Huyền thoại Bộ đội Trường Sơn

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bộ đội Trường Sơn đã thực hiện xuất sắc chủ trương của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đó là tổ chức lực lượng mở đường Trường Sơn chi viện người và vũ khí cho chiến trường miền Nam.

Khởi đầu từ đơn vị vận tải bí mật, sau 16 năm hoạt động (1959-1975), Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn đã phát triển thành một binh đoàn bộ đội hợp thành quy mô lớn, đã xây dựng nên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn với hệ thống đường cơ giới liên hoàn, kéo dài hàng nghìn km, gồm 5 trục dọc đường chiến lược, 21 trục ngang đường chiến dịch, ở cả phía Đông và Tây Trường Sơn vào đến tận Đông Nam Bộ; giữ vững “mạch máu” giao thông thông suốt trong mọi tình huống.

Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự cho biết, Bộ đội Trường Sơn chức năng chính là vận tải chiến lược nhưng ngoài ra còn là lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu (chiến đấu tại chỗ, tại các cung đường vận chuyển). Không chỉ làm nhiệm vụ chi viện chiến lược, Bộ đội Trường Sơn còn phối hợp với các đơn vị chủ lực để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu như các binh đoàn chủ lực khác và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

"Khó khăn, đói kém, thậm chí là ranh giới giữa sống và chết hết sức mong manh, nhưng điều đó không hề làm giảm đi ý chí, nhiệt huyết của những người lính Trường Sơn. Những người lính ấy đã chiến đấu anh dũng gan dạ trên các tuyến đường máu lửa viết nên huyền thoại "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bộ đội Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, để lại dấu ấn đậm nét trong thắng lợi của các chiến dịch từ năm 1971 đến 1975. Đặc biệt từ con đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh huyền thoại, bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển hơn một triệu tấn hàng hóa, vũ khí đưa vào các chiến trường, hơn 2 triệu lượt người, 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào Nam ra Bắc...

Cầu treo bắc qua sông Ta Lê - đường 20 do Tiểu đoàn công binh 33 xây dựng. Chiếc cầu tồn tại 6 năm đã giúp hàng ngàn chuyến xe vượt qua sông an toàn ra mặt trận. (Ảnh: Tư liệu)

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo, nguyên Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, không phải ngẫu nhiễn mà đường Trường Sơn trở thành huyền thoại: "Đây là con đường được xây bằng mồ hôi, công sức và xương máu của biết bao nhiêu là bộ đội, chiến sỹ, thanh niên xung phong của hậu phương miền Bắc với chiến trường miền Nam. Nó được xây đắp bởi máu đào của tình đoàn kết quốc tế thủy chung của cách mạng Việt Nam, cách mạng Lào và cách mạng Campuchia. Đồng thời góp phần đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ để rồi đỉnh cao là hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước".

Đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh có thể ví như một “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm” nối liền và chuyển vận toàn bộ sức mạnh tiềm tàng và to lớn từ hậu phương ra tiền tuyến, góp phần quan trọng vào sự nghiệp thống nhất đất nước.

Trong 16 năm, các lực lượng trên tuyến vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh đã chiến đấu trên 2.500 trận, loại khỏi vòng chiến đấu gần 18.000 tên địch, bắn rơi 2.455 máy bay, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch… góp phần đưa cách mạng miền Nam đánh bại từng chiến lược chiến tranh, thực hiện thắng lợi tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Thượng tá Nguyễn Văn Ngọc – Giám đốc Bảo tàng đường Hồ Chí Minh cho rằng: "Sự khốc liệt, những khó khăn gian khổ mà Bộ đội Trường Sơn đã trải qua trong suốt 16 năm trên cung đường huyền thoại này đã góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay về tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc. Từ đó cố gắng để phát triển, phấn đấu và phát huy tinh thần yêu nước đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam".

Trong suốt 16 năm xây dựng và phát triển (1959-1975) hệ thống giao thông huyết mạch Trường Sơn không chỉ giữ vai trò là tuyến vận tải quân sự hậu cần chiến lược mà còn là chiến trường tổng hợp, một mặt trận chiến đấu quyết liệt giữa ta và địch. Đây còn là nơi hội tụ sức mạnh niềm tin và ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất vì độc lập, tự do hòa bình, thống nhất Tổ quốc.

"Nhà thơ Tố Hữu có một câu thơ rất hay “Trường Sơn Đông nắng Tây mưa/ Ai chưa đến đó thì chưa rõ mình”. Trường Sơn - đó là nơi thể hiện cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chứa đựng tinh thần yêu nước, đặc biệt là sức trẻ. Bao nhiêu khó khăn vất vả, bao nhiêu hiểm nguy rình rập, có lẽ đấy cũng là nơi thử thách lớn nhất con người Việt Nam mình. Chưa ở đâu mà tinh thần yêu nước, tinh thần quả cảm, chủ nghĩa anh hùng cách mạng lại được rõ nét như ở Trường Sơn". PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo chia sẻ.

Đã có biết bao người lính hy sinh, bao chàng trai, cô gái chôn vùi tuổi thanh xuân trong những cánh rừng. Họ sẵn sàng dâng hiến cả tính mạng, tuổi thanh xuân để giữ sức sống cho đường Trường Sơn, góp phần làm nên Đại thắng Mùa xuân năm 1975.

Những người lính Trường Sơn đã làm nên huyền thoại của một dân tộc anh hùng.

Ngọc Hà/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/huyen-thoai-bo-doi-truong-son-post1189996.vov
Zalo