Israel có nguy cơ bị gạt khỏi trọng tâm chiến lược Trung Đông của ông Trump

Chuyến công du của ông Trump phản ánh sự dịch chuyển chiến lược rõ rệt, khi Israel dần mất vai trò trung tâm trong chính sách Trung Đông của Mỹ.

Chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuần qua đã làm nổi bật một thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại của Washington, khi ông ưu tiên tăng cường quan hệ với các quốc gia vùng Vịnh như Ả Rập Saudi, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), đồng thời thu hẹp vai trò của Israel - đồng minh thân cận trong khu vực.

Hình ảnh ông Trump bắt tay Tổng thống Syria Ahmed al-Sharaa tại cung điện hoàng gia ở Riyadh cho thấy bước ngoặt trong cách tiếp cận của Mỹ tại khu vực. Ông Sharaa từng là lãnh đạo lực lượng nổi dậy lật đổ chính quyền Syria cũ và bị Israel chỉ trích mạnh mẽ. Tuy nhiên, ông Trump nhận xét ông Sharaa là một người có năng lực lãnh đạo, đồng thời tuyên bố sẽ dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt nhằm tạo điều kiện cho Syria phục hồi kinh tế.

Các nguồn tin khu vực và phương Tây cho rằng, thông điệp từ chuyến đi là rõ ràng: ông Trump đang thúc đẩy một trật tự mới do các nước Hồi giáo dòng Sunni dẫn dắt, trong đó Ả Rập Saudi giữ vai trò trung tâm, còn Israel không còn là trọng tâm ưu tiên. Dù vẫn nhấn mạnh mối quan hệ đồng minh với Israel, chính quyền Mỹ được cho là muốn truyền đi thông điệp về việc sự ủng hộ không còn là tuyệt đối, nhất là khi các ưu tiên chiến lược bị thách thức.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt chân tới Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, hoàn tất chặng cuối trong chuyến công du vùng Vịnh. Ảnh: X.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt chân tới Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, hoàn tất chặng cuối trong chuyến công du vùng Vịnh. Ảnh: X.

Một phần nguyên nhân xuất phát từ khác biệt quan điểm ngày càng rõ giữa ông Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Chính quyền Mỹ được cho là không hài lòng khi ông Netanyahu phản đối các nỗ lực thúc đẩy ngừng bắn tại Gaza cũng như các cuộc đối thoại hạt nhân với Iran. Một số cố vấn nhận định rằng phía Israel chưa đưa ra đề xuất cụ thể nhằm hỗ trợ các mục tiêu chung, khiến quan hệ giữa hai bên có dấu hiệu căng thẳng.

Theo nhận định của cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Schenker, chính quyền hiện tại đang ngày càng thiếu kiên nhẫn với ông Netanyahu. Ông cho rằng Washington ưu tiên cách tiếp cận thực chất và có đi có lại, trong khi Israel chưa đưa ra đề xuất cụ thể nào đáp ứng kỳ vọng đó.

Chuyến công du của ông Trump cũng ghi nhận hàng loạt thỏa thuận kinh tế và quốc phòng quy mô lớn với các đối tác vùng Vịnh. Tổng giá trị các cam kết hợp tác được công bố ước tính lên tới gần 700 tỷ USD, bao gồm các đơn hàng máy bay, thiết bị quân sự, công nghệ dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Riêng thỏa thuận mua sắm vũ khí với Ả Rập Saudi đã đạt mức cao kỷ lục, khoảng 142 tỷ USD.

Đáng chú ý, ông Trump cũng cho biết Mỹ đang đàm phán nghiêm túc với Iran về khả năng đạt được một thỏa thuận hòa bình lâu dài. Đây là hướng đi trái ngược với lập trường cứng rắn của ông Netanyahu, người kêu gọi Mỹ ủng hộ các biện pháp mạnh nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran.

Các động thái này khiến truyền thông Israel đưa ra nhận định vị thế của nước này đang bị giảm sút trong chính sách Trung Đông của Mỹ. Một số chính trị gia đối lập tại Israel cho rằng chính phủ hiện tại đang lúng túng trước những thay đổi chiến lược của đồng minh quan trọng nhất.

Tại Qatar, ông Trump được đón tiếp trọng thị và công bố nhiều thỏa thuận hợp tác. Trong bài phát biểu, ông đánh giá cao vai trò của Qatar trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng con tin ở Gaza, dù quốc gia này từng bị Israel cáo buộc có liên hệ tài chính với Hamas. Giới chuyên gia nhận định, Mỹ vẫn xem Qatar là đối tác chiến lược nhờ nguồn lực tài chính mạnh và vai trò địa chính trị, đặc biệt khi đây là nơi đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông.

Trong khi đó, ông Netanyahu vẫn duy trì lập trường coi việc vô hiệu hóa lực lượng Hamas tại Gaza là ưu tiên hàng đầu, dù đối mặt với nhiều lời kêu gọi quốc tế về một giải pháp hậu xung đột. Các chiến dịch quân sự vẫn tiếp tục, trong khi Mỹ thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao, làm nổi bật sự khác biệt trong cách tiếp cận giữa hai bên.

Đọc thêm: Trung Quốc siết xuất khẩu đất hiếm, chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt thử thách lớn

Một số ý kiến cho rằng ông Trump đang dịch chuyển sang các đối tác kinh tế năng động như Ả Rập Saudi và UAE, những nước quan tâm cả vũ khí hiện đại lẫn công nghệ tiên tiến như AI và chip điện tử.

Trong bài phát biểu tại Riyadh, ông Trump nói về “một tương lai tươi sáng cho Trung Đông”, với trọng tâm là hợp tác và phát triển. Ông hầu như không đề cập đến Israel, thay vào đó ca ngợi các quốc gia vùng Vịnh như những hình mẫu hiện đại. Diễn biến này cho thấy Mỹ dưới thời ông Trump đang điều chỉnh lại ưu tiên chiến lược, trong đó vai trò của Israel, đặc biệt dưới thời ông Netanyahu, có dấu hiệu giảm dần.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/israel-co-nguy-co-bi-gat-khoi-trong-tam-chien-luoc-trung-dong-cua-ong-trump.707713.html
Zalo