nếu không đạt được thỏa thuận với Hamas vào thời điểm ông Trump kết thúc chuyến công du, Israel sẽ khởi động một chiến dịch trên bộ mới ở Gaza. Ông Makovsky, người đã tham dự các cuộc họp với quan chức cấp cao Israel gần đây, xác nhận điều này trùng khớp với thông tin mà ông nắm được.
Cũng có thể, trọng tâm trong chuyến công du Trung Đông của ông Trump hiện đã chuyển sang mối quan ngại lớn hơn: Iran. Theo ông Makovsky, ông Trump đang dồn sức vào các nỗ lực ngoại giao mới nhằm ngăn Tehran đạt được năng lực hạt nhân.
Điều đó cũng thể hiện rõ qua vai trò ngày càng mở rộng của ông Steve Witkoff - Đặc phái viên Trung Đông dưới thời Tổng thống Trump. Hiện nay, ông Witkoff dường như đã thay thế người đồng cấp Keith Kellogg để xử lý cùng lúc nhiều hồ sơ quan trọng, bao gồm cả Iran và Ukraine. Đáng chú ý, trong vài tháng gần đây, ông Witkoff đã có tới 4 cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho thấy vai trò quan trọng của ông trong các vấn đề địa chính trị then chốt.
Cho đến nay, Ngoại trưởng Marco Rubio cũng chưa để lại nhiều dấu ấn trong hồ sơ Israel. Ông Rubio vẫn chưa đến thăm quốc gia đồng minh thân cận này kể từ khi được bổ nhiệm làm Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ.
Trong một tuyên bố ngày 5/5, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Brian Hughes, cho biết Tổng thống Trump “vẫn cam kết việc trả tự do cho các con tin và chấm dứt quyền kiểm soát của Hamas tại Gaza, đồng thời nhấn mạnh rằng “toàn bộ trách nhiệm cho cuộc xung đột và việc giao tranh tiếp diễn thuộc về Hamas”.