Công nghiệp bán dẫn, 'theo kịp, tiến cùng và vượt lên'

Hoàn thiện cơ chế, chính sách sẽ là cơ sở để thúc đẩy phát triển Công nghiệp bán dẫn Việt Nam, từ người đi sau đến 'theo kịp, tiến cùng và vượt lên'.

Từ đi sau đến trung tâm công nghiệp bán dẫn toàn cầu

Ngày 6/1/2025, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 05/TB-VPCP kết luận của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Phiên họp thứ nhất ngày 14/12/2024.

Thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 7,01 tỷ USD vào năm 2028. (Ảnh: Minh họa)

Thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 7,01 tỷ USD vào năm 2028. (Ảnh: Minh họa)

Thông báo kết luận nêu rõ, trong giai đoạn tới đây, chúng ta phải thực hiện 2 mục tiêu 100 năm (tới năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và tới năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước), đòi hỏi phải có bứt phá, đột phá, nhất là về tăng trưởng kinh tế. Muốn thúc đẩy tăng trưởng thì cùng với làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống thì cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới trong đó đặc biệt là lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, điện toán đám mây, phát triển kinh tế sáng tạo để tạo ra lực lượng sản xuất mới, với tinh thần 'theo kịp, tiến cùng và vượt lên'.

Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn - yêu cầu, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, rào cản về quy trình, thủ tục hành chính đối với hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực bán dẫn.

Đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình Chính phủ ban hành Nghị định về Quỹ hỗ trợ đầu tư, nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư trên thế giới và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.

Trước đó, ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1018/QĐ-TTg về việc Ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 (sau đây gọi là Chiến lược).

Theo đó, Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam được chia thành ba giai đoạn rõ ràng, mỗi giai đoạn đặt ra những mục tiêu cụ thể và đầy tham vọng.

Cụ thể, giai đoạn 1 (2024 - 2030), tập trung thu hút FDI có chọn lọc, hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 1 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn. Mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư, cử nhân bán dẫn.

Giai đoạn 2 (2030 - 2040), phát triển công nghiệp bán dẫn kết hợp giữa tự cường và FDI, hình thành ít nhất 200 doanh nghiệp thiết kế chip, 2 nhà máy chế tạo chip, 15 nhà máy đóng gói, kiểm thử chip bán dẫn. Quy mô nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đạt 100.000 kỹ sư, cử nhân.

Giai đoạn 3 (2040 - 2050), hình thành ít nhất 300 doanh nghiệp thiết kế chip, 3 nhà máy chế tạo chip, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử chip bán dẫn. Mục tiêu là làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn Việt Nam tự chủ, có năng lực dẫn đầu ở một số công đoạn, phân khúc trong chuỗi sản xuất chip bán dẫn.

Những mục tiêu này thể hiện tham vọng lớn của Việt Nam trong việc chuyển mình từ một quốc gia đi sau trong lĩnh vực công nghệ cao thành một trung tâm công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Việt Nam - điểm đến đầy hứa hẹn trong ngành bán dẫn

Công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử, tạo ra vi mạch và linh kiện để sản xuất ra các sản phẩm phức tạp. Theo Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI), trong bối cảnh ngành bán dẫn toàn cầu tiếp tục phát triển, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầy hứa hẹn trong ngành bán dẫn, với triển vọng tăng trưởng tươi sáng.

Thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 7,01 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân mỗi năm khoảng 6,69% trong giai đoạn 2023 –2028. Trong thời gian qua, Việt Nam đã rất tích cực hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới để cùng nhau hợp tác, đầu tư phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp tiềm năng này.

Ngành bán dẫn thế giới được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt đến 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Việt Nam có những lợi thế chiến lược về phát triển công nghiệp bán dẫn như trữ lượng đất hiếm đứng trong nhóm đầu thế giới, vị trí địa lý thuận lợi ở trung tâm khu vực sản xuất chính của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, nguồn nhân lực dồi dào và nhiều tiềm năng.

Các chuyên gia đều đánh giá rằng Việt Nam có đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt ở công đoạn thiết kế, lợi thế giúp Việt Nam giành được thị phần trong miếng bánh nghìn tỷ USD này.

Theo ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), với 3 công đoạn của chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn là thiết kế, sản xuất, kiểm thử và đóng gói, thì Việt Nam chỉ mới có hoạt động ở công đoạn đầu và công đoạn cuối. Hiện tại, Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất bán dẫn.

Đối với thiết kế, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có các công ty VHT (Viettel) và FPT Semiconductor tham gia với khoảng 200 nhân viên. Còn lại khoảng 36 công ty nước ngoài đến từ Nhật, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Hàn Quốc đã đầu tư tại Việt Nam cùng với đội ngũ nhân lực ước tính khoảng 5.600 kỹ sư.

Đối với kiểm thử, đóng gói, Việt Nam có nhà máy của Intel và một vài công ty FDI làm công đoạn lắp ráp, kiểm thử và đóng gói. Hiện tại, Intel đã đầu tư vào Việt Nam 1,5 tỷ USD, hoạt động từ 2009 với gần 3.000 kỹ sư. Tại Bắc Ninh, nhà máy Amkor với số vốn đầu tư hơn 1,6 tỷ USD chia làm 3 giai đoạn.

Ở khâu thiết kế, tại Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng phụ thuộc nhiều vào số lượng doanh nghiệp có trong thị trường. Việc gửi kỹ sư ra nước ngoài làm việc phụ thuộc nhiều vào chất lượng và khả năng đáp ứng các đòi hỏi về kỹ thuật và kỹ năng cũng như trình độ ngoại ngữ của nhân sự được đào tạo tại Việt Nam. Với nguồn nhân lực trẻ dồi dào và am hiểu công nghệ, cơ sở hạ tầng số ngày càng phát triển, Việt Nam có lợi thế ở khâu thiết kế.

Xu hướng dịch chuyển của các tập đoàn ngành bán dẫn đang ‘đặt’ Việt Nam trước cơ hội 'nghìn năm có một' để tham gia và có vị trí trong chuỗi cung ứng chip bán dẫn trên toàn cầu. Khi hành lang chính sách được hoàn thiện, phần còn lại sẽ nằm ở doanh nghiệp, cần chuẩn bị hành trang cho cuộc chạy đua để có thể bắt nhịp được cơ hội vốn không dành cho số đông và thời gian chỉ tính bằng năm với ngành công nghiệp được ví như ‘xương sống’ của kỷ nguyên công nghệ này.

Theo GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ - Viện trưởng Viện Công nghệ VinIT:

Nếu phát triển được công nghiệp bán dẫn sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam, bởi đây là ngành siêu lợi nhuận, nguồn tài nguyên mà Việt Nam có thể khai thác được là trí tuệ của dân tộc Việt Nam. Tuy vậy, không chỉ Việt Nam thấy được tiềm năng của ngành này mà các quốc gia khác cũng thấy được điều này. Con đường đi mỗi nước cũng khác nhau. Do vậy, chúng ta cần học tập kinh nghiệm chung của các nước đi trước nhưng cũng cần có cách tiếp cận riêng để 'gặt hái' được thành công.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-nghiep-ban-dan-theo-kip-tien-cung-va-vuot-len-368487.html
Zalo