Israel nổ súng cảnh cáo khi người Palestine tràn vào trung tâm cứu trợ mới tại Gaza
Hàng nghìn người Palestine đã tràn vào một trung tâm phân phối lương thực do Mỹ hậu thuẫn tại Rafah, khiến quân đội Israel phải nổ súng cảnh cáo và triển khai trực thăng quân sự để kiểm soát tình hình trong bối cảnh hỗn loạn.

Người dân Palestine nhận hàng viện trợ tại Dải Gaza. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tờ Politico ngày 27/5, vụ việc xảy ra vào ngày thứ ba kể từ khi Quỹ Nhân đạo Gaza (GHF) bắt đầu hoạt động tại trung tâm cứu trợ đặt ở khu vực Muwasi, ngoại ô thành phố Rafah, phía Nam Dải Gaza. GHF là tổ chức do Mỹ hậu thuẫn và được Israel cho phép triển khai. Trong bối cảnh thiếu lương thực nghiêm trọng kéo dài gần ba tháng do Israel phong tỏa, hàng trăm nghìn người Palestine đã tìm đến trung tâm này, vượt qua hàng rào kiểm soát và tranh giành các thùng hàng cứu trợ.
Một phóng viên có mặt tại hiện trường cho biết đã nghe tiếng xe tăng, tiếng súng và chứng kiến trực thăng quân sự Israel bắn pháo sáng phía trên. Quân đội Israel sau đó xác nhận đã bắn cảnh cáo bên ngoài khu vực trung tâm và tuyên bố đã kiểm soát được tình hình.
Theo ghi nhận, ít nhất ba người Palestine bị thương đã được đưa khỏi khu vực. Nhân chứng cho biết đám đông hoảng loạn tháo chạy và phần lớn ra về tay không dù đã vượt quãng đường dài để đến trung tâm cứu trợ.
Một số người dân cho biết họ phải đi bộ nhiều dặm từ các trại tị nạn dọc bờ biển Địa Trung Hải, vượt qua các chốt kiểm soát quân sự của Israel. Dù trung tâm đã áp dụng biện pháp kiểm tra an ninh và nhận diện khuôn mặt, lượng người đổ về quá đông khiến trật tự nhanh chóng bị phá vỡ. Các nhân viên tại hiện trường buộc phải rút lui theo đúng quy trình an toàn.
Trong thông cáo, GHF cho biết số lượng người quá lớn khiến họ phải tạm thời ngừng phát hàng để bảo đảm an toàn, đồng thời khẳng định không có phát súng nào được bắn ra từ phía nhân viên cứu trợ.
GHF hiện điều hành bốn trung tâm phân phối trên toàn Gaza, trong đó có hai trung tâm tại Rafah đã bắt đầu hoạt động từ ngày 26/5. Tổ chức này thuê các công ty an ninh tư nhân có vũ trang để bảo vệ các điểm phân phối và đảm bảo hậu cần. Một số trung tâm được đặt gần các vị trí quân sự của Israel, trong đó có khu vực Hành lang Morag - dải đất chia cắt giữa Rafah và phần còn lại của Gaza.
Liên hợp quốc và nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế đã từ chối tham gia mạng lưới do GHF vận hành. Các tổ chức này cho rằng hệ thống mới không đáp ứng được nhu cầu của khoảng 2,3 triệu người dân Gaza, đồng thời lo ngại việc sử dụng thực phẩm như công cụ kiểm soát và việc áp dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt có thể vi phạm các nguyên tắc nhân đạo quốc tế.
Phát biểu cùng ngày, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thừa nhận đã có “một số mất kiểm soát trong giây lát” tại trung tâm phân phối nhưng cho biết tình hình đã nhanh chóng được kiểm soát. Ông nhắc lại kế hoạch của Israel nhằm di dời dân thường Gaza đến khu vực phía Nam trong khi chiến dịch quân sự tiếp tục diễn ra ở các vùng khác.
Chính phủ Israel khẳng định hệ thống cứu trợ mới là cần thiết do cáo buộc lực lượng Hamas chiếm đoạt các nguồn viện trợ - điều bị Liên hợp quốc bác bỏ. Trong khi đó, hệ thống viện trợ do Liên hợp quốc điều phối vẫn hoạt động hạn chế tại một số khu dân cư, chủ yếu phân phối lương thực và thuốc men.
Cùng ngày, COGAT - cơ quan điều phối viện trợ của quân đội Israel - cho biết có khoảng 400 xe tải hàng cứu trợ đang chờ tại cửa khẩu chính vào Gaza. Tuy nhiên, các cơ quan của Liên hợp quốc chưa thể tiếp nhận do lo ngại về mức độ an toàn trên các tuyến đường mà Israel chỉ định.
Phát ngôn viên Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), ông Jens Laerke, cho biết tại Geneva rằng các tuyến đường được Israel đề xuất “không bảo đảm an toàn”, trong khi lượng viện trợ được phép đưa vào trong tuần qua là “hoàn toàn không đủ” để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân Gaza.