'Ì ạch' giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đầu năm

Giải ngân vốn đầu tư công của cả nước trong 2 tháng đầu năm ước đạt 6,9% kế hoạch và đạt 7,32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2024. Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, trong những tháng đầu năm, hầu hết các bộ ngành, địa phương chưa giải ngân hoặc giải ngân rất thấp.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh

Ước 2 tháng đầu năm giải ngân trên 60 nghìn tỷ đồng

Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến hết tháng 1/2025 là 31.849,9 tỷ đồng, đạt 3,64% kế hoạch (875.887,1 tỷ đồng), đạt 3,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (825.922,3 tỷ đồng). Ước giải ngân đến hết tháng 2/2025 là 60.423,8 tỷ đồng, đạt 6,9% kế hoạch, đạt 7,32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ này thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (đạt 7,7% kế hoạch và đạt 8,07% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Cũng theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn ngân sách địa phương (NSĐP) đạt 8,58% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương với cùng kỳ năm 2024 đạt 8,36%. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách trung ương ( NSTW) mới đạt 5,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 đạt 7,52%.

Ngoài 4 bộ, ngành và 37 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với tổng kế hoạch đạt trên mức bình quân chung của cả nước thì theo Bộ Tài chính, trong những tháng đầu năm, hầu hết các bộ, ngành, địa phương chưa giải ngân (27 bộ, ngành) hoặc giải ngân thấp (26 bộ, ngành, địa phương giải ngân dưới 5%).

Vướng mắc trong thực hiện tiếp tục là ”rào cản”

Các nguyên nhân khiến cho việc giải ngân còn chậm đã được chỉ ra. Trước tiên phải kể đến việc một số bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ một lượng vốn tương đối lớn đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) những tháng đầu năm 2025 (tính đến thời điểm báo cáo còn khoảng 77.635,9 tỷ đồng, chiếm 9,42% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); trong đó, chủ yếu số vốn chưa phân bổ dự kiến bố trí cho các dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Một số bộ, ngành, địa phương giải ngân tốt

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt gồm: Đài tiếng nói Việt Nam (73,82%), Ngân hàng Chính sách xã hội (41,16%), Bộ Công an (12,67%), Thành phố Huế (22,97%), Tiền Giang (27,62%), Vĩnh Phúc (21,49%), Tuyên Quang (21,26%), Hòa Bình (20,95%).

Bên cạnh đó, một số bộ, ngành đã phân bổ chi tiết cho các dự án không đủ điều kiện (như chưa được phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư, chưa có quyết định đầu tư, bố trí vượt tổng mức đầu tư đã duyệt, vượt kế hoạch đầu tư công trung hạn, vượt thời gian bố trí vốn,…).

Ngoài ra là những khó khăn vướng mắc khác trong tổ chức thực hiện. Cụ thể, công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ thi công các dự án còn chậm do chưa đạt được thỏa thuận đối với người dân, chậm bàn giao mặt bằng; xác định nguồn gốc đất của các hộ gặp nhiều khó khăn do chuyển nhượng nhiều lần nên mất thời gian... Năng lực của ban quản lý dự án, cán bộ chuyên môn làm công tác đầu tư tại các cấp huyện, xã còn hạn chế nhất là năng lực về thẩm định, kiểm tra, giám sát, quản lý dự án dẫn đến chất lượng tham mưu chưa cao. Nguồn cung một số nguyên vật liệu hạn chế (đất, cát đắp...). Giá nhiều nguyên vật liệu tăng đột biến so với thời điểm mời thầu làm tăng chi phí dự án...

Để đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC năm 2025 đạt mục tiêu trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 18/2/2025 về việc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn ĐTC năm 2025. Tại Công điện đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương “khẩn trương phân bổ chi tiết hết kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2025 trong quý I/2025 theo đúng quy định…”. Theo đó, với vai trò của mình, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án trước ngày 31/3/2025. Tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ đẩy mạnh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện này. Sau ngày 31/3/2025, Bộ Tài chính sẽ báo cáo cấp thẩm quyền cắt giảm để điều chuyển cho các bộ, ngành, địa phương có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn năm 2025 để bố trí cho các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án hạ tầng chiến lược có khả năng giải ngân (bao gồm cả các dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 23/TB-VPCP ngày 20/1/2025 về việc phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia).

Đối với các dự án đã hết thời gian thực hiện thuộc thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn sang năm 2025 của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ quy định tại Điều 57 Luật Đầu tư công năm 2024, khẩn trương đánh giá, hoàn thiện thủ tục kéo dài thời gian bố trí vốn theo thẩm quyền, làm cơ sở để tiếp tục bố trí vốn cho các dự án.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai công văn số 423/BTC-ĐT ngày 14/1/2025 của Bộ Tài chính về việc đôn đốc phân bổ, nhập dự toán Tabmis và giải ngân kế hoạch vốn ĐTC nguồn NSNN năm 2025 của các bộ, ngành, địa phương.

Đề nghị các bộ, ngành, địa phương đề xuất nhu cầu kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2024 sang năm 2025 gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng thời hạn quy định tại văn bản số 1078/BKHĐT-TH ngày 14/2/2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về rà soát, đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch ĐTC vốn NSTW năm 2024 sang năm 2025.

Bộ Tài chính công khai kết quả giải ngân vốn đầu tư công hàng tháng

Đó là một trong những nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính tại Công điện số 16/CĐ-TTg để theo dõi sát tiến độ giải ngân, tham mưu các giải pháp điều hành quyết liệt nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn ĐTC năm 2025.

Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tổng hợp đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2024 sang năm 2025 của các bộ, ngành, địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/3/2025 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Chủ trì theo dõi sát tiến độ thực hiện giải ngân của các bộ, ngành, địa phương, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ hàng tháng để ban hành các giải pháp điều hành linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả, sát với tình hình thực tiễn nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn ĐTC năm 2025. Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Thông tấn xã Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ thông báo công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử của bộ và trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả giải ngân hàng tháng của các bộ, ngành, địa phương.

Đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương, khen thưởng các bộ, cơ quan, địa phương giải ngân tốt, phê bình kiểm điểm xử lý trách nhiệm các bộ, cơ quan, địa phương giải ngân chậm. Tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan đến ĐTC để xem xét sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm thúc đẩy phân bổ, giải ngân các dự án ĐTC và bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn.

Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ kiện toàn các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC trước ngày 25/2/2025.

Chỉ đạo Kho bạc Nhà nước kịp thời thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành, đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến; chỉ đạo các đơn vị chức năng bảo đảm nguồn thanh toán cho các dự án; kịp thời xử lý các vướng mắc về thanh, quyết toán, đàm phán, ký kết hiệp định, rút vốn từ nhà tài trợ; khẩn trương rà soát và phê duyệt vốn kế hoạch ĐTC nguồn NSNN hàng năm trên Tabmis theo đúng quy định.

Hạnh Thảo

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/i-ach-giai-ngan-von-dau-tu-cong-2-thang-dau-nam-171022.html
Zalo