Ia Pa huy động nguồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát
Các xã của huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đang tích cực huy động nguồn lực để triển khai xây dựng nhà ở thuộc chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Triển khai đồng loạt
Ngày 10-2 vừa qua, 9 xã trên địa bàn huyện Ia Pa đã đồng loạt khởi công 18 căn nhà cho hộ nghèo. Lực lượng dân quân xã, đoàn viên thanh niên, bà con lối xóm tập trung đông đúc, mỗi người một tay giúp tháo dỡ căn nhà cũ dột nát, vận chuyển vật liệu, đào móng xây dựng nhà mới. Không khí khẩn trương cùng tiếng cười nói rôm rả. Với các hộ gia đình, niềm hạnh phúc không thể diễn tả thành lời khi giấc mơ về một căn nhà khang trang, kiên cố đang dần hiện hữu.

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Minh Trưởng (thứ 2 từ phải sang) trao kinh phí hỗ trợ gia đình thuộc diện xóa nhà tạm, nhà dột nát tại xã Chư Răng. Ảnh: V.C
Gác lại công việc làm thuê, những ngày qua, anh Kpă Eli (thôn Marin 1, xã Ia Mrơn) cùng vợ tập trung đào móng nhà để nhà thầu thi công theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của huyện. Hướng về căn nhà tôn xập xệ trước mặt, anh Eli kể: Do hoàn cảnh gia đình 2 bên đều khó khăn nên khi tách ra ở riêng, vợ chồng anh chỉ đủ kinh phí dựng căn nhà tạm bằng tôn chưa đầy 30 m2. Suốt 5 năm qua, 3 thành viên trong gia đình phải sống trong cảnh nắng rọi, mưa dột. Nhưng vì không có ruộng rẫy, công việc làm thuê lại bấp bênh nên anh chị không có kinh phí để sửa chữa nhà. “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng nhà ở, tôi mừng lắm. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ giúp gia đình có cơ hội xây dựng cuộc sống mới”-anh Eli xúc động nói.
Mặt trời đã xuống núi nhưng cả gia đình chị Nay H’In (buôn Chơ Ma, xã Ia Trốk) vẫn miệt mài xúc cát đổ nền cho căn nhà mới. Căn nhà dự kiến rộng 50 m2, gồm 1 phòng khách, 2 phòng ngủ. Riêng gian bếp, gia đình tận dụng gỗ từ căn nhà cũ để dựng thêm. Chị H’In chia sẻ: “Khi biết gia đình mình thuộc diện được hỗ trợ xây dựng nhà, vợ chồng tôi quyết định vay người thân 20 triệu đồng để căn nhà được khang trang hơn. Khoảng cuối tháng 2, căn nhà sẽ hoàn thành. Đây là động lực để gia đình cố gắng làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Gia đình chị Nay H’In (buôn Chơ Ma, xã Ia Trôk) phấn khởi, cùng nhau xúc cát đổ nền cho căn nhà mới. Ảnh: Vũ Chi
Trong đợt này, buôn Chơ Ma có 3 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà. Bà Nay H’Luin-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn-phấn khởi cho hay: Buôn có 12 hộ thuộc diện được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, cả 3 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà đợt đầu tiên đều đối ứng thêm 20-30 triệu đồng/căn. Trong quá trình triển khai, hệ thống chính trị cùng người thân, hàng xóm hỗ trợ thêm ngày công, đảm bảo công trình hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
Tập trung tháo gỡ khó khăn
Ông Đỗ Hoàng Châu-Chủ tịch UBND xã kiêm Phó Trưởng ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát xã Ia Trốk-cho hay: Toàn xã có 41 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà và 2 hộ sửa chữa nhà ở. Trong đợt đầu ra quân, xã có 4 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà. Trước mắt, trong điều kiện kinh phí hỗ trợ chưa giải ngân kịp, xã đã đứng ra vay không tính lãi giúp 4 hộ dân 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, các trường hợp có đất ở được bố mẹ cho nhưng chưa chuyển đổi, chưa sang tên, xã chỉ đạo các ban, ngành vừa thi công vừa hoàn thiện thủ tục, hồ sơ theo quy định. Cùng với đó, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, xã tiếp tục hỗ trợ sinh kế giúp các hộ thoát nghèo bền vững. Xã phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2025.
Trong khi đó, xã Ia Mrơn có 12 hộ thuộc diện xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đây đều là những gia đình mới tách ra ở riêng. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trịnh Hồng Trọng thông tin: Xã đã thành lập Ban Chỉ đạo và phân công mỗi thành viên phụ trách hỗ trợ 1 hộ gia đình. Khó khăn lớn nhất là các gia đình đều không có vốn đối ứng. Vì vậy, trước mắt, xã đứng ra chịu trách nhiệm với các hộ kinh doanh vật liệu xây dựng để người dân được ứng trước vật liệu làm nhà. Quá trình thi công, cán bộ xã sẽ kiểm tra, giám sát thường xuyên, đảm bảo nguồn nguyên vật liệu sử dụng đúng mục đích, tránh gây lãng phí, thiệt hại cho ngân sách.
Clip: Vũ Chi