Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR): Sẽ san lấp mặt bằng dự án mở rộng NMLD Dung Quất trong năm 2025

Báo cáo với Đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, lãnh đạo Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án mở rộng, nâng cấp Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu tại buổi làm việc.

Đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) vừa có buổi làm việc với ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR - sàn UPCoM).

Tại buổi làm việc, ông Bùi Ngọc Dương - Tổng Giám đốc Lọc hóa dầu Bình Sơn báo cáo về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2024. Tính đến ngày 18/11/2024, công ty đã hoàn thành kế hoạch sản lượng sớm 43 ngày, lập kỷ lục mới trong 5 lần bảo dưỡng tổng thể nhà máy.

Ước tính đến cuối năm, Lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến đạt sản lượng 6,6 triệu tấn, doanh thu trên 120.000 tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước hơn 13.000 tỷ đồng. Các kết quả này đều vượt xa kế hoạch đề ra bất chấp các khó khăn mà ngành lọc hóa dầu toàn cầu đối mặt như giá dầu thô giảm mạnh.

Tổng Giám đốc Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng báo cáo việc cổ phiếu BSR sẽ chính thức được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh từ ngày 17/1/2025, mở ra cơ hội thu hút thêm nhà đầu tư và nâng cao tính minh bạch của công ty.

Bên cạnh đó, ông Nghiêm Đức Dương - Phó Tổng Giám đốc Lọc hóa dầu Bình Sơn kiêm Trưởng Ban Quản lý dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - báo cáo về tình hình triển khai dự án.

Cụ thể, trong năm 2024, Lọc hóa dầu Bình Sơn đã ký hợp đồng Tư vấn thiết kế kỹ thuật điều chỉnh (FEED), đạt tiến độ 27%. Các hợp đồng cung cấp bản quyền công nghệ với các nhà bản quyền từ Pháp, Mỹ, Ý và Hà Lan cũng được ký kết.

Về thu xếp vốn, Lọc hóa dầu Bình Sơn đã lựa chọn ngân hàng HSBC làm đơn vị điều phối các khoản vay tín dụng xuất khẩu (ECA). Đồng thời, Ngân hàng PVcomBank và công ty vừa ký kết hợp đồng tư vấn, hỗ trợ thu xếp nguồn vốn vay, tương đương 526 triệu USD.

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Về kế hoạch trong năm 2025, dự án sẽ tập trung hoàn thành thiết kế FEED, phê duyệt hồ sơ mời thầu EPC, lựa chọn nhà thầu EPC và triển khai san lấp mặt bằng.

Theo kế hoạch, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ được nâng công suất chế biến từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng/ngày, đáp ứng tiêu chuẩn EURO V và các quy định môi trường. Với tổng vốn đầu tư lên tới 1,5 tỷ USD (sau điều chỉnh). Nhà máy sẽ tập trung vào việc nâng cấp công nghệ, bổ sung các phân xưởng hiện đại như xử lý xăng dầu bằng hydro, alkyl hóa và thu hồi lưu huỳnh.

Phát biểu kết luận, ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch CMSC ghi nhận những nỗ lực của Lọc hóa dầu Bình Sơn trong năm 2024. Ông đánh giá cao việc hoàn thành vượt kế hoạch sản lượng và bảo dưỡng tổng thể nhà máy hiệu quả, dù thị trường ngành lọc hóa dầu toàn cầu gặp nhiều biến động.

Phó Chủ tịch CMSC nhấn mạnh, năm 2025 sẽ tiếp tục là một năm thách thức, đòi hỏi Lọc hóa dầu Bình Sơn trung nghiên cứu và triển khai các giải pháp duy trì sản xuất ổn định. Đồng thời, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cần hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn, đặc biệt trong việc đẩy nhanh tiến độ dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Việc lựa chọn nhà thầu EPC đảm bảo chất lượng là yếu tố then chốt để tối ưu chi phí và thời gian.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/loc-hoa-dau-binh-son--bsr-se-san-lap-mat-bang-du-an-mo-rong-nmld-dung-quat-trong-nam-2025-131477.htm
Zalo