Huyện Gia Lâm: Phát triển toàn diện kinh tế - xã hội
Được sự chỉ đạo sâu sát của TP và các cấp lãnh đạo, sự vào cuộc tích cực của chính quyền và Nhân dân, năm 2024, huyện Gia Lâm đã hoàn thành 17/17 chỉ tiêu TP Hà Nội giao, 21/21 chỉ tiêu kế hoạch HĐND huyện giao; hoàn thành Huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Kinh tế chuyển dịch đúng hướng
Năm 2024, kinh tế huyện Gia Lâm tiếp tục phát triển và chuyển dịch đúng hướng. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý ước tăng 12,24%, trong đó dịch vụ tăng 18,67%, công nghiệp, xây dựng tăng 8,17%, nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm 1,75% so với năm 2023. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 6.043,7 tỷ đồng, bằng 141% dự toán TP và huyện giao, bằng 144,8% so với năm trước. Chi ngân sách Nhà nước địa phương ước đạt 2.987,9 tỷ đồng, bằng 120,9% dự toán TP giao.
Công tác quy hoạch, quản lý đô thị, đầu tư xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng và tài nguyên, môi trường được quan tâm chỉ đạo. Cùng với việc đề xuất ý kiến vào báo cáo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; đồ án Quy hoạch chi tiết bảo tồn làng nghề truyền thống kết hợp phát triển du lịch tại xã Bát Tràng; huyện đã đẩy nhanh tiến độ lập đề cương, nhiệm vụ Quy hoạch phân khu đô thị đối với khu vực định hướng mở rộng phát triển đô thị huyện Gia Lâm; phê duyệt 1 đồ án quy hoạch chi tiết, 4 hồ sơ quy hoạch tổng mặt bằng.
Năm 2024, huyện đã cấp 1.399 giấy phép xây dựng với tổng diện tích sàn khoảng 313.625m2; tổ chức kiểm tra 1.280 công trình xây dựng khởi công, phát hiện 68 trường hợp vi phạm. Huyện đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng 8 dự án, còn 35 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Công tác vệ sinh môi trường được duy trì thường xuyên, bảo đảm mỹ quan đô thị. Huyện đã triển khai hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng môi trường huyện Gia Lâm giai đoạn 2021 - 2025” và kế hoạch năm 2024, đạt toàn diện 3 chỉ tiêu chính về môi trường trong khu dân cư, trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, trong cụm công nghiệp và làng nghề. Đến nay, toàn huyện có 222 tuyến đường nở hoa, 92 đoạn đường bích họa được duy trì chăm sóc bảo đảm xanh, sạch, đẹp...
Công tác xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với đầu tư, xây dựng huyện thành quận, xã thành phường được quan tâm chỉ đạo. Huyện đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1574/QĐ-TTg (ngày 16/12/2024) công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Hiện tại, huyện đang tiếp tục hoàn thành xây dựng Đề án thành lập quận và Báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị khu vực dự kiến thành lập quận, phường trình các cấp bảo đảm tiến độ yêu cầu.
Văn hóa – xã hội ngày càng khởi sắc
Văn hóa, xã hội tiếp tục được duy trì và phát triển. Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, kết quả các danh hiệu văn hóa đều đạt trên 90%, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch năm. Bên cạnh đó, huyện đã tích cực triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” gắn với thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2021-2025” năm 2024. Phối hợp với TP kiểm kê chuyên sâu, bổ sung đối với 27 di tích nằm ngoài danh mục di tích huyện Gia Lâm đã được TP phê duyệt. Thực hiện kiểm kê đối với toàn bộ di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn; đề nghị lập hồ sơ công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đối với 2 di sản: lễ hội làng Bát Tràng và nghề gốm Kim Lan… Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi, an toàn và rộng khắp trên địa bàn, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia.
Giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm. Huyện đã đẩy mạnh, phát huy hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, các chỉ tiêu về số lượng, chất lượng đều đạt và vượt so với kế hoạch và chỉ tiêu giao. Kết quả thi giáo viên giỏi, học sinh giỏi và các hội thi khác đều đạt thành tích tốt. Công tác xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giáo viên đạt hiệu quả cao. Các hoạt động đoàn thể, các cuộc vận động lớn và các phong trào được thực hiện có hiệu quả, thiết thực. Đến hết năm 2024, số trường chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện là 76/79 trường (không tính 2 trường mới thành lập), đạt 96,2%.
Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, chính sách xã hội thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng; huyện giữ vững không có hộ nghèo và giảm nhanh hộ cận nghèo. Công tác xây dựng chính quyền và cải cách hành chính được đẩy mạnh; chấm điểm Chỉ số cải cách hành chính năm 2023, huyện Gia Lâm đứng thứ 11/30 quận huyện, tăng 3 bậc; chỉ số SIPAS đứng thứ 2/30 quận huyện, tăng 7 bậc so với năm trước. Công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại được quan tâm; tỷ lệ giải quyết đơn đến hạn giải quyết đạt 96,9%.
Quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đồng thời là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; cũng là năm Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.
Quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong nhận thức và hành động về “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”; tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để đưa huyện Gia Lâm tiếp tục phát triển văn minh, hiện đại, huyện Gia Lâm đề ra mục tiêu: Quyết tâm hoàn thành và thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Tập trung phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ.
Huyện cũng quyết tâm đẩy nhanh tiến độ lập, hoàn thành Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị đối với khu vực định hướng mở rộng phát triển đô thị. Chỉ đạo quyết liệt công tác huy động nguồn lực, trọng tâm là công tác đấu giá quyền sử dụng đất; giải quyết dứt điểm khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án. Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Đề án thành lập quận, phường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng, tham gia của toàn dân và cộng đồng DN đẩy mạnh chuyển đổi số. Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân. Bảo đảm quốc phòng, quân sự địa phương và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Năm 2025, huyện Gia Lâm dự kiến một số chỉ tiêu chủ yếu. Cụ thể, về phát triển kinh tế: thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 5.487,9 tỷ đồng; chi ngân sách Nhà nước địa phương 3.192,2 tỷ đồng. Về văn hóa xã hội: duy trì tỷ lệ xã/thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 100%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95,9%; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong độ tuổi lao động đạt 47,3%; duy trì huyện không có hộ nghèo; số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 2 trường... Nhóm chỉ tiêu xây dựng đô thị: tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch đạt 100%; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển trong ngày đạt 100%.