Iran xuyên thủng hệ thống phòng không của Israel như thế nào?

Chiến lược của Iran là phóng ồ ạt hàng trăm tên lửa vào Israel, khiến hệ thống phòng không lừng danh của đối thủ bị quá tải và 'lọt lưới'.

Tối 1-10, hàng triệu người Israel chạy xuống hầm trú ẩn khi tiếng còi báo động không kích vang lên. Theo trang TRT World, đợt bắn 180 tên lửa đạn đạo từ Iran một lần nữa chứng minh rằng hệ thống phòng không của Israel không hề bất bại.

Israel tuyên bộ chặn "phần lớn" tên lửa đạn đạo, nghĩa là tỉ lệ thấp hơn 100%. Trong khi đó, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) khẳng định 90% tên lửa bắn trúng mục tiêu.

"Iran dùng chiến lược phóng ồ ạt tên lửa, nhiều đến mức choáng ngợp, khiến Israel phải lựa chọn nên chặn tên lửa nào và để tên lửa nào lọt qua trong khoảng thời gian hạn chế" - chuyên gia Samuel Hickey thuộc Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến vũ khí nhận định.

Vòm Sắt đánh chặn các tên lửa phóng từ Dải Gaza, nhìn từ TP Ashkelon của Israel hôm 9-10-2023. Ảnh: Reuters

Vòm Sắt đánh chặn các tên lửa phóng từ Dải Gaza, nhìn từ TP Ashkelon của Israel hôm 9-10-2023. Ảnh: Reuters

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến tranh, số lượng lớn tên lửa Iran phóng trong cuộc tấn công gần đây nhằm vào một số khu vực nhỏ nhưng có mật độ dân cư cao ở miền Trung Israel. Điều này đồng nghĩa tất cả tên lửa lao tới những nơi này đều cần phải chặn lại. "Sự gia tăng về số lượng tên lửa đạn đạo nhằm gây quá tải hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow" - báo cáo ghi.

Hệ thống phòng không của Israel có 3 tầng. Tầng dưới cùng là Vòm Sắt, chặn tên lửa tầm ngắn, tên lửa đất đối đất có tầm bắn tối đa 70 km. Tầng ở giữa là David's Sling, chặn tên lửa tầm trung có tầm bắn lên tới 300 km. Tầng thứ 3 là Arrow 2 và Arrow 3, chặn tên lửa tầm trung và tầm xa có tầm bắn lên tới 2.000 km.

Một số khẩu đội hệ thống phòng không di động được triển khai quanh các thành phố lớn, giúp Israel phát hiện mọi thiết bị trước khi chúng xâm nhập không phận. Dựa trên quỹ đạo của phương tiện đang bay tới, hệ thống sẽ nhanh chóng ước tính vị trí va chạm.

Nếu vị trí va chạm cách xa khu vực đông dân cư hoặc cơ sở quân sự, hệ thống sẽ cho phép tên lửa hạ xuống đất. Ngược lại, hệ thống sẽ bắn tên lửa đánh chặn để phá hủy mối đe dọa.

Truyền thông Iran công bố video phóng tên lửa tấn công Israel

Ông Hickey cho biết Tel Aviv biết được điểm yếu này và dường như đã dự đoán một số tên lửa có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ. "Ngay cả với thành tích đánh chặn tốt, cuộc đua tấn công - phòng thủ vẫn nghiêng hẳn về phe tấn công" - ông nói.

Vị chuyên gia này nhận định thêm mỗi cuộc tấn công, đặc biệt nếu lần đó hệ thống phòng thủ bị phá vỡ, đều cung cấp dữ liệu để cải thiện thuật toán, chiến thuật và công nghệ đánh chặn.

"Israel có khả năng phân tích mọi điểm yếu hoặc thất bại trong phản ứng phòng thủ tên lửa và sẽ điều chỉnh cho phù hợp. Các quốc gia khác chỉ có thể vượt qua hệ thống phòng thủ bằng cách tấn công dồn dập vào những khu vực trọng yếu với lượng lớn tên lửa cùng lúc" - ông Hickey lập luận.

Vụ việc hôm 1-10 là đợt tấn công bằng tên lửa đạn đạo lớn nhất vào một quốc gia trong lịch sử thế giới. Đây cũng là lần thứ 3 hệ thống của Israel bị phá vỡ bởi số lượng lớn vũ khí xâm nhập không phận cùng một lúc. Lần đầu là hôm 8-10-2023, trước đòn tập kích bất ngờ từ Hamas. Lần thứ hai là hôm 15-4 từ Iran, trong cuộc tấn công trực diện đầu tiên của Iran vào Israel.

Phương Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/iran-xuyen-thung-he-thong-phong-khong-cua-israel-nhu-the-nao-196241003161029177.htm
Zalo