Indonesia gia nhập BRICS: Bước ngoặt cho Đông Nam Á và Nam Bán cầu

Indonesia đã trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên gia nhập BRICS với tư cách thành viên chính thức, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ quốc tế khu vực.

Quyết định này không chỉ phản ánh tầm vóc ngày càng lớn của Indonesia trên trường quốc tế mà còn thể hiện sức mạnh ngày càng tăng của khu vực Đông Nam Á trong việc định hình các chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là những ngành công nghiệp chiến lược như năng lượng tái tạo và công nghệ sạch.

Indonesia là nhà sản xuất niken lớn nhất thế giới – một kim loại thiết yếu trong sản xuất pin xe điện, đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng năng lượng toàn cầu. Sự tham gia của Indonesia vào BRICS mang lại lợi ích không chỉ cho quốc gia này mà còn cho toàn khối khi nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng của Indonesia giúp củng cố chuỗi giá trị hàng hóa của BRICS.

Cùng với Indonesia, Malaysia và Thái Lan – hai quốc gia ASEAN là đối tác của BRICS – sở hữu những nguồn lực chiến lược riêng biệt. Malaysia là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu và là quốc gia sản xuất thiếc lớn. Trong khi đó, Thái Lan là một trong những nước sản xuất kim loại đất hiếm lớn nhất thế giới.

Việc các quốc gia này gia nhập BRICS không chỉ giúp mở rộng nguồn cung hàng hóa chiến lược mà còn tạo ra một liên minh vững mạnh trong các ngành công nghiệp quan trọng, từ năng lượng, nông nghiệp đến sản xuất công nghệ cao.

 Ảnh minh họa: GI/iStock

Ảnh minh họa: GI/iStock

BRICS, ban đầu chỉ gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đã trở thành một khối kinh tế và chính trị quan trọng với sự gia nhập của các thành viên mới như Ai Cập, Ethiopia, Iran, và UAE vào năm ngoái. Việc bổ sung Indonesia và các quốc gia Đông Nam Á khác củng cố vị thế của BRICS như một liên minh đa dạng, đại diện cho lợi ích của các quốc gia Nam Bán cầu.

Nhờ việc bổ sung các thành viên từ Đông Nam Á – khu vực có trữ lượng lớn khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên – BRICS giờ đây kiểm soát phần lớn nguồn cung toàn cầu các mặt hàng thiết yếu như dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và các khoáng sản quan trọng.

Điều này tạo ra một đối trọng mạnh mẽ với các chuỗi cung ứng do phương Tây chi phối, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia G7 đang định hướng lại chuỗi cung ứng.

Lợi thế của các nước Đông Nam Á khi gia nhập BRICS

BRICS là một nền tảng trong đó các quốc gia thành viên có vị trí ngang nhau và cùng đưa ra các quyết định dựa trên đồng thuận. Điều này khác biệt hoàn toàn so với các thể chế do phương Tây dẫn dắt, vốn thường bị chi phối bởi các cường quốc lớn.

Khối BRICS đang tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế, cải cách thương mại và chống biến đổi khí hậu. Những chính sách này phù hợp với lợi ích của Indonesia và các quốc gia Đông Nam Á, giúp đảm bảo rằng các sáng kiến như sản xuất năng lượng sạch và giảm phát thải carbon được hỗ trợ mạnh mẽ.

BRICS cũng đã thống nhất phản đối các lệnh trừng phạt kinh tế và các cơ chế điều chỉnh biên giới carbon phân biệt đối xử. Đối với Indonesia và các nước ASEAN, đây là cơ hội để bảo vệ lợi ích quốc gia trước áp lực từ các chính sách thương mại và môi trường do phương Tây áp đặt.

Các nước ASEAN, bao gồm Indonesia, phản đối mạnh mẽ ý tưởng về một NATO châu Á và lo ngại trước các sáng kiến như Đối tác An ninh Khoáng sản (MSP) do Mỹ dẫn đầu. Việc có đại diện trong BRICS sẽ củng cố tiếng nói của ASEAN trong các vấn đề khu vực, đảm bảo rằng lợi ích của khu vực được tôn trọng.

BRICS cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các sáng kiến phát triển bền vững và đảm bảo hòa bình khu vực. Khối này đã ủng hộ việc thành lập các khu vực không có vũ khí hạt nhân và thúc đẩy giải trừ quân bị. Indonesia, vốn đã đề xuất Hiệp ước Khu vực Không có Vũ khí Hạt nhân Đông Nam Á, có thể tận dụng sự hỗ trợ của BRICS để biến sáng kiến này thành hiện thực.

Ngoài ra, BRICS còn hỗ trợ các quốc gia Nam Bán cầu trong việc giải quyết hậu quả của biến đổi khí hậu. Việc khối này đồng ý thành lập Quỹ Bồi thường Thiệt hại tại COP27 là một bước tiến quan trọng, đặc biệt đối với các quốc gia Đông Nam Á dễ bị tổn thương do thiên tai và nước biển dâng.

Một bước ngoặt cho Nam Bán cầu

Sự gia nhập của Indonesia vào BRICS phản ánh xu hướng mới trong quan hệ quốc tế, nơi các quốc gia Nam Bán cầu ngày càng có tiếng nói lớn hơn.

Trong bối cảnh các thể chế do phương Tây lãnh đạo ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế – từ việc không ngăn chặn được các cuộc xung đột vũ trang đến sự thiên vị trong các chính sách đối ngoại – BRICS nổi lên như một nền tảng đáng tin cậy để các quốc gia nhỏ và vừa bảo vệ lợi ích của mình.

Indonesia, với vai trò tiên phong trong ASEAN, đang giúp khu vực này hội nhập sâu hơn vào các liên minh toàn cầu, từ đó không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn tạo dựng một thế giới đa cực, nơi quyền lực được phân bổ công bằng hơn.

Ngọc Ánh (theo SCMP, Diplomat, Nikkei Asia)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/indonesia-gia-nhap-brics-buoc-ngoat-cho-dong-nam-a-va-nam-ban-cau-post330066.html
Zalo