Indonesia cắt giảm 80% ngân sách Bộ Công chính

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công chính Indonesia, ông Dody Hanggodo, cho biết, ngân sách của bộ sẽ bị cắt giảm 80% trong năm 2025, từ 110,95 nghìn tỷ IDR (6,6 tỷ USD) vào năm 2024 xuống còn 29,57 nghìn tỷ IDR. Quyết định này là một phần trong chiến lược cắt giảm tổng cộng 306,7 nghìn tỷ IDR (tương đương 18,8 tỷ USD), tương đương khoảng 8% tổng ngân sách nhà nước đã được phê duyệt cho năm 2025, theo chỉ đạo của Tổng thống Prabowo Subianto.

Mục tiêu và tác động của việc cắt giảm

Mục tiêu của việc cắt giảm này là tài trợ cho các cam kết trong chiến dịch tranh cử, bao gồm chương trình bữa ăn miễn phí cho học sinh, dự kiến tiêu tốn 28 tỷ USD hàng năm khi được triển khai đầy đủ.

Trong bối cảnh ngân sách hạn chế, Bộ Công chính sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực hạ tầng chính trong năm nay: Đó là đường bộ và cầu (742 triệu USD), tài nguyên nước (594 triệu USD), xây dựng (224 triệu USD), hạ tầng chiến lược (69 triệu USD).

 Bộ trưởng Bộ Công chính Indonesia Dody Hanggodo (phải) trong một tuyên bố báo chí tại Jakarta vào ngày 20.1. (Ảnh: ANTARA)

Bộ trưởng Bộ Công chính Indonesia Dody Hanggodo (phải) trong một tuyên bố báo chí tại Jakarta vào ngày 20.1. (Ảnh: ANTARA)

Các chương trình dự kiến bao gồm xây dựng 63km đường mới, nâng cấp và bảo trì 342km đường hiện có, xây dựng 13 km đường cao tốc thu phí, và phát triển 450 ha hệ thống tưới tiêu.

Tuy nhiên, do cắt giảm ngân sách sâu rộng, ít nhất 21 dự án hạ tầng lớn trên toàn quốc đã bị hủy bỏ, bao gồm xây dựng đường bộ, nguồn nước và khu dân cư. Đáng chú ý, việc xây dựng một đoạn đường cao tốc dài 7,36km và bảo trì thường xuyên 47.603km đường quốc gia đã bị hủy bỏ.

Để thích ứng với ngân sách mới, bộ sẽ hủy bỏ việc mua thiết bị mới và tối ưu hóa thiết bị hạng nặng hiện có, áp dụng quy trình giám sát chặt chẽ hơn đối với công tác công vụ, cắt giảm các hoạt động nghi lễ và chuyển sang môi trường văn phòng không giấy tờ.

Trước đó, Bộ Tài chính đã yêu cầu các bộ và tổ chức thực hiện hiệu quả ngân sách đối với 16 khoản chi tiêu, như một phần tiếp theo của Chỉ thị số 1 của Tổng thống Cộng hòa Indonesia năm 2025.

Hiện nay, các bộ đang thực hiện các biện pháp tiết kiệm. Bộ trưởng Bộ Kinh tế Airlangga Hartarto đã đưa ra quy định tắt đèn trong sảnh của bộ như một biểu tượng cho việc cắt giảm ngân sách 52,5%. Bộ trưởng Bộ Đầu tư Rosan Roeslani cho biết, bộ của ông sẽ hạn chế công tác nước ngoài, thay vào đó tổ chức họp trực tuyến, hoặc mời nhà đầu tư đến Indonesia.

Nhiều phản ứng trái chiều

Một số nhà phân tích lo ngại, việc cắt giảm ngân sách đột ngột có thể làm gián đoạn các dịch vụ và kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Ông Jahen Rezki, nhà kinh tế tại Đại học Indonesia, cho rằng việc cắt giảm này có thể quá mức, vì tác động của chương trình bữa ăn miễn phí đối với nền kinh tế chưa được xác định rõ ràng. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp các dịch vụ công cộng tối ưu, như duy trì hệ thống đường bộ tốt. Ngược lại, một số nhà kinh tế tin rằng việc loại bỏ các chi tiêu không cần thiết có thể mang lại lợi ích cho nền kinh tế. Ông Enrico Tanuwidjaja, nhà kinh tế tại UOB, bày tỏ sự lạc quan thận trọng rằng chi tiêu phát triển và kích thích tài khóa có thể hỗ trợ nền kinh tế.

Trong khi đó, Hiệp hội khách sạn và nhà hàng cũng bày tỏ lo ngại, cho rằng việc hủy bỏ hội thảo và giảm du lịch nội địa có thể ảnh hưởng tiêu cực đến ngành khách sạn và vận tải. Tổng thư ký Maulana Yusran cảnh báo rằng nếu Chính phủ cắt giảm mạnh các sự kiện và chuyến đi công vụ, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ chịu thiệt hại đáng kể.

Theo nhiều nhà quan sát, việc cắt giảm ngân sách hạ tầng đặt ra bài toán khó cho Indonesia: làm sao cân bằng giữa tiết kiệm và duy trì đầu tư thiết yếu. Dù mục tiêu là tài trợ cho các chương trình xã hội quan trọng, chính phủ cần cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo các biện pháp thắt lưng buộc bụng không gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/indonesia-cat-giam-80-ngan-sach-bo-cong-chinh-post404051.html
Zalo