Huyện Kế Sách tăng cường công tác ứng phó các loại hình thiên tai
Do có vị trí địa lý ven sông Hậu cùng với hệ thống sông ngòi chằng chịt nên huyện Kế Sách (Sóc Trăng) chịu ảnh hưởng lớn từ tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến sạt lở bờ sông, bờ bao, đê cồn và xâm nhập mặn ngày càng gay gắt, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đời sống của bà con trên địa bàn huyện.
Theo thống kê của huyện Kế Sách, kể từ năm 2020 đến nay, tại huyện đã xảy ra các loại hình thiên tai chủ yếu như: dông lốc, triều cường, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, đê cồn. Cụ thể, dông lốc xảy ra đã làm tốc mái, hư hỏng khoảng 230 căn nhà, diện tích vườn cây ăn trái, lúa bị thiệt hại do dông lốc gây ra ước 3.000ha; sạt lở bờ sông, bờ bao, đường đal là 361 đoạn, chiều dài trên 10.117m; đê cồn bị sạt lở 130 đoạn, với chiều dài 5.603m và xâm nhập mặn diễn ra ngày càng gay gắt hơn, tiến sâu vào nội đồng, mặn kéo dài từ 5 - 6 tháng vào mùa khô. Qua theo dõi thời điểm mặn cao nhất là vào năm 2019 - 2020, độ mặn cao nhất đo tại vàm Nhơn Mỹ, xã Nhơn Mỹ có lúc lên đến 11,4‰, tại thị trấn Kế Sách độ mặn đo được lúc cao nhất lên đến 10,2‰, gây ảnh hưởng lớn đến diện tích vườn cây ăn trái của bà con nông dân, nhất là đối với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, chôm chôm...

Để khắc phục sạt lở, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã được Trung ương, tỉnh đầu tư xây dựng các công trình bờ kè phòng, chống sạt lở tại nhiều địa phương ven sông trên địa bàn huyện. Ảnh: THÚY LIỄU
Do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn nên trong 5 năm qua, ước diện tích thiệt hại trên lúa, cây ăn trái do mặn gây ra là 2.447ha. Ngoài mặn thì tại một số địa phương trên địa bàn huyện còn bị ảnh hưởng bởi triều cường, ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái và đi lại của người dân. Để khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, ổn định sản xuất cho người dân, huyện đã huy động lực lượng với phương châm “4 tại chỗ” hỗ trợ người dân khắc phục sửa chữa 186 căn nhà, với số tiền hơn 2,1 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 87 triệu đồng khắc phục vườn cây ăn trái khi bị ảnh hưởng thiên tai. Riêng đối với các bờ sông, đê cồn bị sạt lở, huyện đã được Trung ương, tỉnh đầu tư nhiều nguồn vốn khắc phục, bằng cách xây dựng các công trình bờ kè chống sạt lở trên sông Rạch Vọp, xã Thới An Hội, xã Trinh Phú, thị trấn Kế Sách… cùng hàng trăm công trình chống sạt lở tại các địa phương ven sông trên địa bàn huyện. Ngoài sự hỗ trợ từ nguồn vốn phòng, chống sạt lở, khắc phục thiên tai của cấp trên, huyện còn tập trung mọi nguồn lực khắc phục các loại hình thiên tai xảy ra tại huyện.
Hằng năm, huyện Kế Sách đều xây dựng các kế hoạch phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cùng với đó thành lập ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai từ huyện đến xã và thành lập các tổ, nhóm phòng, chống thiên tai để kịp thời ứng phó các tình huống thiên tai xảy ra và thông tin kịp thời đến người dân về thiên tai nhằm chủ động ứng phó.
Đồng chí Cao Minh Thơm - Phó Chủ tịch UBND huyện Kế Sách chia sẻ, huyện sẽ tăng cường hơn nữa công tác ứng phó cũng như tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; các kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư; kế hoạch của UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Triển khai thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả; phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp.
“Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về phòng, chống thiên tai và lồng ghép trong các chương trình, nội dung tuyên truyền vào các cuộc họp tại đơn vị. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân về kinh nghiệm trong việc chủ động phòng tránh, ứng phó với các tình huống, sự cố khi thiên tai xảy ra, hạn chế rủi ro, thiệt hại đến mức thấp nhất khi có thiên tai xảy ra. Phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác về phòng, chống thiên tai. Chủ động bố trí nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm, phương án về phòng, chống thiên tai để triển khai phương án ứng phó…”, đồng chí Cao Minh Thơm cho biết thêm.