Huyện Tri Tôn đẩy mạnh xuất khẩu lao động

Công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động (xuất khẩu lao động) trên địa bàn huyện Tri Tôn đã đạt được những kết quả tích cực. Hướng đi này đang mở ra cơ hội việc làm lương cao, cải thiện điều kiện sống của người lao động (NLĐ), góp phần giúp địa phương giảm nghèo bền vững.

Hoàn thành đợt xuất khẩu lao động, Neáng Chanh Thươn (thị trấn Tri Tôn) cho biết, gia đình chị trước đây thuộc diện hộ nghèo, bản thân không có việc làm ổn định, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2017, Neáng Chanh Thươn quyết định đăng ký tham gia xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, làm việc cho công ty chế biến thực phẩm.

“Công việc mang lại nguồn thu nhập 28 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ chi phí sinh hoạt, tôi còn 19 - 20 triệu đồng. Số tiền còn lại, tôi gửi về gia đình trả nợ khoản vay Ngân hàng Chính sách xã hội. Kết thúc hợp đồng lao động, tôi trở về địa phương với nguồn vốn tích góp khoảng 500 triệu đồng. Với số tiền này, tôi sửa chữa nhà cửa; mở tiệm làm tóc, chăm sóc sắc đẹp; dạy nghề cho 5 lao động địa phương. Hiện nay, tại kinh tế gia đình tôi rất ổn định” - Neáng Chanh Thươn chia sẻ.

Tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động

Tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động

Có thể thấy, việc xuất khẩu lao động giúp tăng thu nhập cho NLĐ trung bình 3 năm làm việc tại nước ngoài. Sau khi về nước, NLĐ có thể tích lũy được một khoản tiền tương đối lớn, vươn lên thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang, cuộc sống sung túc hơn. Đồng thời, phát triển sản xuất - kinh doanh, ổn định kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm mới, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Từ cơ sở đó, huyện Tri Tôn quyết tâm đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động. Năm 2025, toàn huyện phấn đấu đưa ít nhất 18 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; giải quyết việc làm cho 6.730 lao động địa phương. Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang cho biết, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức về hiệu quả xuất khẩu lao động.

Đặc biệt, nâng cao cảnh giác đối với người dân về những thủ đoạn lợi dụng đưa người đi xuất khẩu lao động để lừa đảo, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, an ninh trật tự tại địa phương. Công tác tuyên truyền được triển khai trên phương tiện truyền thông, trường học; băng-rôn, pa-no; chiếu video clip tại các điểm tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã, Nhà Thiếu nhi huyện Tri Tôn, trên mạng xã hội. Trong tuyên truyền, huyện chú trọng đến việc mời NLĐ hoặc gia đình có con em đã đi xuất khẩu lao động để làm tấm gương “người thật việc thật”, tạo niềm tin và sự an tâm cho các lao động đang dự định đăng ký. Trung tâm Dịch vụ việc làm hoặc công ty xuất khẩu lao động được mời đến cung cấp thông tin cho NLĐ nắm rõ. Đồng thời, địa phương thường xuyên đến hộ gia đình hoặc liên hệ trực tiếp NLĐ, kịp thời nắm bắt thông tin, tình hình, để phối hợp hỗ trợ, hạn chế thấp nhất rủi ro cho NLĐ…

“Công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phải đặt chất lượng lên hàng đầu, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đạt hiệu quả cao nhất; không chạy theo số lượng. Do đó, cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội phải xác định giải quyết việc làm cho NLĐ là nhiệm vụ trọng tâm gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị. UBND cấp xã cần rà soát, lập danh sách NLĐ có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, các biện pháp cụ thể để đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn...” - Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang yêu cầu.

ĐỨC TOÀN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/huyen-tri-ton-day-manh-xuat-khau-lao-dong-a420042.html
Zalo