Kiến tạo hệ sinh thái y tế mới, khai mở thị trường tỷ USD

Trong bối cảnh mô hình bệnh tật tại Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển giao, GS-BS. Nguyễn Thu Anh, Viện trưởng Viện Đại học Sydney Việt Nam cho rằng, TP.HCM cần tập trung vào 3 trụ cột để tái định hình hệ sinh thái mới cho ngành y tế, bao gồm phát triển và ứng dụng công nghệ trong y tế, đẩy mạnh công nghệ sinh học, sản xuất và xuất khẩu thực phẩm chức năng.

GS-BS. Nguyễn Thu Anh, Viện trưởng Viện Đại học Sydney Việt Nam

GS-BS. Nguyễn Thu Anh, Viện trưởng Viện Đại học Sydney Việt Nam

Kiến tạo hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe mới

Thưa bà, trong bối cảnh TP.HCM đang tiếp tục định vị mình là trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước và y tế được xem như một lĩnh vực mũi nhọn, đâu là những hướng đi chiến lược để định hình vai trò của ngành này trong tăng trưởng kinh tế bền vững của Thành phố?

Trong bối cảnh mở cửa và hội nhập sâu rộng, mô hình bệnh tật tại Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển giao, kết hợp cả mô hình bệnh tật của những quốc gia đang phát triển và những quốc gia phát triển, đó là gia tăng cả bệnh lây nhiễm và bệnh mạn tính. Trong bối cảnh đó, TP.HCM năng động sáng tạo có thể biến nguy thành cơ, nhanh chóng thay đổi mô hình cung cấp dịch vụ y tế để đáp ứng được nhu cầu ngày càng gia tăng cho trên 10 triệu dân TP.HCM và rộng hơn là trên 35 triệu dân khu vực phía Nam.

Chính sách là rào cản cần sớm tháo gỡ

Thủ tục pháp lý hiện tại của Việt Nam quá phức tạp và rườm rà, khiến nhà đầu tư nước ngoài ngần ngại. Nếu TP.HCM có một lộ trình kêu gọi đầu tư rõ ràng, hỗ trợ cụ thể, chính sách giảm thiểu rủi ro trong nghiên cứu khoa học và công nghệ mới, thì các nhà đầu tư sẽ sẵn sàng tham gia. Tuy nhiên, một số chính sách thuộc Trung ương và Thành phố cần cơ chế đặc biệt và hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ vướng mắc, nhất là trong lĩnh vực công nghệ và nghiên cứu y tế.

Nhà đầu tư thường chọn những quốc gia có chính sách cởi mở. Ví dụ, Nam Phi trước đây rất nghèo, nhưng nhờ chính sách mở, họ thu hút được nhiều đầu tư vào nghiên cứu y tế. Còn ở Việt Nam, việc xây dựng các phòng nghiên cứu hiện đại vẫn gặp nhiều rào cản. Do đó, để thu hút đầu tư, chúng ta cần rút ngắn thời gian phê duyệt thử nghiệm và công nghệ mới, đồng thời cởi mở hơn trong việc chia sẻ dữ liệu phục vụ nghiên cứu khoa học công nghệ.

- GS-BS. Nguyễn Thu Anh

Hệ thống y tế truyền thống, vốn tập trung vào các bệnh viện và phân tuyến ngành dọc, đang bộc lộ hạn chế về khả năng tiếp cận, chi phí và tính linh hoạt. Sự thiếu hụt các dịch vụ tư vấn ban đầu và chăm sóc sau điều trị đang để lại khoảng trống lớn, trong khi nhu cầu của bệnh nhân ngày càng tăng cao và thay đổi theo xu hướng cá thể hóa hơn.

Do vậy, trong tương lai gần, hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe mới sẽ xuất hiện, bao gồm các cơ sở y tế kết nối với các hệ thống, chuỗi và đơn vị cung cấp dịch vụ y tế không chuyên, cùng các dịch vụ hỗ trợ. Tôi cho rằng, TP.HCM hiện có nhiều lợi thế để bắt đầu triển khai và thí điểm thực hiện điều này.

Nếu TP.HCM xây dựng được hệ sinh thái trên, sẽ thu hút sự tham gia rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Vấn đề là Thành phố cần hình dung rõ cách vận hành, kiểm soát, cũng như tạo điều kiện cạnh tranh minh bạch để thu hút doanh nghiệp tham gia, từ đó không chỉ đáp ứng nhu cầu y tế, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe.

Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái y tế toàn diện, theo bà, TP.HCM có thể bắt đầu từ đâu và làm thế nào?

Đầu tiên, TP.HCM có thể tạo ra một mạng lưới dịch vụ y tế kết nối các cơ sở y tế, nhà thuốc, phòng khám, cả trực tiếp và trực tuyến. Mục tiêu là chia sẻ chi phí đầu tư cơ sở vật chất, quản lý hậu cần và nhân lực, đồng thời cung cấp các dịch vụ như chăm sóc tại nhà, xét nghiệm, vận chuyển, thanh toán phí, bảo hiểm và tư vấn, giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế tại nhà hoặc các cơ sở gần nhất.

Dù muốn hay không, mạng lưới nhà thuốc đã, đang và sẽ trở thành điểm đến đầu tiên của người dân khi có vấn đề về sức khỏe, dần thay thế hệ thống chăm sóc sức khỏe truyền thống. Cần mở rộng vai trò của các nhà thuốc trong việc theo dõi và chăm sóc sức khỏe ban đầu, giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế. Đồng thời, huy động nguồn lực tư nhân để đầu tư cơ sở vật chất và thực hiện các biện pháp kiểm soát nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ của các nhà thuốc.

Công việc tiếp theo là xây dựng cơ sở dữ liệu y tế đầy đủ và liên tục, thu thập thông tin không chỉ về sức khỏe, mà còn về các yếu tố xã hội và hành vi của người bệnh. Cần phát triển các công cụ phân tích nhanh, hiện đại, có thể cung cấp thông tin cho các nhà quản lý, bác sĩ và trực tiếp cho bệnh nhân.

TP.HCM cũng cần thiết kế các công cụ kết nối và tích hợp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở nhiều thời điểm và địa điểm khác nhau, trong đó người bệnh là trung tâm. Đồng thời, ứng dụng công nghệ vào các thiết bị hỗ trợ để cá thể hóa chăm sóc sức khỏe.

Tất nhiên, để xây dựng hệ sinh thái này, cần có sự đầu tư lớn và lâu dài, trong bối cảnh nguồn vốn và nhân lực đều có hạn. Vì vậy, Thành phố nên tập trung vào ba lĩnh vực cốt lõi: phát triển và ứng dụng công nghệ trong y tế, đẩy mạnh công nghệ sinh học, sản xuất và xuất khẩu thực phẩm chức năng.

Thị trường tỷ USD chờ khai phá

Trong 3 trụ cột bà vừa nêu, việc phát triển và ứng dụng công nghệ trong y tế đóng vai trò như thế nào?

Các công nghệ mới đang thay đổi cách thức người dân tiếp cận dịch vụ y tế, phương thức cung cấp dịch vụ và cách đo lường kết quả. Khi được tích hợp vào một hệ sinh thái y tế, các công nghệ này sẽ phát huy thế mạnh lớn hơn, tạo ra môi trường linh hoạt, trực quan. Từ đó, chúng kết nối với cộng đồng, cơ sở y tế, nhà thuốc và các thành phần khác trong hệ sinh thái thông qua công nghệ mới.

Trong vài năm tới, ứng dụng công nghệ để cá thể hóa việc chẩn đoán, điều trị và cung cấp dịch vụ chăm sóc thuận tiện hơn dự kiến tạo ra giá trị từ 350 đến 410 tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu. Để trở thành trung tâm y tế, TP.HCM cần đi tắt đón đầu, tập trung ưu tiên hợp tác với các tập đoàn dược phẩm và công nghệ lớn trên thế giới, ưu tiên phát triển công nghệ mới và đưa vào ứng dụng để hoàn thiện sản phẩm, đồng thời thu nguồn lực để tái đầu tư.

Mặc dù TP.HCM chưa đủ nguồn lực để phát triển các công nghệ, sản phẩm về dược và y tế mới, nhưng lại có một lợi thế khác, đó là tiềm năng dữ liệu lớn. Thành phố có thể xây dựng chiến lược cho phép các công ty R&D được tiếp cận và sử dụng bộ dữ liệu lớn và đổi lại là yêu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao nhân lực, chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư cho sản xuất và thiết lập hệ thống cung ứng trong khu vực.

Với công nghệ sinh học thì sao, thưa bà?

Để vươn mình, phát triển vượt trội, cần thu hút đầu tư, xây dựng chính sách ưu đãi thu hút đầu tư và nhân lực cho ngành công nghệ sinh học để phát triển các phương pháp điều trị bệnh mới sử dụng công nghệ nền tảng, tập trung vào y học chính xác, liệu pháp tế bào, công nghệ chỉnh sửa gen và tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ học máy (ML) để rút ngắn thời gian phát triển liệu pháp điều trị mới.

Trong giai đoạn 2019 - 2021, các công ty đầu tư mạo hiểm đã đầu tư 52 tỷ USD cho các công ty công nghệ sinh học phát triển các phương pháp điều trị bệnh mới. 2/3 số vốn đó đi vào các công ty khởi nghiệp về công nghệ nền tảng.

Nguồn vốn đầu tư này tập trung vào mục tiêu tạo ra thuốc mới và phương pháp điều trị mới, tập trung vào cá thể hóa điều trị và rút ngắn thời gian nghiên cứu và sản xuất thông qua việc nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ y sinh mới như liệu pháp tế bào 2.0, điều trị bằng công nghệ chỉnh sửa gen thế hệ mới, thuốc điện (electroceuticals)...

Đồng thời, rút ngắn thời gian phát triển thuốc mới thông qua ứng dụng ML; trị liệu không dùng thuốc đối với các bệnh khó điều trị; các phương pháp điều trị đích mới nhằm tác động chính xác và an toàn đến các mô bệnh.

Với trụ cột sản xuất và xuất khẩu thực phẩm chức năng, TP.HCM có những cơ hội nào?

Thị trường nguyên liệu thực phẩm chức năng toàn cầu dự báo tăng từ 16 tỷ USD vào năm 2024 lên khoảng 30 tỷ USD vào năm 2032, với tốc độ tăng trưởng hàng năm ước tính khoảng 8%. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương dẫn đầu thị trường này, chiếm 41% thị phần vào năm 2023.

Nhu cầu về thực phẩm chức năng ngày càng tăng do dân số già hóa và tỷ lệ mắc bệnh mãn tính cao. Các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe, như tiểu đường, béo phì và huyết áp cao, đang được ưa chuộng. Chế độ ăn thuần chay và ăn chay cũng đang phát triển, đặc biệt ở nhóm người tiêu dùng trẻ…

TP.HCM và các tỉnh miền Nam có lợi thế lớn nhờ vào nguồn nguyên liệu thực phẩm phong phú và nông nghiệp phát triển mạnh mẽ. Điều này mở ra cơ hội phát triển ngành thực phẩm chức năng không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, mà còn xuất khẩu.

Ẩm thực Việt Nam cũng nổi tiếng với món ăn lành mạnh, tạo nền tảng vững chắc để marketing các sản phẩm thực phẩm chức năng. Người tiêu dùng quốc tế ngày càng chú trọng đến sức khỏe và tìm kiếm các sản phẩm từ các nền văn hóa ẩm thực nổi bật.

Sự phát triển của chuỗi cung ứng và công nghệ chế biến hiện đại giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, mở ra cơ hội xuất khẩu vào các thị trường khó tính như EU, Mỹ và Nhật Bản.

Trọng Tín thực hiện

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/kien-tao-he-sinh-thai-y-te-moi-khai-mo-thi-truong-ty-usd-d243712.html
Zalo