Internet Việt Nam chuyển đổi hoàn toàn sang IPv6 trong 7 năm tới
Việt Nam triển khai chuyển đổi IPv6 only, tiến tới ngừng sử dụng IPv4 vào năm 2032, sẵn sàng cho giai đoạn Internet vạn vật (IoT). Việc này diễn ra dần dần, gắn với việc đổi mới về công nghệ, tạo ra các giá trị mới từ IoT, 5G, 6G,...
Địa chỉ IP (Internet Protocol Address) là khái niệm gần gũi với người dùng Internet, chỉ một dãy số hoặc dãy ký tự duy nhất được gán cho mỗi thiết bị khi kết nối với Internet để xác định và tìm ra vị trí của nó. IPv6 là giao thức Internet phiên bản 6, là tiêu chuẩn Internet để triển khai toàn cầu thay thế cho IPv4 hiện đã cạn kiệt.
Địa chỉ IPv6 có chiều dài 128 bit, gấp 4 lần của IPv4. Do đó, lượng địa chỉ Internet được mở rộng từ khoảng hơn 4 tỷ địa chỉ (của IPv4 toàn cầu) lên tới một con số khổng lồ mà nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta không thể dùng hết địa chỉ IPv6.
IPv6 có nhiều lợi ích hơn IPv4. Trong đó, IPv6 cung cấp giải pháp để giải quyết vấn đề cạn kiệt không gian địa chỉ toàn cầu do nhu cầu sử dụng địa chỉ IP ngày càng tăng (do IPv4 sử dụng địa chỉ 32 bit trong khi IPv6 sử dụng địa chỉ 128 bit). IPv6 cung cấp độ tin cậy và tốc độ xử lí nhanh hơn, hỗ trợ các địa chỉ phát đa hướng.
Cùng với đó, IPv6 cũng có khả năng bảo mật mạng tốt hơn IPv4 do IPv6 có IPSecurity, đảm bảo quyền riêng tư và tính toàn vẹn của dữ liệu, củng cố hiệu quả định tuyến.
Trao đổi với VietTimes, lãnh đạo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho rằng việc chuyển đổi IPv6 only gắn với việc đổi mới về công nghệ, tạo ra các giá trị mới, đột phá, ngừng sử dụng IPv4 sẽ diễn ra dần dần, đồng bộ với thế giới. Việc tắt hoàn toàn IPv4, chuyển đổi mạng Internet Việt Nam sang IPv6 là xu thế tất yếu để phát triển Internet vạn vật, Internet công nghiệp với các dịch vụ mới như IoT, Cloud Computing, 5G, 6G.
Năm 2025 là thời gian cuối cùng để thực hiện 3 bước cuối trong 3 giai đoạn – 10 bước chuyển đổi IPv6 trong cơ quan Nhà nước. Đối với cơ quan Nhà nước, chuyển đổi IPv6 cho hạ tầng số kết hợp với tái cấu trúc hạ tầng mạng theo hướng hiện đại, an toàn từ gốc, phục vụ phát triển lâu dài hoạt động mạng, dịch vụ của cơ quan Nhà nước.
Theo kế hoạch từ năm 2026, IPv6 only với quy mô nhỏ, nội bộ được triển khai. Đồng thời, các hệ thống mới hỗ trợ IPv6 only ngay từ đầu để tạo ra các đột phá, dịch vụ, giá trị mới từ IoT, 5G, 6G, Internet công nghiệp, các hạ tầng Cloud, các mạng, ứng dụng điểm, điển hình.
Từ năm 2027 đến 2030, triển khai IPv6 only đồng bộ trên toàn bộ mạng Internet Việt Nam và ngừng sử dụng IPv4. Sau đó, từ năm 2030 đến năm 2032, thực hiện rà soát và loại bỏ IPv4 trên các hệ thống đặc thù. Từ năm 2032, Internet Việt Nam ngừng sử dụng IPv4 và chuyển đổi hoàn toàn sang IPv6 only.
Việc chuyển đổi IPv6 only gắn với việc đổi mới về công nghệ, tạo ra các giá trị mới, đột phá, ngừng sử dụng IPv4 sẽ diễn ra dần dần, đồng bộ với thế giới, ngừng sử dụng IPv4 từng phần hướng tới chỉ sử dụng IPv6 only.
Dẫn số liệu từ Tổ chức Quản lý tên miền và số quốc tế (ICANN), VNNIC cho biết địa chỉ IPv4 cạn kiệt từ năm 2011. Hiện nay, Bắc Mỹ, Mỹ La-tin, châu Âu không cấp phát IPv4 do đã cạn kiệt hoàn toàn. Châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) và châu Phi (AFRINIC) còn số lượng rất ít IPv4, đang cấp hạn chế IPv4 và dự báo cạn kiệt trong 2-3 năm tới.
Tiêu chuẩn công nghệ về IPv4 đã dừng phát triển. Các tiêu chuẩn mới cho IPv6, IPv6 only đã được hoàn thiện, ứng dụng rộng rãi.
VNNIC đánh giá, việc chuyển đổi sử dụng thuần IPv6 (IPv6 only) đang được triển khai ở các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu, là trọng tâm giai đoạn 2026-2030. Một số quốc gia công bố lựa chọn mốc 2028, 2030, 2032 để chuyển đổi sang IPv6 only, tắt dần mạng IPv4 (như Trung Quốc, Mỹ, Cộng hòa Séc, Malaysia).
Cạn kiệt IPv4 tạo ra cuộc khủng hoảng về tài nguyên IP, ảnh hưởng đến phát triển hạ tầng, dịch vụ Internet mới, đặc biệt là các dịch vụ tiêu tốn nhiều IP như Cloud, IoT, Smart City,.... Một số giải pháp tạm thời là chuyển đổi địa chỉ IP, mua bán, chuyển nhượng IPv4 trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, việc này làm giảm hiệu quả và tăng độ trễ của dịch vụ, một số dịch vụ không thể chuyển đổi địa chỉ hoặc yêu cầu bắt buộc khách hàng muốn cấp IP cố định, như các dịch vụ Cloud, Leasedline, VPN,...
Chuyển nhượng IPv4 thì chí phí lớn, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khó thể chuyển nhượng IP. Chi phí thị trường quốc tế lên tới khoảng 25.600 USD (tương đương 650 triệu đồng). Chậm triển khai IPv6 tạo ra thách thức, rào cản cho sự phát triển hạ tầng và dịch vụ trên Internet.