Hy vọng mới cho lĩnh vực bán lẻ của Trung Quốc
Tại Trung Quốc, trong khi người dân tại các đô thị lớn đang phải 'thắt lưng buộc bụng' do triển vọng kinh tế không chắc chắn, một câu chuyện lạc quan hơn đang diễn ra ở các thành phố cấp 3 và cấp 4.
Theo báo South China Morning Post (Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng) số ra ngày 20/11, so với các thành phố lớn thì người dân tại các đô thị nhỏ của Trung Quốc
phải đối mặt với áp lực tài chính và gánh nặng nợ nần ít hơn, đồng thời thường là nhóm người có kỳ vọng tương đối ổn định về tương lai hơn.
Trong bối cảnh người dân tại các đô thị lớn của Trung Quốc vẫn đang phải “thắt lưng buộc bụng” do triển vọng kinh tế không chắc chắn, một câu chuyện lạc quan hơn đang diễn ra ở các thành phố cấp 3 và cấp 4 của nước này.
Không giống như xu hướng tiết kiệm đang kìm hãm các thành phố cấp 1 - nơi cư dân cắt giảm ngân sách ăn uống và mua sắm, thì tại các thành phố nhỏ hơn của Trung Quốc, các nhà hàng tràn ngập thực khách, các trung tâm mua sắm vẫn tiếp tục nhộn nhịp và các đại lý xe điện phát triển mạnh. Cư dân của những thành phố nhỏ của Trung Quốc đang nổi lên với vai trò là nhóm người tiêu dùng năng động, bất chấp sự suy giảm kinh tế nói chung.
Ngược lại, doanh số bán lẻ chậm chạp ở các thành phố cấp 1, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến, đã gây cản trở tăng trưởng chi tiêu trung bình của toàn Trung Quốc. Tiêu dùng tại các trung tâm đô thị này vẫn ở mức thấp - xu hướng đi xuống được thể hiện rất rõ với hình ảnh các trung tâm mua sắm và nhà hàng thưa thớt.
Theo chuyên gia Li Yingtao - đối tác tại công ty tư vấn MCR có trụ sở tại Thượng Hải, người dân tại các thành phố nhỏ phải đối mặt với áp lực tài chính ít hơn. Kỳ vọng của họ về tương lai tương đối ổn định tạo tâm lý thoải mái và hỗ trợ xu hướng chi tiêu nhiều hơn.
Chuyên gia Li Yingtao bình luận: "Ngược lại, mức vay nợ cao hơn ở các thành phố hàng đầu gây áp lực lớn lên tiêu dùng, làm giảm chi tiêu của người dân. Trước đây, cư dân của các thành phố hạng 1 và hạng 2 tự tin hơn vào mức tăng trưởng thu nhập trong tương lai. Điều này thúc đẩy họ sẵn sàng chi tiêu, thậm chí họ sẵn sàng dựa vào các khoản tín dụng để chi tiêu. Tuy nhiên, gánh nặng nợ nần gia tăng, kết hợp với kỳ vọng yếu hơn về thu nhập trong tương lai đã làm xói mòn niềm tin đó".
Theo báo cáo do tổ chức McKinsey công bố vào tháng 9/2024, niềm tin tiêu dùng trong các nhóm dân Trung Quốc thay đổi rất nhiều, với tỷ lệ người trả lời lạc quan đạt 82% ở các thành phố cấp 3 và cấp 4, so với 74% ở các thành phố cấp 1 và cấp 2.
Theo dữ liệu của Wind - nhà cung cấp dữ liệu của Trung Quốc, tại các thành phố cấp 1 và cấp 2, tỷ lệ đòn bẩy tín dụng hộ gia đình đã vượt quá 70% vào năm 2022, trong khi tỷ lệ này ở các thành phố cấp 3 chỉ ở mức hơn 50%, tạo ra một khoảng cách đáng kể giữa các đô thị lớn và đô thị nhỏ tại Trung Quốc.
Các chuyên gia chỉ ra rằng với các khoản thế chấp nhỏ hơn, cư dân ở các thành phố cấp 3 và cấp 4 có xu hướng ít bị tổn thương hơn trước tình trạng giá nhà giảm, trong bối cảnh thị trường bất động sản Trung Quốc suy thoái kéo dài.
Vào tháng 10/2024, tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng của Trung Quốc đạt 4.540 tỷ nhân dân tệ (627,3 tỷ USD), tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước và đi lên so với mức tăng trưởng 3,2% được ghi nhận vào tháng trước đó. Từ tháng 1-10/2024, tổng doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 39.900 tỷ nhân dân tệ.
Tuy nhiên, tổng mức tiêu thụ bán lẻ của Bắc Kinh chỉ tăng 2,9% trong 10 tháng tính từ đầu năm nay, so với cùng kỳ năm trước, trong khi doanh số bán lẻ của Thượng Hải giảm 2%. Hai thành phố Thâm Quyến và Quảng Châu cũng chứng kiến mức tăng trưởng không đáng kể, với mức tăng theo năm lần lượt là 0,7% và 0,1%.
Trong khi đó, các thành phố cấp 3 và cấp 4 đã nổi lên như những động lực tăng trưởng bất ngờ. Ví dụ, Thiệu Hưng ở tỉnh Chiết Giang đã đạt được mức tăng 8,7% về doanh số bán lẻ trong ba quý đầu năm nay, dẫn đầu tỉnh Chiết Giang.
Chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc của The Economist Intelligence Unit, Xu Tianchen, phân tích mức tăng trưởng dân số khá, được ghi nhận ở một số thành phố nhỏ, cũng tạo nên sự tương phản rõ rệt với tình trạng dân số giảm ở các thành phố lớn hơn, nơi các cơ hội đang bị thu hẹp và chi phí sinh hoạt trở thành gánh nặng. Ông nói: "Người tiêu dùng ở các thành phố cấp thấp hơn cũng ít tiếp xúc với hàng xa xỉ hơn. Do đó, sự sụt giảm doanh số bán hàng xa xỉ không ảnh hưởng đáng kể đến doanh số bán lẻ ở các thành phố này. Người dân tại các thành phố cấp 3 và cấp 4 đang nâng cấp chi tiêu của mình, trong khi người tiêu dùng ở các thành phố cấp 1 đang giảm chi tiêu".
Theo công ty chứng khoán Huachuang Securities, trong nửa đầu năm 2024, tăng trưởng doanh số bán lẻ tại các thành phố cấp 3 và cấp 4 của Trung Quốc đã vượt qua các thành phố cấp 1 và cấp 2. Cụ thể, doanh số bán lẻ toàn quốc tăng 3,7%, các thành phố cấp 1 giảm trung bình 0,67% và các thành phố cấp 3 và cấp 4 tăng 4,76%.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng các dịch vụ và thương hiệu mới nổi thường bắt đầu ở các thành phố cấp 1 và cấp 2 và dần thâm nhập vào các thành phố nhỏ hơn. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực mua sắm, nhà hàng, giải trí, giáo dục, y tế và du lịch, tốc độ tăng trưởng chậm lại khi thị trường trở nên bão hòa, trong khi ở các thành phố cấp 3 và cấp 4 thì mở rộng với tốc độ tăng trưởng nhanh hơn.