NHTW Nhật chỉ tạm dừng, chứ không kết thúc chu kỳ tăng lãi suất

Lộ trình tăng lãi suất của NHTW Nhật Bản (BOJ) đang phải đối mặt với thử thách lớn khi mà chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tác động tiêu cực tới đà phục hồi kinh tế của Nhật và có thể làm chậm tiến trình đạt được mục tiêu lạm phát 2% của cơ quan này. Tuy nhiên BOJ có thể chỉ tạm dừng chứ không kết thúc chu kỳ tăng lãi suất hiện nay.

NHTW Nhật Bản (BOJ) đang đứng trước những lựa chọn khó khăn

NHTW Nhật Bản (BOJ) đang đứng trước những lựa chọn khó khăn

Tạm dừng tăng lãi suất

Tại cuộc họp chính sách tiền tệ kết thúc ngày thứ Năm (1/5), Hội đồng chính sách tiền tệ của BOJ đã nhất trí giữ nguyên lãi suất ở mức 0,5%. Phát biểu tại buổi họp báo được tổ chức sau đó, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda cho biết, thời điểm lạm phát cơ bản hội tụ về mục tiêu 2% của BOJ đã bị “lùi lại một chút”. Ông cũng cảnh báo về “mức độ bất ổn cực cao” trong triển vọng.

Theo các nhà phân tích, phát biểu của ông Ueda về cơ bản là báo hiệu tạm dừng tăng lãi suất để làm rõ hơn về hậu quả của mức thuế quan cao hơn.

Quả vậy, nhìn bề ngoài thì mối đe dọa từ cuộc chiến thương mại toàn cầu đối với nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Nhật Bản có thể khiến BOJ bỏ xu hướng tăng lãi suất để ủng hộ lập trường chính sách tiền tệ trung lập hơn.

Theo dự báo kinh tế mới cũng được công bố vào thứ Năm (1/5), BOJ cho biết, tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản có khả năng sẽ chậm lại. Cơ quan này cũng cắt giảm dự báo lạm phát và thấy rủi ro bị lệch về phía giảm, một dấu hiệu cho thấy niềm tin của BOJ vào động lực giá cả đang suy yếu.

Cụ thể BOJ dự báo, tỷ lệ tăng hàng năm của chỉ số giá tiêu dùng CPI (bao gồm tất cả các mặt hàng trừ thực phẩm tươi sống) có khả năng sẽ trong khoảng 2,2%-2,2% cho năm tài chính 2025, trong khoảng 1,1%-2,2% cho năm tài chính 2026 và khoảng 2% cho năm tài chính 2027.

Nhưng theo các nhà phân tích, lạm phát giá thực phẩm dai dẳng, cộng thêm triển vọng tăng lương liên tục và lo ngại về sự sụt giảm trở lại của đồng yên có thể khiến BOJ không thể từ bỏ hoàn toàn kế hoạch tăng lãi suất.

Hệ quả là BOJ có thể sẽ tiếp tục báo hiệu rằng động thái tiếp theo của mình sẽ là tăng lãi suất, nhưng không đưa ra bất cứ thông tin cụ thể nào về tốc độ cũng như thời điểm mà cơ quan này hành động trong tương lai.

Theo Akira Otani - Cựu chuyên gia kinh tế hàng đầu của BOJ và hiện đang là giám đốc điều hành tại Goldman Sachs Nhật Bản, kịch bản tệ nhất đối với BOJ là tiếp tục tăng lãi suất trong bối cảnh bất ổn cao. “Như vậy, cách tiếp cận mong muốn nhất là hoãn tăng lãi suất như một biện pháp phòng ngừa”, Otani cho biết. Ông đã lui dự báo về thời điểm tăng lãi suất tiếp theo của BOJ thêm 6 tháth, tức là đến tháng 1 năm sau.

Goldman Sachs vẫn kỳ vọng BOJ cuối cùng sẽ tăng lãi suất chính sách lên 1,5% trong chu kỳ tăng lãi suất hiện tại.

Sẽ tiếp tục tăng lãi suất

Lịch sử đã chứng minh rằng việc bình thường hóa chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo của Nhật Bản là rất khó khăn. Quốc gia này chưa từng chứng kiến lãi suất ngắn hạn vượt quá 0,5% trong ba thập kỷ qua, khi mà những nỗ lực nâng lãi suất liên tục bị cản trở bởi tăng trưởng tiền lương trì trệ và những cú sốc bên ngoài.

Tuy nhiên, lần này việc trì hoãn tăng lãi suất quá lâu có thể sẽ phải trả giá.

Thứ nhất bởi không giống như trước đây khi Nhật Bản sa lầy trong tình trạng giảm phát, hiện lạm phát cơ bản đã vượt quá mục tiêu 2% của BOJ trong 3 năm qua do chi phí nguyên liệu cao một cách ngoan cố thúc đẩy các công ty tăng giá.

Biểu đồ mô tả lãi suất chính sách và số liệu lạm phát cơ bản của Nhật Bản

Biểu đồ mô tả lãi suất chính sách và số liệu lạm phát cơ bản của Nhật Bản

Bên cạnh đó, lực lượng lao động suy giảm cũng khiến các công ty phải chịu áp lực tăng lương và tính phí dịch vụ cao hơn, một xu hướng mà Thống đốc Ueda cũng thừa nhận là sẽ tiếp tục và duy trì lạm phát ở mức tăng vừa phải.

Trong khi giá thực phẩm tăng liên tục, bao gồm cả giá gạo tăng đột biến, đã đẩy lạm phát tại Nhật lên 3,6% vào tháng 3. “Cần chú ý đến khả năng giá thực phẩm tăng gần đây có thể gây ra tác động vòng hai đối với lạm phát cơ bph”, BOJ cho biết dự báo kinh tế được công bố hôm thứ Năm, lần đầu tiên cảnh báo về nguy cơ lạm phát thực phẩm chuyển thành mức tăng giá rộng hơn và kéo dài hơn.

Thứ hai, việc tỏ ra quá ôn hòa về triển vọng lãi suất sẽ khiến đồng yên giảm trở lại, gây thêm áp lực lạm phát và có thể khiến Trump tức giận, người đã cáo buộc Nhật Bản cố tình làm suy yếu đồng yên để tạo lợi thế thương mại cho hàng xuất khẩu của mình.

Các nhà phân tích tại Morgan Stanley, những người ban đầu dự đoán đợt tăng lãi suất tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 9, hiện dự kiến lãi suất sẽ được giữ nguyên ở mức 0,5% cho đến cuối năm sau. Nhưng họ coi đợt tăng lãi suất vào tháng 9 là một kịch bản có thể xảy ra nếu áp lực lạm phát trong nước tăng cao hoặc đồng yên suy yếu mạnh.

"Nếu đồng yên giảm đáng kể trong khi các cuộc đàm phán thương mại của Nhật Bản đang diễn ra, Mỹ có thể coi những động thái như vậy là một vấn đề. Đồng yên yếu không chỉ có thể đẩy lạm phát lên cao mà còn làm tăng áp lực của chính phủ lên BOJ", họ viết trong một lưu ý và nói thêm: "Nếu vậy, và nếu sự không chắc chắn về thuế quan của Mỹ giảm bớt, thì có khả năng BOJ có thể tăng lãi suất khá sớm”.

Trên thực tế, phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc họp chính sách, Thống đốc Ueda vẫn nhấn mạnh quyết tâm của BOJ trong việc tiếp tục tăng lãi suất với quan điểm rằng lạm phát cơ bản sẽ tăng tốc trở lại mục tiêu của mình, sau một thời gian ngắn trì trệ.

Hà Vy

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nhtw-nhat-chi-tam-dung-chu-khong-ket-thuc-chu-ky-tang-lai-suat-163623.html
Zalo