Huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An): 'Thỏi nam châm' mới trong phát triển khu công nghiệp
Huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An) được quy hoạch thêm hơn 4.000 ha đất khu công nghiệp, biến nơi đây trở thành 'thỏi nam châm' mới thu hút các dự án công nghiệp.
Ngày 26/9, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam phối hợp với Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam đã phát hành báo cáo nghiên cứu “Phát triển đô thị và thị trường bất động sản tỉnh Long An giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, cho thấy tiềm năng cũng như những bước tiến phát triển khu công nghiệp (KCN) và hạ tầng, giúp tỉnh Long An vươn lên trong giai đoạn mới.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu
Những năm gần đây, Long An bứt phá trở thành một trong những địa phương tăng trưởng dẫn đầu, đồng thời luôn là một trong những tỉnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cao nhất cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn cao hơn mức trung bình chung của cả nước.
Những năm qua, Long An liên tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; chủ động tiếp cận các tổ chức, nhà đầu tư lớn, các dự án phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.
Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh có hơn 18.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký hơn 379.711 tỉ đồng.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Long An là địa phương đứng thứ 3 cả nước trong quá trình phát triển các KCN (sau tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương). Long An được đánh giá là điểm sáng về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện tại, Long An đang tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, hướng đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển công nghiệp hàng đầu của cả nước. Long An hiện có 35 KCN được thành lập với tổng diện tích được quy hoạch là 9.364 ha.
Trong đó, có 26 KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với diện tích quy hoạch là 5.982 ha (đất công nghiệp là 4.278 ha, đã cho thuê là 2.899 ha); có 9 KCN đã được chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đang triển khai thực hiện các thủ tục, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng KCN với diện tích quy hoạch là 2.466 ha.
Ngoài ra, có 5 KCN với diện tích quy hoạch là 997 ha đã nộp hồ sơ xin cấp chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định. Còn lại 11 KCN với diện tích quy hoạch 2.183 ha đang thực hiện các thủ tục về quy hoạch, sẽ thực hiện thủ tục cấp chủ trương đầu tư sau khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về KCN.
Huyện Thủ Thừa - ngôi sao sáng về phát triển khu công nghiệp
Xét về địa phương, Thủ Thừa được đánh giá là huyện có tiềm năng phát triển về KCN cực lớn.
Long An với vị trí chiến lược là cửa ngõ kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh miền Tây Nam Bộ, huyện Thủ Thừa cách thành phố Tân An 10km, cách TP. Hồ Chí Minh 45km. Thủ Thừa sở hữu hệ thống giao thông thuận lợi cả về đường bộ và đường sông giúp phát triển công nghiệp và việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa dễ dàng. Quốc lộ 1A, Quốc lộ 62, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, sông Vàm Cỏ Tây và sông Vàm Cỏ Đông, sắp tới là vành đai 3, vành đai 4 giúp giảm chi phí logitics, kết nối các nhà máy, cụm công nghiệp thuận tiện từ Đông Nam Bộ - TP. Hồ Chí Minh - Thủ Thừa - các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Nếu gọi Long An là thủ phủ công nghiệp phía Tây TP. Hồ Chí Minh, thì Thủ Thừa chính là “hạt nhân” tích cực cho sự phát triển kinh tế, công nghiệp.
Trong quy hoạch tỉnh Long An đến năm 2030, huyện Thủ Thừa sẽ trở thành một khu vực đa chức năng, kết hợp giữa phát triển đô thị, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Để thực hiện mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp mới, huyện Thủ Thừa đã lên kế hoạch mở rộng thêm 4.009 ha đất để phát triển các KCN, đưa huyện trở thành nơi có diện tích quy hoạch công nghiệp lớn nhất tỉnh Long An trong giai đoạn 2024 - 2030.
Thủ Thừa hiện đứng thứ 2 trong top 5 địa phương có diện tích KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư lớn nhất tỉnh Long An với 192 ha và đứng thứ 3 trong top 5 địa phương có tiềm năng phát triển diện tích về KCN lớn nhất của tỉnh Long An với 4.615 ha. Xét về biên độ tăng trưởng tiềm năng của 5 địa phương đang có diện tích KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư lớn nhất, Thủ Thừa đang xếp vị trí số 1 với mức tăng lên đến 2.016%.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Long An sẽ có thêm 28 cụm công nghiệp, tổng diện tích 1.808 ha, nâng tổng số cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 là 72 cụm với tổng diện tích 3.989ha. Đây là điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tận dụng cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi tại các khu, cụm công nghiệp rộng khắp và trải dài trên địa bàn tỉnh này.
Nhìn nhận về tình hình phát triển công nghiệp tại Long An, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, một chuyên gia về kinh tế cho hay, nhìn vào quyết tâm của Long An khi thực hiện các kế hoạch phát triển đô thị, phát triển khu công nghiệp, có thể nói Long An đang đi đúng hướng khi tập trung phát triển hạ tầng, phục vụ cho quá trình phát triển đô thị, phát triển kinh tế - xã hội, để trở thành “tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước”.
Còn theo TS. Đinh Thế Hiển, một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ, với kế hoạch phát triển hạ tầng đã được chính quyền tỉnh quyết tâm thực hiện trong thời gian tới, rất dễ thấy, Long An hoàn toàn có thể trở thành địa phương giữ vai trò quan trọng trong khu vực Đông và Tây Nam Bộ.
“Nhìn sang tỉnh Bình Dương, nhờ tập trung phát triển hạ tầng kết nối vùng nên ngay cả những khu vực tưởng chừng không có tiềm năng phát triển cũng trở thành vùng, khu công nghiệp tốt. Trong khi đó, Long An còn loay hoay với hạ tầng trong nhiều năm nay. Sắp tới, rất nhiều hạ tầng kết nối vào năm 2025 - 2026 sẽ mở ra triển vọng phát triển cho Long An cũng như hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050”, TS. Đinh Thế Hiển nói.
Bà Giang Huỳnh - Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và S22M, Savills Việt Nam - nhìn nhận, Long An là địa phương có diện tích lớn (4.492km²) và quỹ đất trống cũng rộng lớn vô cùng. Đây là điểm cộng của thị trường Long An trong mắt các chủ đầu tư, nhất là trong bối cảnh các đô thị xung quanh, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh đang dần cạn kiệt quỹ đất trống.
“Tiếp đó là cơ hội phát triển của thị trường bất động sản công nghiệp Long An. Trong vài năm trở lại đây, Long An đã vươn lên và phát triển rất nhanh, vững chắc về công nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài rất tốt, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo. Không phải tự nhiên mà Long An được xem là vệ tinh khu công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh. Quỹ đất sạch rộng lớn, chính sách thu hút vốn FDI và môi trường đầu tư thông thoáng khiến Long An luôn thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư vào các khu công nghiệp, trở thành “đối trọng” với Bình Dương, Đồng Nai trong phát triển kinh tế công nghiệp”, Bà Giang Huỳnh chia sẻ..
Bên cạnh đó Long An là địa phương có tỷ lệ nhập cư đứng thứ 7 cả nước, cao hơn cả Hà Nội. Trong những năm gần đây, tỷ lệ nhập cư tại Long An luôn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định. Cứ 1.000 người ở Long An thì có 47 người nhập cư chuyển tới.
Chưa kể, thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng tại Long An có xu hướng tăng trung bình khoảng 12%/năm. Giai đoạn 2016 - 2019, Long An là địa phương có thu nhập bình quân đầu người theo tháng cao nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Khi thu hút FDI tăng, cùng việc đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp, thu nhập của người lao động được kỳ vọng sẽ tiếp tục được nâng cao, từ đó kéo theo tăng khả năng chi trả nhà ở.
Đây là cơ sở tốt để các doanh nghiệp đầu tư vào Long An và cũng cho thấy nguồn cầu rất triển vọng cho thị trường bất động sản Long An, trong đó nổi bật là thị trường nhà ở và thị trường bất động sản khu công nghiệp, bất động sản logistics.