Huyện Tri Tôn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp

Nhằm tạo ra nông sản có chất lượng, tăng sức cạnh tranh, ngành chức năng huyện Tri Tôn đã tích cực hỗ trợ nông dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình có giá trị kinh tế cao được nông dân triển khai, nhân rộng. Qua đó, góp phần tăng năng suất và nâng cao giá trị kinh tế các sản phẩm, tạo động lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo và phát triển bền vững.

Những năm gần đây, việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chuyển dịch rõ rệt theo xu hướng tăng tỷ lệ các giống chất lượng cao, đặc sản, giống chống chịu điều kiện ngoại cảnh bất thuận; giảm vật tư đầu vào, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Từ đó, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, một số sản phẩm đã và đang trở thành hàng hóa chủ lực của huyện.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Văn cho biết, hàng năm, UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện. Trong đó có việc thực hiện mô hình sản xuất phục vụ xây dựng NTM trên địa bàn 12 xã. Theo đó, vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 50% tổng kinh phí, nhưng không quá 50 triệu đồng/mô hình hoặc 200 triệu đồng/mô hình.

Được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, nông dân huyện Tri Tôn ngày càng tiếp cận sâu rộng với các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, nông dân huyện Tri Tôn ngày càng tiếp cận sâu rộng với các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, chủ trang trại, gia trại, nông dân, lao động nông thôn… Trong đó, ưu tiên các tổ chức, cá nhân có hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản; tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hoặc các dự án khởi nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM tại địa phương.

Năm 2022, 2023, Hội đồng Khoa học và Công nghệ huyện đã thông qua tổng cộng 35 danh mục mô hình, với 17 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 15 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi và 3 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản; tổng kinh phí thực hiện trên 8,4 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM hỗ trợ trên 3,3 tỷ đồng, vốn dân đối ứng trên 5,1 tỷ đồng. Nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Trồng dưa lưới, dưa lê trong nhà lưới ứng dụng hệ thống tưới thông minh; trồng sầu riêng ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước tại Lương Phi, Lê Trì; mô hình nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt…

Thông qua các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống

Thông qua các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống

Trưởng phòng NNN&PTNT huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Văn cho biết thêm, năm 2024, Hội đồng Khoa học và Công nghệ huyện đã thông qua danh mục 10 mô hình, trong đó có 3 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản, 4 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 3 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, ước kinh phí thực hiện 1,8 tỷ đồng. Cụ thể, từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM hỗ trợ 900 triệu đồng, còn lại nông dân đối ứng. Qua triển khai, ngành nông nghiệp đã ghi nhận có một số mô hình mới, hiệu quả, như: Nuôi baba trên bể xi-măng kết hợp gắn pin năng lượng mặt trời áp mái; trồng măng cụt ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước kết hợp châm phân tự động; nuôi càng đước bán nhân tạo. Ngoài ra, còn một số mô hình được nhân rộng từ sự thành công của mô hình trước.

Theo đánh giá của ngành NN&PTNT huyện Tri Tôn, hầu hết các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện phát huy được hiệu quả về kinh tế, giảm thiểu tác động từ các yếu tố về môi trường. Đồng thời, giúp người dân mạnh dạn chuyển đổi sang canh tác các loại cây trồng, vật nuôi mới có tính độc đáo, hiệu quả kinh tế cao hơn. Trên cơ sở đó, góp phần thay đổi phương thức, tập quán sản xuất - kinh doanh và nâng cao thu nhập của người dân.

Các mô hình mới được thực hiện trong năm 2024 hứa hẹn sẽ mang lại nhiều nét mới cho công tác chuyển đổi đối tượng cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện Tri Tôn. Với những hiệu quả mang lại từ việc hỗ trợ nông dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, Phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn sẽ tiếp tục phối hợp UBND các xã rà soát, xét chọn các chủ thể thực hiện mô hình sản xuất phục vụ xây dựng NTM. Trong đó, ưu tiên các mô hình ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại; mô hình tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, chủ lực của địa phương; các sản phẩm OCOP; sản phẩm có liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị sản phẩm… Trên cơ sở đó, hỗ trợ người dân mở rộng quy mô sản xuất, từng bước chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho người dân nhằm đáp ứng các mục tiêu xây dựng NTM.

ĐỨC TOÀN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/huyen-tri-ton-day-manh-ung-dung-cong-nghe-cao-trong-linh-vuc-nong-nghiep-a411989.html
Zalo