Intel 'chốt' đầu tư 33 tỷ USD vào hai nhà máy chip tại Đức
Intel cho biết sẽ đầu tư hơn 30 tỷ EUR (33 tỷ USD) tại Đức như một phần trong kế hoạch mở rộng tại châu Âu. Đây là dự án quan trọng đối với tham vọng biến Đức thành trung tâm bán dẫn toàn cầu.
Ngày 19/6, Intel thông báo đầu tư số tiền lớn để xây hai nhà máy bán dẫn hiện đại tại Đức. Theo nguồn tin của Reuters, hãng chip Mỹ sẽ được Đức tài trợ 10 tỷ EUR. Con số cho thấy quy mô của dự án tăng so với kế hoạch ban đầu năm 2022. Khi ấy, Intel muốn rót 17 tỷ EUR vào nhà máy Magdeburg.
CEO Intel Pat Gelsinger bày tỏ sự cảm kích đối với chính phủ Đức cũng như bang Saxony-Anhalt, nơi công ty dự định đặt một nhà máy, vì “hoàn thành tầm nhìn về một ngành công nghiệp bán dẫn sôi động, bền vững và hàng đầu ở châu Âu”.
Dưới sự dẫn dắt của ông Gelsinger, Intel đã đầu tư hàng tỷ USD để xây nhà máy tại ba châu lục nhằm khôi phục vị thế thống trị trong ngành bán dẫn và cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ như AMD, Nvidia và Samsung.
Thỏa thuận tại Đức là khoản đầu tư lớn thứ ba của Intel chỉ trong 4 ngày. Ngày 16/6, “ông lớn” công nghệ Mỹ tiết lộ kế hoạch xây nhà máy chip 4,6 tỷ USD tại Ba Lan. Ngày 18/6, Israel cho biết Intel sẽ chi 25 tỷ USD cho một nhà máy tại đây.
Sản xuất bán dẫn được dự đoán trở thành ngành công nghiệp nghìn tỷ vào năm 2030 từ 600 tỷ USD năm 2021, theo hãng nghiên cứu McKinsey. Cả Mỹ và châu Âu đều đang muốn lôi kéo những người chơi lớn trong ngành thông qua các chương trình tài trợ và quy định thuận lợi. Đức lo ngại đánh mất sức hấp dẫn đầu tư nên đã chi hàng tỷ EUR hỗ trợ nhằm tránh lệ thuộc chuỗi cung ứng vào Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố “thỏa thuận hôm nay là bước tiến quan trọng đối với Đức như một cứ điểm sản xuất công nghệ cao”. Với khoản đầu tư của Intel, Đức sẽ bắt kịp công nghệ tốt nhất thế giới và mở rộng năng lực cho hệ sinh thái vi chip.
Berlin còn đang đàm phán với TSMC của Đài Loan và hãng sản xuất pin xe điện Northvolt của Thụy Điển để sản xuất ở Đức. Đức cũng đã thuyết phục Tesla xây đại công xưởng đầu tiên của châu Âu ở nước này.
4 hoặc 5 năm sau khi Ủy ban châu Âu phê duyệt gói tài trợ, nhà máy đầu tiên của Intel tại Magdeburg có thể vận hành. Khoảng 7.000 công nhân sẽ tham gia xây dựng. Ngoài ra, nhà máy tạo ra 3.000 việc làm công nghệ cao cùng hàng chục nghìn vị trí khác trong ngành bán dẫn.
Năm 2022, Intel công bố kế hoạch xây khu phức hợp chip tại Đức và các nhà máy tại Ireland, Pháp để tận dụng việc EU nới lỏng quy tắc tài trợ và trợ cấp. EU đang muốn giảm lệ thuộc vào nguồn cung chip Mỹ và châu Á.
(Theo Reuters)