Hy vọng mới cho bệnh nhân mắc bệnh thận nhiễm virus B19
Việc xét nghiệm, chẩn đoán, đưa ra phác đồ cụ thể đối với người mắc bệnh thận nhiễm Human Parvovirus B19 của nhóm nghiên cứu Bệnh viện Quân y 7 (Hải Dương) đã mở ra hy vọng cho nhóm bệnh nhân này.
Human Parvovirus B19 (gọi tắt là virus B19) có thể lây nhiễm qua đường hô hấp, đường máu, từ mẹ sang con, đường tiêu hóa… Các bệnh lý nhiễm trùng là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở người mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối, trong đó có nhiễm B19.
Việt Nam hiện chưa có bộ công cụ chẩn đoán, đánh giá đầy đủ các phương pháp xác định B19 trong bệnh lý thận. Tại Hải Dương, kỹ thuật chẩn đoán nhiễm B19 chưa được thực hiện.
Một số nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân bị bệnh thận nhiễm B19 sẽ gây ra tổn thương cầu thận cấp do tổn thương mao mạch thận, tăng nguy cơ thải ghép thận và có 30% số bệnh nhân nhiễm B19 thiếu máu sau ghép thận. Người mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối nhiễm B19 có thể tử vong nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời. “Vì thế, chúng tôi quyết định thực hiện Đề tài Ứng dụng phương pháp ELISA và Realtime-PCR trong chẩn đoán phát hiện B19 và điều trị bệnh nhân mắc bệnh lý thận tại Hải Dương nhằm nghiên cứu, đánh giá toàn diện virus B19 trên bệnh nhân thận nói chung và người mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối nói riêng. Qua đó, đưa ra phác đồ điều trị và hướng dự phòng trong công tác quản lý tại Bệnh viện Quân y 7 cũng như các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh”, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Văn Dũng, Trưởng Khoa Nội tiêu hóa - Bệnh máu (Bệnh viện Quân y 7), thư ký đề tài cho biết.
Để thực hiện đề tài này, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn 81 người mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối và 60 bệnh nhân mắc các bệnh lý thận như: viêm cầu thận cấp, hội chứng thận hư, suy thận không phải giai đoạn cuối.
Nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu máu, huyết thanh và sử dụng 2 phương pháp xét nghiệm là kỹ thuật ELISA, Realtime PCR. Với kỹ thuật ELISA, nhóm nghiên cứu sử dụng hệ thống chỉ định màu để phát hiện kháng nguyên B19. Nhóm dùng phương pháp Realtime để khuếch đại và sử dụng thuốc nhuộm huỳnh quang ở mẫu dò phát hiện virus B19.
Sau 2 năm thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã phát hiện được 11 bệnh nhân nhiễm B19, trong đó 7 bệnh nhân ở nhóm bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối và 4 bệnh nhân có mắc các bệnh liên quan đến bệnh thận nhưng chưa phải giai đoạn cuối.
Sau khi phát hiện ra bệnh nhân nhiễm B19, nhóm nghiên cứu đã cho bệnh nhân sử dụng chế phẩm Glutathion 1,2 g/ngày trong 2 tuần và kết hợp điều trị bằng Erythropoietin 2.000 UI tiêm dưới da 3 lần/tuần trong 1 tháng với bệnh nhân có thiếu máu.
Sau điều trị, các chỉ số về huyết học của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt, số lượng hồng cầu tăng từ 3,4T/l lên 3,89T/l; số lượng huyết sắc tố tăng từ 93,3g/l lên 120g/l. “Thiếu máu khiến người bệnh chóng mặt, mệt mỏi, chán ăn và nhiều bệnh khác. Khi hồng cầu, huyết sắc tố tăng lên, những hạn chế này sẽ bị đẩy lùi, sức khỏe người bệnh tăng lên đáng kể. Khi phát hiện sớm bệnh, việc điều trị đơn giản và ít tốn kém hơn”, bác sĩ Hứa Trung Kiên, Trưởng Khoa Thận - Lọc máu (Bệnh viện Quân y 7) chia sẻ.
Trong quá trình thực hiện, bên cạnh thuận lợi, nhóm đề tài cũng gặp một số khó khăn nhất định. Đây là kỹ thuật mới, chưa được đơn vị nào thực hiện nên nhóm phải tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này, nhiều xét nghiệm làm nhiều lần mới ra kết quả. Hiện nay, chế phẩm Globulin miễn dịch điều trị đặc hiệu B19 chưa được lưu hành trên thị trường…
Mắc bệnh thận từ lâu và phải chạy thận 1 năm nay, bà N.T.P. ở thị trấn Nam Sách cho biết trước đây, cho dù được điều trị nhưng bà thấy vẫn mệt mỏi, ăn không ngon. Nguyên nhân do hồng cầu, huyết sắc tố trong máu vẫn rất thấp. Khi bác sĩ xét nghiệm, phát hiện bà nhiễm virus B19 và được điều trị theo phương pháp mới, sức khỏe của bà P. đã cải thiện đáng kể. “Giờ đây tôi không còn chóng mặt, mệt mỏi, tinh thần khá thoải mái”, bà P. nói.
Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Trung Chính, Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Dương, đây là nghiên cứu có tính ứng dụng, thực tiễn cao, có khả năng áp dụng rộng rãi tại các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên. Chi phí để triển khai được kỹ thuật không quá cao, việc đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các đơn vị tuyến dưới tương đối dễ dàng.
Với những ý nghĩa thiết thực đó, người mắc bệnh thận nói chung và bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối nói riêng sẽ giảm bớt những lo lắng, tiết kiệm được chi phí trong điều trị bệnh, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Thời gian tới, Bệnh viện Quân y 7 sẽ đề xuất nhân rộng kết quả thực hiện đề tài này tại bệnh viện và nhiều cơ sở y tế trong tỉnh.