IMF: GDP của Ấn Độ tăng gấp đôi sau một thập kỷ

Dữ liệu mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được công bố ngày 26/3 cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng 10 năm qua. Cụ thể, từ mức 2,1 nghìn tỷ USD vào năm 2015, GDP của Ấn Độ dự kiến sẽ đạt 4,27 nghìn tỷ USD vào cuối năm nay.

IMF nhấn mạnh, Ấn Độ tiếp tục duy trì vị thế là một trong những nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới. Tăng trưởng GDP thực tế phản ánh sự gia tăng giá trị hàng hóa và dịch vụ được sản xuất của mỗi quốc gia sau khi điều chỉnh theo lạm phát. Với tốc độ tăng trưởng GDP thực tế dự báo đạt 6,5% trong năm nay, nền kinh tế Ấn Độ được IMF đánh giá là đang được mở rộng một cách mạnh mẽ và ổn định.

Báo cáo của IMF cũng đề cập đến yếu tố lạm phát, một trong những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua và chi phí sinh hoạt của người dân. Theo dự báo, lạm phát trong nước của Ấn Độ sẽ duy trì ở mức 4,1% trong năm nay, con số này nằm trong giới hạn mục tiêu từ 4 - 6% do Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đặt ra. Điều này cho thấy chính sách kiểm soát giá cả của Chính phủ Ấn Độ đã phát huy hiệu quả, góp phần duy trì sự ổn định kinh tế.

Ảnh minh họa: Rolandberger.com

Ảnh minh họa: Rolandberger.com

Một trong những chỉ số phản ánh sự cải thiện về mức sống tại Ấn Độ là GDP bình quân đầu người. Theo IMF, con số này của Ấn Độ hiện nay ước tính đạt 11.940 USD theo sức mua tương đương (PPP). Với việc chỉ số này đã tăng hơn gấp 2 lần chỉ trong vòng 10 năm cho thấy mức thu nhập cá nhân của người dân đã có sự cải thiện đáng kể trong thời gian qua.

Dù đạt được nhiều thành tựu về tăng trưởng kinh tế, Ấn Độ vẫn phải đối mặt với thách thức về nợ công. Tổng nợ công của nước này hiện chiếm đến 82,6% GDP, cho thấy tỷ lệ vay nợ của chính phủ vẫn ở mức cao so với nền kinh tế. IMF cho rằng đây là một yếu tố cần được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo sự ổn định tài chính và phát triển bền vững.

Với đà tăng trưởng ấn tượng như hiện nay, nền kinh tế Ấn Độ dự kiến đạt quy mô 10.000 tỷ USD vào năm 2031. Qua đó, sẽ sớm thế chỗ của Đức và Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.

Lê Dũng/VOV-New Delhi

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/imf-gdp-cua-an-do-tang-gap-doi-sau-mot-thap-ky-post1187484.vov
Zalo