Ia Nung... mùa nước nổi
Nhắc đến 'mùa nước nổi', ta thường nghĩ về hiện tượng thú vị ở miền Tây Nam Bộ. Nhưng có lẽ ít người biết rằng, ở thung lũng Ia Nung (gồm các tổ 1, 2, 12, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), cứ vào khoảng từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm, cũng có một mùa nước nổi mênh mang sóng nước.
Sự kiến tạo địa chất với miệng núi lửa đã tắt hàng triệu năm đã tạo nên hình hài thung lũng Ia Nung với độ cong mềm mại, quyến rũ và là đặc trưng cảnh quan hiếm nơi nào có được, nhất là những ngày có nước về cánh đồng. Và tất nhiên, mùa nước nổi không xếp vào quy luật của 4 mùa xuân-hạ-thu-đông hay phân biệt rõ ràng đặc trưng như mùa khô và mùa mưa. Bởi mùa nước này không về đúng ngày, đúng bữa, có khi ít khi nhiều, khi đến khi đi, khi quẩn quanh khi xa rộng.
Nhiều lần, tôi đã có ý định sẽ đi thử con đường dẫn lối đến ruộng đồng xanh lá bốn mùa kia, thung nước trắng xóa dưới đó nhưng lại ngần ngại thôi, vì trong ý nghĩ cũng chỉ bấy nhiêu mà tôi đã được chiêm ngắm từ xa. Chỉ đến khi vui với ý nghĩ dưới xa kia cũng có một mùa nước nổi. Tôi dò hỏi thì được mách chỉ, nếu từ hẻm 58 Phạm Văn Đồng (phường Hoa Lư) cứ thế men theo sẽ đến thung lũng một cách dễ dàng và đó cũng là cung đường đến thung xanh đẹp nhất.
Đôi lần trước đó, tôi đã thử lựa chọn những quán cà phê khác nhau trên đường Tô Vĩnh Diện, đường Bùi Đình Túy chỉ để ngắm thung lũng ở những góc nhìn cũng hoàn toàn khác nhau trong mùa nước nổi. Dưới một chiếc đèn măng-sông xưa cũ của quán cà phê, tôi đắm mình cùng nhạc Trịnh: “buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua”. Và lần nào cũng thế, thung xanh cứ dịu dàng tình tứ, rung cảm mến thương ngay cả khi lòng người nhiều đổi thay, tìm kiếm. Từ trên cao nhìn xuống thung trải rộng, trong lành mát rượi. Được thong dong dưới thung kia, hoặc ngồi bên bờ ruộng suy tư nhìn đàn bò lội nước là một niềm vui bình dị biết bao. Từ nơi này nhìn xuống, để tự vấn mình đã bao lâu rồi không nhận ra đâu là cao, đâu là xa, để một lần thoát ra khỏi ngột ngạt của phố thị, để thấy mình không còn cuốn theo những lo toan thường nhật vây quanh. Thì cách một khoảng đồi dưới kia là mênh mông trắng, là hơi thở, là tiếng quẫy đuôi đạp nước, gọi những bước chân đường xa.
Một lần, tôi đến thung xanh trong buổi bình minh vừa ló dạng, khi mặt trời chiếu những tia nắng ban sơ đầu tiên, bầu trời ửng hồng, đôi áng mây vờn quanh xuôi trong chớm gió se se. Ngày mới, thung xanh đã rộn rã, bên những nếp nhà ẩn mình nghiêng dài trong con nước, nằm xen giữa vườn chuối, đám ruộng xanh mát cạnh những thửa rau muống nước, cùng đám sương mai ẩm giá còn sót lại của đêm. Gần đó, vạt dã quỳ tốt tươi xanh lá, đám xuyến chi vươn mình khoe sắc trắng, nghe gió dịu dàng nhẹ bước ngang qua.
Khi nước về đồng, trong vắt như gương, gọi cá tôm là lúc mùa nước nổi về với người dân nơi đây. Và khi thung lũng như tấm gương lớn phản chiếu mây trời, núi non, cảnh vật, khi áng chừng được nước đã tràn mấy thửa ruộng, bà con rủ nhau cắm câu, thả lưới, dựng đăng, đặt lú... Cánh đồng lúa hôm trước còn thấy gốc rạ, nay đã thành biển nước, để chào đón một mùa cá ngược dòng đẻ trứng: cá mương, cá diếc, cá tong… Sáng ra đồng, ai nấy cũng đã thấy tất bật, rộn ràng bên mình những vật dụng dùng cho việc tát cá, đựng cá.
Đang mải mê chèo chiếc thuyền tôn bắt cá diếc về, thấy tôi hỏi thăm, anh Lôl (làng Ốp, phường Hoa Lư) vui vẻ kể, mấy nay có mưa, biết là cá về, bèn rủ mấy anh em trong làng đi giăng cá. Hôm nào hên, cũng giăng lưới dính hơn 10 kg cá mang ra chợ bán, gia đình có thêm chút tiền trang trải cuộc sống. Cá đồng ở đây có quanh năm, nhưng theo đúng quy luật thì mùa nước nổi này là nhiều nhất. Bởi sau thời gian dài trốn hạn, nằm sâu trong các hang hốc, đàn cá có cơ hội ngoi lên mặt nước tìm kiếm thức ăn. Cá đồng thường sống trong môi trường tự nhiên nên thịt ngọt, săn và thơm, đặc biệt con nào cũng có bụng trứng căng tròn. Cá ăn không hết, người dân thường đem ra chợ bán. Mùa nước nổi cứ thế trôi qua thật nhẹ nhàng, thanh bình với nhiều cư dân sống giữa lòng phố.
Giữa không gian bốn bề sóng nước, có lúc, tôi chẳng phân biệt được đâu là bãi bờ, đâu là dòng, đâu từng là cánh đồng lúa xanh mọi khi. Đứng trên bờ thấy thấp thoáng những cánh cò sà xuống nhặt tôm cá. Khung cảnh của ký ức, của tuổi thơ của những câu chuyện cổ tích như thấp thoáng đâu đây, ngay giữa phố xá ồn ào, tấp nập. Những cơn gió đồng xa man mác thổi, rạt đám chuối ven đường. Vào mùa nước nổi, cánh đồng ngập nước trắng xóa mất hết các đường biên ranh giới, nhưng vẫn nhìn đoán ra kia là thấp thoáng chùa Vạn Phật (hẻm 84 Chi Lăng, phường Hoa Lư) với tiếng chuông khoan nhặt. Đưa mắt xa một chút là đường bay của Cảng Hàng không Pleiku. Bên nhà cao phố thị, miền sóng nước cứ dập dềnh, neo lòng người chút yên bình tự tại. Vậy nên, mùa nước nổi không chỉ là mùa ruộng đồng được tưới tắm, bồi đắp mà là mùa bao kỷ niệm của bao người, bao thế hệ cùng những nụ cười hồn nhiên, rất đỗi đời thường.
Trong khoảng thời gian ở đây, tôi chưa bao giờ nghe bất cứ âm thanh ầm ào, dù là chiếc thuyền tôn rẽ nước, dù chỉ cách vài bước chân kia là phố xá tấp nập. Nhìn ngắm cuộc sống lao động bình dị, chạm đến cái gì cũng thấy gần gụi. Nên khi rời thung xanh về phố, xa con nước, tôi cứ nhớ mãi nhịp sóng chao nghiêng nắng chiều, nhớ nhịp thuyền rẽ nước giữa hừng đông lấp ló. Vì thế, việc gìn giữ những phần không gian tự nhiên còn lại là điều phải làm, không chỉ phục vụ cho chính người dân nơi đây mà còn là vì hệ sinh thái của cả mảnh đất nơi này. Để mai đây đâu đó dưới mái tường bê tông cao kia, vẫn còn bắt gặp lời thì thầm từ cỏ cây, của chim muông, của một mùa nước nổi, vốn đã gắn bó cùng nhịp chảy đô thị Pleiku suốt dặm dài thời gian.